Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 1
Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 2

“Kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải  khí nhà kính là vấn đề mới. Các doanh nghiệp chưa có thời gian thực hành nên thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong  quá trình thu thập, xử lý số liệu phục vụ tính toán phân bổ hạn ngạch cũng như triển khai các giải pháp tạo tín chỉ carbon.

Ngoài ra, việc đầu tư các giải pháp, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Việc giải bài toán đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính để vừa đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế là một thách thức lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Để giải quyết những thách thức này, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương đang phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật để hỗ trợ việc xây dựng và vận hành thị trường carbon Việt Nam.

Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành. Thời gian vừa qua, Cục đã trình Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT ngày 27/12/2023 quy định về quy trình kỹ thuật đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương. Đây là nội dung cơ bản phục vụ cho quá trình tính toán, kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở thuộc danh mục tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg.

Số liệu về kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở là số liệu đầu vào quan trọng cho việc tính toán phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho một số ngành, lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn được dự kiến thí điểm trong giai đoạn đầu của thị trường carbon được nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực về kiểm kê khí nhà kính cho các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo danh mục tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện hệ thống báo cáo, đo đạc và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phục vụ quá trình quản lý, kiểm soát chất lượng của tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đây là sản phẩm “hàng hóa” sẽ lưu hành trên thị trường carbon của Việt Nam sau khi được thành lập và vận hành”.

Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 3

“Doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức khi tiếp cận và tham gia các thị trường carbon, hạn chế trong hiểu biết về thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ sự khác biệt giữa hai loại thị trường (thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện), các quy định liên quan, cũng như cách thức thị trường vận hành. Đặc biệt với thị trường tự nguyện, không ít doanh nghiệp chưa hiểu quy trình đăng ký và phát triển dự án tín chỉ.

Ngoài ra các đơn vị cũng thiếu kiến thức về công nghệ giảm phát thải. Việc tiếp cận và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để giảm phát thải vẫn còn là trở ngại với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các doanh nghiệp cũng khó khăn trong thu thập và quản lý dữ liệu. Việc thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) để tính toán phát thải và giảm phát thải vẫn còn mới mẻ với các doanh nghiệp và đòi hỏi nguồn lực đáng kể. Không những thế, việc đầu tư cho công nghệ giảm phát thải, xây dựng hệ thống MRV, hay chi phí liên quan đến phát triển và đăng ký dự án tín chỉ là những rào cản lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Do đó, Chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, đồng thời góp phần tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp. Qua các khảo sát về mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của khối tư nhân, nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch về các quy định và hướng dẫn cụ thể để tham gia thị trường.

Một trong những rào cản lớn hiện nay là vấn đề tài chính khi doanh nghiệp triển khai các biện pháp giảm phát thải. Các tổ chức tài chính và ngân hàng có thể đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong lĩnh vực này. Để tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ, Chính phủ cần hoàn thiện khung chính sách về tài chính xanh, đồng thời đưa ra quy định rõ ràng về các loại dự án hoặc sáng kiến đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ các tổ chức tài chính.

Tôi cho rằng cần thiết phải xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển thị trường carbon, bao gồm mạng lưới các nhà nghiên cứu, chuyên gia, tổ chức tư vấn và doanh nghiệp. Hệ sinh thái này sẽ đóng vai trò là cầu nối kiến thức về thị trường carbon, chia sẻ các giải pháp công nghệ tiên tiến, đồng thời kết nối các chủ dự án với nhà đầu tư, đơn vị phát triển và người mua tín chỉ tiềm năng”.

Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 4

“Dưới góc độ ngân hàng, chúng tôi thấy rất rõ hiện nay có rất nhiều nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài, khuyến khích các ngân hàng ký tài trợ ứng dụng xanh, hướng đến phát triển bền vững. Đó cũng là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp.

Hiện nay Ngân hàng hàng hải Việt Nam (MSB) trong định hướng chiến lược của mình cũng tập trung vào phát triển bền vững. Chúng tôi cũng đồng hành với một số doanh nghiệp đang sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hay lĩnh vực năng lượng xanh để cùng với các doanh nghiệp tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế, đạt được nguồn vốn và xin vay từ các tổ chức nước ngoài. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được các chi phí vận hành, giảm thiểu tác hại với môi trường, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được với nguồn tài chính do chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Đây sẽ là một trong những động lực để đưa ra các tiêu chuẩn, bộ tiêu chí rõ ràng để các doanh nghiệp hiểu và đáp ứng được các tiêu chí liên quan đến thị trường carbon khi chúng ta mới đang bắt đầu xây dựng thị trường này. Tôi nghĩ đây cũng là trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp.

Tôi cho rằng cần xây dựng các tiêu chí của thị trường carbon Việt Nam tiệm cận được với tiêu chí thị trường carbon đang phát triển của quốc tế. Cần đưa ra các quy chuẩn phù hợp với quy chuẩn của các thị trường carbon đang phát triển để đảm bảo các loại hàng hóa chúng ta đang giao dịch phải đáp ứng các quy chuẩn của thị trường thứ ba. Ví dụ như ở châu Âu, các quy chuẩn rất khắt khe nên có thể sẽ dẫn tới tình trạng có sản phẩm nhưng lại không thể bán được. Theo tôi, dưới góc độ của ngân hàng hay doanh nghiệp tài chính, trong giai đoạn tới khi thị trường phát triển, chúng tôi sẽ đứng ra làm trung gian, đảm bảo hoạt động này.

Tôi cũng mong muốn chúng ta sẽ có thị trường phát triển, giao dịch thực tế thay vì thị trường ra đời mà không có hàng hóa, không thể giao dịch quốc tế, không có sự kết nối với thị trường quốc tế. Với sự tích cực của các doanh nghiệp trong vấn đề biến đổi khí hậu, chúng tôi rất mong muốn thị trường carbon Việt Nam sẽ phát triển, kết nối được với thị trường nước ngoài, vừa giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững, vừa có thể giao dịch tín chỉ carbon khắp mọi nơi, vượt qua tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường quốc tế như châu Âu”.

Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 5

“Từ năm 2014, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã tiên phong tham gia vào thị trường carbon quốc tế. Trong giai đoạn 2014–2021, Lasuco đã bán tín chỉ carbon cho một tổ chức tại Thái Lan và thu về hơn 12 triệu Euro. Đây là thành quả từ những nỗ lực cải thiện quy trình sản xuất theo hướng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.

Cuối năm 2024, Lasuco ký kết hợp tác ba bên với hai đối tác Nhật Bản: Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Sagri để thực hiện dự án tín chỉ carbon mía đường. Dự án này đánh dấu bước ngoặt khi trở thành dự án đầu tiên tại Việt Nam tạo ra tín chỉ carbon từ cải thiện quản lý đất nông nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên Idemitsu Kosan tham gia đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.

Cơ chế hợp tác của chúng tôi là giữa ba bên theo cơ chế tự nguyện, rõ ràng: Idemitsu Kosan là bên mua tín chỉ carbon; Sagri là đơn vị tư vấn và giám sát dự án; Lasuco là đơn vị triển khai thực tế và đại diện nông dân tạo ra tín chỉ. Tín chỉ carbon được cấp bởi tổ chức quốc tế Verra – tổ chức chứng nhận tín chỉ carbon tự nguyện lớn nhất thế giới, theo phương pháp VM0042 - Cải thiện quản lý đất nông nghiệp.

Trong năm 2025, dự án triển khai thí điểm trên 500 ha đất nông nghiệp do nông dân liên kết với Lasuco canh tác. Sagri hỗ trợ dự án bằng công nghệ giám sát vệ tinh để theo dõi sức khỏe đất và sự phát triển cây mía, từ đó tối ưu hóa quy trình canh tác. Quy trình canh tác mới do các chuyên gia Nhật Bản và quốc tế xây dựng, trên cơ sở cải tiến phương pháp trồng mía truyền thống tại Thanh Hoá.

Dự án có một số thay đổi tiêu biểu như: Không đốt lá mía sau thu hoạch, thay vào đó là vùi vào đất để tạo mùn hữu cơ; giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân hữu cơ và vôi để cải thiện chất lượng đất; tái sử dụng bã mía, lá mía để làm phân hữu cơ hoặc sản xuất năng lượng sinh khối.

Ban đầu, nông dân còn e ngại vì quy trình mới làm tăng chi phí và công sức, nhưng sau một thời gian, họ nhận thấy năng suất mía tăng, hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm chi phí phân bón nhờ tận dụng phân chuồng tại nhà, đất canh tác trở nên màu mỡ hơn.

Về chi phí thực hiện dự án, chúng tôi thực hiện đến công đoạn nào, Công ty Nhật Bản ứng tiền đến đó. Chu kỳ một vòng đời canh tác mía là một năm, đến nay dự án đã đến giai đoạn được 2/3 chặng đường của vụ canh tác. Dự kiến cuối năm 2025, khi tín chỉ carbon được cấp, Idemitsu Kosan sẽ thanh toán toàn bộ số tiền mua tín chỉ carbon trên cơ sở số tín chỉ được cấp. Đặc biệt, toàn bộ lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon, chúng tôi sẽ chuyển cho nông dân, giúp họ tăng thu nhập, cải thiện đời sống và có thêm động lực duy trì canh tác bền vững.

Đối tác Nhật Bản khẳng định: Lasuco tạo ra bao nhiêu tín chỉ carbon, họ sẵn sàng mua hết. Hiện dự án đang thí điểm trên 500 ha. Khi thành công, Lasuco dự kiến mở rộng quy mô lên 8.000–10.000 ha tại Thanh Hóa và tiến tới hoạt động thương mại chính thức từ năm 2026. Đây sẽ là mô hình kiểu mẫu cho các địa phương và doanh nghiệp khác học hỏi.

Nhu cầu mua tín chỉ carbon trên thị trường với các doanh nghiệp rất lớn. Trong lĩnh vực nông nghiệp tạo ra hấp thụ khí nhà kính rất lớn, đó là nguồn tạo ra tín chỉ carbon dồi dào. Do đó, Nhà nước cần tạo ra cơ chế chính sách để doanh nghiệp tạo ra tín chỉ carbon và bán tín chỉ carbon ra thế giới.

Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể và đồng bộ để thúc đẩy lĩnh vực này. Bộ Tài nguyên và Môi trường trước đây (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có hướng dẫn về việc mua bán tín chỉ carbon, nhưng còn chung chung, chưa chi tiết, khiến việc triển khai thực hiện trong thực tế còn khó khăn. Khi triển khai dự án sản xuất và mua bán tín chỉ carbon, chúng tôi đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá thì họ rất lúng túng.

Nhà nước đang triển khai lập sàn mua bán tín chỉ carbon, để ai có tín chỉ carbon thì đưa lên đó, ai có  nhu cầu mua thì họ sẽ liên hệ. Vậy nếu các bên mua và bán tín chỉ carbon tự thoả thuận với nhau thì vai trò của Nhà nước sẽ như thế nào?

Thực tế, việc hợp tác của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn với đối tác của Nhật Bản là tự tìm đến nhau và tự thỏa thuận. Nếu tự thỏa thuận mua bán trực tiếp thì sẽ bán được tín chỉ carbon với giá cao hơn trên sàn. Nếu mua bán trên sàn, thì phải có sản phẩm (tín chỉ carbon) rồi mới bán. Cơ chế mà chúng tôi tự thỏa thuận với đối tác Nhật Bản, là bên mua tín chỉ sẽ chi tiền từ đầu, họ tham gia vào giám sát quy trình canh tác, tức là bên mua tham gia ngay từ khi bắt đầu sản xuất tín chỉ carbon.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Nhà nước, bên cạnh việc tạo ra sàn mua bán tín chỉ carbon, cũng cần tạo cơ chế để cho các đơn vị có nhu cầu tự thỏa thuận mua bán và thực hiện, không nên hạn chế việc mua bán này”.

Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 6

“Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu triển khai một số mô hình dự án giảm phát thải phuc vụ công cộng ở Việt Nam như thu hồi khí mê-tan tại các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt để phát điện (ở Huế), nghiên cứu sử dụng năng lượng hiệu quả tại các nhà máy cấp nước có công suất lớn, giảm tổn thất truyền tải điện năng tại các trạm biến áp, hạ áp tại các cơ sở sản xuất lớn. 

Bên cạnh đó, Giant Barb cũng đang triển khai dự án để đăng ký tín chỉ carbon từ thu hồi khí mê-tan phát điện phục vụ sản xuất tại các trang trại chăn nuôi lợn. Các dự án này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cải thiện công tác quản lý môi trường của trang trại, sử dụng được nguồn năng lượng hiệu quả, tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện, đáp ứng các yêu cầu thực hành tiêu chuẩn môi trường xã hội, quản trị (ESG) cho doanh nghiệp.

Khi thực hiện các dự án tín chỉ carbon, doanh nghiệp có thể bán tín chỉ carbon trên thị trường carbon, từ đó tăng doanh thu nhờ vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, so với kết quả hoạt động kinh doanh lõi của doanh nghiệp, nguồn thu từ tín chỉ carbon chỉ xem là một phần thưởng thêm, phần gia tăng khi thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tôi cho rằng lợi ích lớn nhất có thể nhìn thấy rõ khi doanh nghiệp thực hiện các dự án tín chỉ carbon đó là nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu, uy tín với nhà đầu tư, khách hàng và cơ quan quản lý.

Khi doanh nghiệp đã tuân thủ theo một tiêu chuẩn giảm phát thải đồng nghĩa các tổ chức, doanh nghiệp đã đáp ứng phần nào tiêu chuẩn xanh của thị trường. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm xã hội và môi trường, giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng và đối tác quan tâm đến phát triển bền vững. Với những doanh nghiệp đạt được giá trị xanh, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh với lãi suất ưu đãi hơn.

Việc triển khai các dự án tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện nay đang có nhiều cơ hội thuận lợi. Việt Nam là nước đang phát triển nên có nhiều dư địa thực hiện dự án tín chỉ carbon, giảm phát thải, dự án liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, cải tiến công nghệ, hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải. Không những thế, Việt Nam có rừng và biển nên có tiềm năng phát triển các dự án liên quan Blue carbon (như rừng ngập mặn, nông nghiệp, sinh vật biển…).

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án tín chỉ carbon hiện nay là vấn đề nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa hiểu các dự án tín chỉ carbon là gì, việc đăng ký và thực hiện như thế nào.

Ngay cả với doanh nghiệp đã hiểu biết về dự án vẫn có những lo ngại về mặt pháp lý chưa rõ ràng, thời gian đầu tư dài dẫn đến rủi ro tài chính cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với rủi ro trên thị trường mua bán tín chỉ carbon khi giá trị của tín chỉ có thể biến động tùy thuộc vào cung cầu, chính sách quốc gia và các yếu tố kinh tế toàn cầu…

Về hồ sơ kỹ thuật, khi đã triển khai dự án theo tiêu chuẩn quốc tế thì hồ sơ cũng phải theo chuẩn quốc tế. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam khi hồ sơ theo dõi chưa có tính hệ thống.

Không những thế, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, chi phí ban đầu cao do phải đầu tư vào cơ sở vật chất và chi phí đăng ký dự án; thời gian thực hiện dài…

Ngoài ra để đạt được mục tiêu giảm phát thải, doanh nghiệp có thể cần thay đổi công nghệ hoặc quy trình sản xuất hiện tại. Quá trình chuyển đổi này không chỉ tốn kém mà còn có thể gây gián đoạn hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn của doanh nghiệp.

Để hình thành và phát triển thị trường carbon, chúng tôi kiến nghị xây dựng một khung pháp lý rõ ràng có tính hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các hoạt động chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời sớm nghiên cứu ban hành quy định về ký ITMO (Kết quả Giảm phát thải khí nhà kính được chuyển giao quốc tế) với các nước để có hành lang pháp lý chuyển giao song phương các kết quả giảm phát thải cho các nước phát triển có nhu cầu…”.

Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 7

“Tôi cho rằng những khảo sát như của Cục Biến đổi khí hậu và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố về sự sẵn sàng của khối tư nhân tại Việt Nam cho hoạt động tạo thành dự án giảm nhẹ và tạo tín chỉ carbon theo thị trường carbon tự nguyện (VCM) là rất cần thiết và phù hợp ở giai đoạn này, trước khi thị trường carbon bắt buộc trong nước của Việt Nam bắt đầu vận hành thí điểm từ tháng 6 năm 2025.

Để phát triển cho thị trường carbon tự nguyện (VCM) tại Việt Nam, cần xây dựng chính sách rõ ràng và khung pháp lý thuận lợi cho giao dịch carbon trong VCM và theo cơ chế Điều 6; phát triển hệ sinh thái hỗ trợ VCM hoạt động hiệu quả; xây dựng hệ thống Đo đạc, báo cáo và thẩm định MRV vững chắc và phát triển đường cơ sở chuẩn hóa cho các dự án; xây dựng các mô hình điển hình để chứng minh lợi ích của việc tham gia vào VCM.

Mặt khác, với góc nhìn của đơn vị tư vấn cho các doanh nghiệp phát triển dự án tạo tín chỉ carbon ở Việt Nam, tôi ủng hộ các khuyến nghị về pháp luật Việt Nam cần một hệ thống chính sách và hướng dẫn minh bạch hơn nữa. Do đó, nhiều doanh nghiệp có tiềm năng tạo tín chỉ carbon mới có thể dễ dàng đầu tư và tham gia thị trường carbon tự nguyện.

Bên cạnh đó, phía cơ quan quản lý cần sớm có các tiêu chuẩn về tín chỉ carbon trong nước theo chuẩn mực tín chỉ carbon quốc tế để tránh rủi ro trong giao dịch quốc tế về loại hàng hóa mới này. Đây cũng chính là bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư phát triển dự án giảm phát thải và tạo ra các hàng hóa mới là tín chỉ carbon”.

Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 8

“Với góc độ của doanh nghiệp, các khó khăn và thách thức chúng tôi đối diện là rất đa dạng từ các vấn đề kỹ thuật công nghệ đến triển khai đầu tư lắp đặt vận hành, thiết lập theo dõi đo lường đánh giá hiệu quả cần nguồn lực đầu tư rất lớn trong khi lợi ích nhận được về là dài hạn. Việc thúc đẩy sự tham gia của các đối tác nhà đầu tư cùng phối hợp triển khai các dự án là rất khó khi lợi ích kinh tế bổ sung từ thương mại tín chỉ carbon từ các dự án còn chưa rõ ràng.

Hy vọng trong thời gian gần, các cơ chế chính sách, quy định hướng dẫn việc tham gia các thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải, thị trường carbon sẽ rõ ràng, chi tiết hơn để các doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc hoạch định, đầu tư và vận hành kinh doanh.

Với định hướng tăng trưởng bền vững, GreenFeed Việt Nam luôn mong muốn, kỳ vọng được tham gia vào thị trường carbon để đảm bảo các lợi ích về môi trường, cải thiện hiệu quả vận hành, tuân thủ và gia tăng các giá trị kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và lợi thế trên thị trường; đồng thời khẳng định uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Việc tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh từ các quỹ đầu tư và tổ chức tín dụng cũng là một lợi thế giúp doanh nghiệp có thể huy động thêm các trợ lực từ các đối tác bên ngoài thông qua các mô hình liên kết đa bên để tăng tính hiệu quả, tính bền vững trên toàn chuỗi.

Chúng tôi đưa ra ba đề xuất để doanh nghiệp dễ dàng và tích cực tham gia thị trường carbon.

Thứ nhất, xem xét bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính hay ưu đãi thuế giúp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho các giải pháp phát thải carbon thấp, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu có thể tham gia giao dịch trên các thị trường carbon quốc tế có yêu cầu cao như EU.

Thứ hai, sớm ban hành danh mục dự án xanh trong lĩnh vực nông nghiệp làm cơ sở để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng được thuận lợi. Xem xét triển khai các mô hình thí điểm đối tác công tư PPP giúp doanh nghiệp có cơ hội tham gia chuyển giao công nghệ, huy động tài chính. 

Thứ ba, ban hành các tiêu chuẩn, quy định hướng dẫn chi tiết giúp doanh nghiệp chủ động để nắm bắt quy trình vận hành giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng bổ sung năng lực cần thiết cũng như cho phép các doanh nghiệp tham gia vào thị trường trong giai đoạn thử nghiệm tích lũy kinh nghiệm để giao dịch một cách thuận tiện hiệu quả, giảm thiểu các rủi ro pháp lý ở giai đoạn chính thức về sau”.

Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 9

VnEconomy 15/04/2025 07:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2025 phát hành ngày 14/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1354

Giải pháp phát triển thị trường carbon ở Việt Nam - Ảnh 10