16:40 14/04/2025

Hoàn thiện thể chế để vận hành, phát triển thị trường carbon

Nhĩ Anh

Việc phát triển thị trường carbon sẽ góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam; thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới nền kinh tế carbon thấp...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay, thể chế và hạ tầng để vận hành, phát triển thị trường carbon ở Việt Nam đang được xây dựng, trong đó việc xây dựng quy định sàn giao dịch carbon trong nước và thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon ở Việt Nam, đang được thúc đẩy hoàn thiện. 

Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/1/2025 về việc thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, lộ trình thị trường carbon Việt Nam được chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, trước tháng 6/2025, là giai đoạn xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật.

Giai đoạn thứ hai, từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, là giai đoạn vận hành thí điểm.

Giai đoạn thứ ba, từ năm 2029, sẽ chính thức đưa thị trường vào hoạt động trên toàn quốc.

“LUẬT CHƠI” MỚI VỀ THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ TOÀN CẦU

Phát biểu tại Diễn đàn thị trường carbon năm 2025 vừa diễn ra, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhấn mạnh Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 không còn xa vời. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Net Zero nhanh chóng, Việt Nam phải chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển các công nghệ hiện đại phát thải thấp và những hành động khác. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26.

Giảm phát thải khí nhà kính cùng với chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.

Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu này được thực hiện chủ yếu thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Diễn đàn thị trường carbon năm 2025.
Diễn đàn thị trường carbon năm 2025.

Ông Cường cho biết từ Hội nghị COP26 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện thể chế chính sách, ban hành nhiều chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu cam kết.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đây là những hành động cụ thể thực hiện những định hướng lớn để phát triển đất nước. Ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng, bao gồm chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế carbon thấp.

Cùng với đó là sự sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này của khối doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết, khu vực ngân hàng đã và đang tiếp cận chuyển đổi xanh và cho vay xanh, phát triển các dự án xanh.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành bộ tiêu chí phân loại xanh và danh mục các dự án xanh. Khi bộ tiêu chí này được ban hành, các ngân hàng sẽ có cơ sở để triển khai cung cấp vốn cho các dự án xanh cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chương trình tín dụng xanh.

 Việt Nam cũng đặt mục tiêu sớm phát triển thị trường carbon để hỗ trợ giảm phát thải, hỗ trợ để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi toàn cầu đang là xu thế chung của thế giới.

CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO THỊ TRƯỜNG CARBON VIỆT NAM

Về mặt thể chế cho thị trường carbon, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Theo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 trước đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có bước tiến với cách tiếp cận từ phát triển nâu sang chuyển đổi xanh. Các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam, các hướng dẫn chi tiết thực thi Luật Bảo vệ môi trường, đã tiếp cận tiêu chuẩn của những nước tiên tiến như các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đề cập quy định về thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; kiểm kê khí nhà kính; danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê.

Đến nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục cập nhật.

Theo danh mục cập nhật, có 2.166 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, báo cáo kiểm kê, báo cáo mức độ giảm nhẹ và giảm phát thải theo hạn ngạch phân bổ. Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định phê duyệt tổng hạn ngạch và các bộ, ngành sẽ phân bổ cho các cơ sở, doanh nghiệp.

Với thị trường carbon, theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg, một số doanh nghiệp phát thải lớn sẽ được phân bổ hạn ngạch. Theo dự kiến, khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon được Chính phủ ban hành sẽ áp dụng lựa chọn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép, nhiệt điện bước đầu thực hiện.

 
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Thị trường carbon tại Việt Nam phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia để thực hiện NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) và cam kết phát thải ròng bằng 0 với chi phí thấp của doanh nghiệp và xã hội, để các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, tiếp cận chuyển đổi xanh. Việc phát triển thị trường carbon sẽ thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ phát thải thấp vào Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế carbon thấp. 

Hiện nay, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đang được sửa đổi đã chi tiết các quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon bao gồm lộ trình, đối tượng tham gia và các quy định về trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Đề án đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp để sớm thí điểm thị trường carbon trong nước trong năm 2025 và vận hành chính thức sau năm 2028.

Để tạo ra tín chỉ carbon và vận hành sàn giao dịch carbon hiệu quả, cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý như Nghị định về sàn giao dịch carbon sớm được ban hành; xây dựng các quy định về tiêu chuẩn tín chỉ carbon… Hiện, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Bộ Tài chính đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, nội dung này.

 
Thống kê trên thế giới hiện có khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng khoảng 110 công cụ định giá carbon. Tính riêng trong năm 2024, các công cụ định giá carbon này đã kiểm soát hơn 12,8 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 24% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Riêng thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải ETS có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng, kiểm soát 19% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tương ứng hơn 10 tỷ tấn CO2 tương đương. Những con số này cho thấy vai trò quan trọng của thị trường carbon và các công cụ định giá carbon đóng góp cho nền kinh tế của cả thế giới.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sàn giao dịch carbon trong nước, dự kiến trình Chính phủ thông qua trong tháng 6/2025. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Nghị định quy định về các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon quốc tế, gắn với việc thực hiện Điều 6.2, Điều 6.4 trong Thỏa thuận Paris.

Hiện nay, hành lang pháp lý trong nước đang hoàn thiện, quy định chi tiết liên quan đến các vấn đề tạo tín chỉ carbon, tiêu chuẩn carbon trong nước tiệm cận với các tiêu chuẩn carbon quốc tế. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tích cực xây dựng, thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon ở Việt Nam. Trong tương lai, hệ thống sẽ kết nối liên thông với sàn giao dịch carbon trong nước. Hệ thống cũng sẽ kết nối với các tổ chức tiêu chuẩn carbon thế giới, kết nối với hệ thống đăng ký quốc gia của quốc tế.

Đồng thời, sẽ phát triển nhãn carbon, giúp các doanh nghiệp có tín chỉ carbon, tham gia thị trường carbon, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU ứng phó với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cùng với đó hoàn thiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia, phát triển trong lĩnh vực này.

Thông tin về xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách cho việc tổ chức vận hành, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng, Phòng thị trường carbon, Cục Biến đổi Khí hậu, nêu rõ các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Bảo vệ môi trường đến các nghị định, liên quan, đặc biệt là Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, đã quy định chi tiết các hoạt động cần triển khai để có thể vận hành thị trường carbon. Điểm nổi bật là trong năm 2025 có thể ra mắt sàn giao dịch carbon, cho phép các doanh nghiệp có thể tham gia trao đổi các hàng hóa trên sàn.

Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định thị trường carbon là nơi trao đổi hai loại hàng hóa chính (hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon). Hạn ngạch phát thải khí nhà kính do Nhà nước phân bổ cho các cơ sở, doanh nghiệp trong các ngành có mức phát thải lớn.

HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VÀ HẠ TẦNG, VẬN HÀNH THÍ ĐIỂM THỊ TRƯỜNG

Để cụ thể hóa quy định của luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP trong đó có quy định về tổ chức phát triển thị trường carbon; đối tượng tham gia thị trường, lộ trình và một số hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên thị trường.

Theo Đề án 232 của Chính phủ, giai đoạn 2025-2028 là giai đoạn chuẩn bị và thí điểm. Trong giai đoạn đầu thí điểm sẽ tập trung vào một số mặt hàng như các tín chỉ carbon từ các cơ chế theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, các tiêu chuẩn mà Việt Nam có ký kết tham gia với các đối tác và tiêu chuẩn tín chỉ carbon nội địa.

Ông Minh cho biết hiện nay trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06 đã đưa ra một số quy định tạo căn cứ pháp lý triển khai tiêu chuẩn carbon nội địa.

Hoàn thiện thể chế để vận hành, phát triển thị trường carbon - Ảnh 1

Về chủ thể tham gia thị trường carbon cũng được quy định rõ hơn so với Nghị định hiện hành. Theo đó, chỉ các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải mới được trao đổi mua bán hạn ngạch với nhau.

Ngoài các cơ sở được phân bổ hạn ngạch có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp vào lượng phát thải vượt quá hạn ngạch của mình, các tổ chức doanh nghiệp trong nước được phép tham gia trao đổi tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải tự nguyện hoặc đầu tư kinh doanh.

Trong giai đoạn đầu sẽ tập trung phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở thuộc lĩnh vực nhiệt điện, sắt thép, xi măng thuộc danh mục cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ. Dự kiến sẽ có hơn 100 cơ sở doanh nghiệp sẽ được phân bổ hạn ngạch.

Để có căn cứ phân bổ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng hỗ trợ doanh nghiệp xác định lượng phát thải khí nhà kính, xem xét tính toán hạn ngạch phát thải. Dự thảo sửa đổi Nghị định 06 đã bổ sung công thức để xác định hạn ngạch, minh bạch hóa quy trình này, giúp các cơ sở doanh nghiệp nắm bắt được cách thức xác định và phân bổ hạn ngạch.

Trong giai đoạn đầu, các cơ sở được phân bổ cũng được phép sử dụng một lượng tín chỉ carbon nhất định để bù trừ phát thải khí nhà kính. “Theo quy định hiện hành tỷ lệ này là 10% nhưng đang được đề xuất nâng cao hơn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vào các dự án giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn cung cho thị trường”, ông Minh thông tin.

Dự thảo Nghị định cũng đưa vào toàn bộ quy trình xây dựng đề xuất để Nhà nước công nhận phương pháp luận tạo tín chỉ carbon, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp xây dựng các dự án; các quy trình đăng ký dự án; đề xuất để Nhà nước cấp tín chỉ carbon. Quy định này theo hướng các bộ quản lý chuyên ngành sẽ phê duyệt các dự án và cấp tín chỉ carbon trong lĩnh vực.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi đưa vào một số quy trình liên quan đến hợp tác theo điều 6.2 và điều 6.4 của Thỏa thuận Paris, quy định để các doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi các dự án theo Cơ chế phát triển sạch đã được đăng ký đủ điều kiện…; quy trình để doanh nghiệp có thể đăng ký dự án mới theo tiêu chuẩn; quy trình ban hành thư chấp thuận cho phép chuyển giao kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon từ Việt Nam ra quốc tế đối với các hợp tác song phương…

Theo các chuyên gia, nhu cầu về tín chỉ carbon dự kiến sẽ tăng đáng kể để đáp ứng các yêu cầu bù trừ trong cả thị trường carbon tuân thủ và các hành động khí hậu tự nguyện, nhằm xanh hóa hoạt động của doanh nghiệp và hỗ trợ các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức do các chính sách cho thị trường carbon vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, cũng như những hạn chế về kỹ thuật và tài chính. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và hạ tầng sẽ góp phần vận hành, phát triển thị trường carbon hiệu quả, mang lại những lợi ích cho phát triển đất nước, doanh nghiệp.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2025 phát hành ngày 14/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây 

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1354

minh