Giải Nobel Kinh tế 2022: Ngân hàng và khủng hoảng tài chính - Ảnh 1
Giải Nobel Kinh tế 2022: Ngân hàng và khủng hoảng tài chính - Ảnh 2

Ngân hàng là một dạng định chế tài chính đặc biệt không chỉ trong hệ thống tài chính nói riêng mà còn trong cả nền kinh tế nói chung. Về bản chất, ngân hàng hoạt động trong bối cảnh chứa đựng nhiều rủi ro ngoại cảnh, tiềm ẩn nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát và dễ dẫn đến tình trạng phá sản đột ngột. Để giảm thiểu tối đa những nguy cơ này, Nhà nước cần đảm bảo vai trò giám sát và hỗ trợ kịp thời đối với hệ thống ngân hàng.

Trên các góc độ khác nhau, Bernanke, Diamond và Dybvig đã làm sáng tỏ được những điều này thông qua các nghiên cứu của họ vào đầu những năm 1980, vừa kết nối và giải thích hơn 200 năm lịch sử khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, vừa tạo nền móng vững chắc cho các nghiên cứu chính sách chuyên sâu cho các thế hệ sau.

Giải Nobel Kinh tế 2022: Ngân hàng và khủng hoảng tài chính - Ảnh 3

Trong nghiên cứu xuất bản năm 1983, Douglas Diamond và Phillip Dybvig đã đưa ra một mô hình toán học để làm rõ tầm quan trọng của ngân hàng trong nền kinh tế. Mô hình này sau này được gọi tắt là mô hình Diamond-Dybvig.

Trong mô hình Diamond – Dybvig, ngân hàng hoạt động qua việc thu hút tiền gửi và cho vay/đầu tư. Với các nghiệp vụ này, ngân hàng giúp giải quyết hai vấn đề quan trọng trong nền kinh tế: (i) đảm bảo tính thanh khoản; (ii) cung ứng vốn thông qua hỗ trợ vay, đặc biệt là đối với các hạng mục đầu tư phức tạp, thanh khoản thấp qua việc giải quyết các vấn đề liên quan tới bất đối xứng thông tin và việc thiết lập cơ chế chia sẻ rủi ro.

Nếu không có ngân hàng, hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế buộc phải tự bảo quản phần tiền mặt thuộc sở hữu của mình. Điều đó không chỉ chứa đựng nhiều rủi ro và phát sinh thêm chi phí, mà còn là khó khăn không nhỏ khi cần huy động tài chính cho những khoản chi tiêu lớn hoặc đột xuất. Tương tự, khi trực tiếp thực hiện cho vay/đầu tư, các cá nhân và tổ chức vừa gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chủ thể có nhu cầu về vốn phù hợp với nhu cầu cho vay, vừa gặp khó khăn trong việc ra quyết định liên quan đến các dự án đầu tư đòi hỏi kiến thức chuyên môn đặc thù. Đây là khó khăn, nếu không muốn nói là gần như bất khả thi đối với không ít các cá nhân và tổ chức.

Với sự ra đời và hoạt động hiệu quả của hệ thống ngân hàng thương mại, các định chế tài chính này đồng thời cung cấp thanh khoản cho người gửi và thực hiện việc cho vay, đầu tư ở quy mô đủ lớn, đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động này. Các cá nhân, tổ chức khi thừa hay thiếu vốn cũng dễ dàng xác định được họ cần đến đâu để được đáp ứng nhu cầu.

Vì tính chất đặc biệt nêu trên của ngân hàng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều hình thành hệ thống ngân hàng từ rất sớm. Sự phát triển của hệ thống ngân hàng luôn luôn song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Thông qua mô hình của mình, Diamond và Dybig còn chứng minh được rằng, vai trò và hoạt động của ngân hàng mặc dù rất quan trọng, nhưng lại cũng chính là điểm yếu của bản thân hệ thống. Đối với một ngân hàng bất kỳ, tỷ trọng không nhỏ tài sản được thể hiện thành các khoản vay và đầu tư dài hạn, trong khi đa số nợ sẽ là tiền gửi của khách hàng.

Tiền gửi là tiền do các cá nhân và tổ chức gửi tại ngân hàng, có thể có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn. Tuy nhiên, điểm khác biệt mấu chốt khi so sánh với hoạt động cho vay hay đầu tư, là tiền gửi có thể được rút ra đầy đủ bất kỳ lúc nào mà không cần có lý do gì đặc biệt. Còn với các khoản ngân hàng cho vay hay đầu tư, việc thu hồi sớm thường sẽ phải chịu những khoản phạt lớn, lên tới 50-70% hoặc cao hơn.

Như vậy, ngân hàng chịu hai rủi ro cơ bản.

Thứ nhất, rủi ro thanh toán đến từ việc các khoản cho vay/đầu tư không đạt được kỳ vọng. Điều này sẽ khiến tài sản của ngân hàng mất đi giá trị, phá vỡ khả năng thanh toán nợ và buộc ngân hàng phải phá sản.

Thứ hai, rủi ro thanh khoản đến từ hiện tượng đột biến rút tiền gửi. Điều này sẽ khiến ngân hàng buộc phải tuyên bố phá sản kỹ thuật (không đủ thanh khoản để chi trả cho người rút tiền gửi), hoặc phải bán tháo tài sản với giá rẻ. Tuy nhiên, ngay khi bán tháo tài sản với giá rẻ, như Diamond – Dybvig đã chứng minh, người gửi sẽ lấy đó làm tín hiệu xấu để gia tăng việc rút tiền khỏi ngân hàng, buộc ngân hàng phải tiếp tục bán tháo tài sản cho tới khi phá sản hoàn toàn.

Giải Nobel Kinh tế 2022: Ngân hàng và khủng hoảng tài chính - Ảnh 4

Khi hiện tượng đột biến rút tiền gửi xảy ra, ngân hàng trước tiên cần có đủ tiền mặt để chi trả cho người gửi tiền – mà như đã phân tích ở trên, các ngân hàng thường không thể đảm bảo được điều này nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Do  đó, hệ thống tài chính quốc gia cần có sự tồn tại một tổ chức có thể thực hiện được việc cho ngân hàng vay không giới hạn trong thời gian ngắn (lender of last resort – Bên cho vay cuối cùng).

Người đầu tiên nghiên cứu và ghi chép lại một cách bài bản nguyên tắc vận hành của Bên cho vay cuối cùng là Walter Bagehot trong cuốn sách Lombard Street xuất bản năm 1873. Theo Bagehot, cần một “ai đó” trong nền kinh tế có khả năng cho ngân hàng vay không giới hạn khi cần thiết, với điều kiện ngân hàng vay không trong tình trạng phá sản; có tài sản an toàn để thế chấp; phải trả lãi suất cao và tất toán nhanh chóng. Ba ứng cử viên sáng giá nhất cho vai trò “ai đó” là ngân hàng trung ương; thị trường liên ngân hàng; và chính phủ.

Theo thời gian, cả ba ứng cử viên này đều đã từng tham gia giải cứu các ngân hàng lâm vào tình trạng đột biến rút tiền gửi trong nhiều tình huống khủng hoảng khác nhau. Thực tế và các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, định chế phù hợp nhất để đảm nhiệm vai trò Bên cho vay cuối cùng chỉ là các ngân hàng trung ương của các quốc gia. Đây cũng là lựa chọn của tất cả các nước có nền tài chính phát triển trên thế giới.

Nhìn lại lịch sử, nếu Anh quốc là nơi mà các khái niệm, tư duy và thực tiễn thiết lập cơ chế Bên cho vay cuối cùng được khám phá và triển khai để xử lý các tình huống đột biến rút tiền gửi, thì Mỹ lại là thị trường đầu tiên trên thế giới khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc ngăn chặn đột biến rút tiền gửi khi thiết lập cơ chế bảo hiểm tiền gửi vào năm 1933. Bảo hiểm tiền gửi tại Mỹ được quản lý bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC); và được đảm bảo bởi toàn bộ sức mạnh tài chính của hệ thống thuế quốc gia.

Cho tới nay đã có tới 146 quốc gia và vùng lãnh thổ thiết lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi quốc gia với các mức độ bảo hiểm khác nhau.

Tại Việt Nam, bảo hiểm tiền gửi được thiết lập lần đầu tiên vào năm 1999 và hoạt động thông qua cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV). Mức bảo hiểm được điều chỉnh nhiều lần và tới thời điểm hiện tại là 75 triệu/cá nhân tại một ngân hàng (bao gồm tất cả các tài khoản tại ngân hàng đó) theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Trong khuôn khổ nghiên cứu nền tảng công bố năm 1983, Diamond và Dybvig đã không hề bàn tới các công cụ chính sách. Tuy nhiên, mô hình Diamond – Dybvig lại chính là lăng kính hữu hiệu mà qua đó các nhà làm chính sách và nghiên cứu sau này luôn sử dụng để nhìn nhận, đánh giá lịch sử phát triển của ngân hàng và các biện pháp chính sách đã áp dụng, cũng như phân tích và đề xuất các chính sách cho tương lai nhằm hạn chế tần suất của những cuộc khủng hoảng.

Giải Nobel Kinh tế 2022: Ngân hàng và khủng hoảng tài chính - Ảnh 5

Trên quan điểm kinh tế thị trường tự do, khủng hoảng chưa hẳn đã là một điều xấu. Khủng hoảng có thể là cơ hội để đào thải những công ty, doanh nghiệp kém hiệu quả, đào thải những công nghệ lạc hậu, những sản phẩm lỗi thời và mở đường cho những sự sáng tạo mới, công nghệ mới, sản phẩm mới. Sau mỗi cuộc khủng hoảng trong một lĩnh vực nào đó, lĩnh vực đó thường sẽ mất đi, hoặc sẽ thay đổi và cải thiện để tăng trưởng vượt bậc trong những giai đoạn tiếp theo.

Đối với khủng hoảng nói chung, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng Nhà nước không nên can thiệp, mà nên để thị trường tự điều chỉnh. Tuy nhiên, khi nói tới khủng hoảng tài chính, hầu hết các chuyên gia trong ngành và kể cả các nhà chính trị gia theo các trường phái khác nhau đều thống nhất một quan điểm: Nhà nước phải can thiệp chủ động để giảm thiểu tần suất khủng hoảng.

Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, có 4 cơ chế xảy ra song song ảnh hưởng tới không chỉ hệ thống ngân hàng mà là toàn bộ nền kinh tế.

Thứ nhất, người gửi tiền tại ngân hàng có thể mất tiền; trong khi những khoản đầu tư/cho vay của ngân hàng sẽ phải bán tháo với giá rẻ. Đây là ảnh hưởng trực tiếp có thể thấy được qua mô hình Diamond – Dybvig đã mô tả ở trên.

Thứ hai, lượng tiền tệ trong nền kinh tế bị thu hẹp khi các ngân hàng gặp khủng hoảng. Khi thiếu tiền, hệ thống không có tính thanh khoản, mọi hoạt động liên quan tới tài chính sẽ bị thu hẹp, ảnh hưởng trầm trọng tới hoạt động của nền kinh tế. Đây là cơ chế tiền tệ, được miêu tả bởi Milton Friedman và Anna Schwatz vào năm 1963. Nhờ làm rõ được cơ chế này (cùng với một số nghiên cứu khác), Milton Friedman đã được trao giải Nobel Kinh tế 1976.

Thứ ba, khi các ngân hàng khủng hoảng, hệ thống ngân hàng không thể thực hiện được việc cung cấp thanh khoản cho nền kinh tế, lãi suất tăng lên, người dân và doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tiết kiệm, thay vì tiêu dùng và sản xuất. Điều này trực tiếp kìm hãm khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là cơ chế tổng cầu, được miêu tả chi tiết, tỉ mỉ lần đầu vào năm 1936 bởi John Maynard Keynes, cha đẻ của hệ thống lý thuyết kinh tế Keynesian thịnh hành trên toàn thế giới hiện nay.

Thứ tư, khi các ngân hàng lâm vào khủng hoảng và sụp đổ, nền kinh tế mất đi các định chế tài chính cùng cả lượng kiến thức khổng lồ về khách hàng và doanh nghiệp mà các định chế tài chính này đã tích luỹ được. Lượng kiến thức này không thể chuyển giao, không thể xây lại một cách nhanh chóng, nhưng lại là nền tảng của hoạt động cho vay và đầu tư của các ngân hàng. Điều này kìm hãm hoạt động đầu tư, cho vay phục vụ sản xuất không chỉ tại thời điểm khủng hoảng mà còn kéo dài nhiều năm sau đó. Đây là cơ chế tín dụng.

Sử dụng và phân tích dữ liệu của cuộc Hoảng loạn ngân hàng 1929-1933 và cuộc Đại suy thoái kéo dài tới hết những năm 1930s, Ben Bernanke đã chứng minh trong nghiên cứu xuất bản năm 1983 của mình về sự tồn tại và tầm quan trọng của cơ chế tín dụng, làm sáng tỏ hơn nữa nguyên nhân và hậu quả của cuộc Đại suy thoái, từ đó khẳng định một lần nữa vai trò của Nhà nước trong việc hạn chế và xử lý khủng hoảng tài chính.

Giải Nobel Kinh tế 2022: Ngân hàng và khủng hoảng tài chính - Ảnh 6

Bernanke – Diamond – Dybvig với những nghiên cứu của họ chắc chắn xứng đáng nhận giải Nobel Kinh tế 2022, khi họ đã không trực tiếp khuyến nghị chính sách mà chỉ cung cấp cho giới kinh tế học những công cụ và nền tảng lý luận vững chắc để phân tích và áp dụng chính sách. Tính tới nay, những chính sách đã tìm được chỗ dựa vững chắc từ các nghiên cứu của họ gồm chính sách cho vay cuối cùng; bảo hiểm tiền gửi; và kiểm soát khủng hoảng bằng mọi cách.

Trong những năm Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 -2009, Ben Bernanke lúc đó trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã trực tiếp chèo lái hệ thống tài chính Mỹ trên đúng những nguyên tắc mà nghiên cứu đã đặt ra. Ông đã mạnh dạn cho vay không hạn chế gần như tất cả các định chế tài chính trên thị trường, bao gồm cả các định chế tài chính ngoài nước Mỹ. Ông đã kiến tạo và ủng hộ việc bảo lãnh tiền gửi ngắn hạn không chỉ ở ngân hàng mà ở cả các định chế tài chính tương đương ngân hàng. Sau khi các công cụ chính sách đều đã được đem ra sử dụng, Bernanke đã tiếp tục mạnh dạn thí nghiệm Nới lỏng định lượng tiền tệ. Tất cả những biện pháp này được thực hiện nhằm mục tiêu kiểm soát cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra tại thời điểm đó.

Như vậy, hệ thống tài chính và các sản phẩm tài chính có thể luôn luôn không ngừng thay đổi, nhưng với những công cụ mà ba nhà nghiên cứu đạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã cung cấp, các nhà quản lý có lẽ sẽ luôn vững tay chèo lái hệ thống ngân hàng trong tương lai.

Giải Nobel Kinh tế 2022: Ngân hàng và khủng hoảng tài chính - Ảnh 7

VnEconomy 20/10/2022 10:00