Giải pháp thực thi hiệu quả Luật Các tổ chức tín dụng 2024 - Ảnh 1
Giải pháp thực thi hiệu quả Luật Các tổ chức tín dụng 2024 - Ảnh 2

“Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định tỷ lệ sở hữu của một cổ đông giảm từ 15% xuống còn 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người liên quan giảm từ 20% xuống còn 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của cổ đông, cơ quan quản lý có thể đưa ra lộ trình 5 năm để giảm tỷ lệ sở hữu. Bởi sẽ rất khó để các cổ đông có thể thoái vốn ngay lập tức, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại.

Bên cạnh việc giảm tỷ lệ sở hữu, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng yêu cầu các cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên phải công bố thông tin. Quy định này tạo thuận lợi cho việc xác định nhóm đối tượng sở hữu chéo khi họ có hành động đồng loạt mua hoặc bán cổ phần.

Các quy định giảm giới hạn cho vay đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan buộc các ngân hàng phải giảm dần tỷ lệ theo quy định và tìm kiếm các đối tượng khách hàng khác nhằm giảm thiểu rủi ro tập trung (concentration risk).

Điều này cũng góp phần làm giảm rủi ro sở hữu chéo cũng như tăng tính an toàn cho hệ thống. Đây là quy định rất cần thiết. Nếu dùng thủ thuật lập ra nhiều công ty hơn để vay vốn, tương tự như trường hợp của SCB để lách quy định này thì chi phí sở hữu chéo sẽ cao hơn và quy trình phức tạp hơn.

Các quy định chỉ có thể định hướng và hạn chế việc sở hữu chéo, còn loại bỏ hoàn toàn thì rất khó vì tình hình và diễn biến của sở hữu chéo rất tinh vi và phức tạp.

Chúng ta cập nhật thêm các quy định chặt chẽ hơn là cần thiết, nhưng để hạn chế sở hữu chéo thì cần phải phối hợp đồng bộ các giải pháp khác. Trong đó, điều quan trọng nhất chính là phải nâng cao năng lực cũng như khả năng thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, cũng như nâng cao ý thức và trách nhiệm của những người thực thi pháp luật, tránh vụ việc thông đồng giữa các cán bộ thực thi và giám sát hoạt động ngân hàng thương mại của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại, dẫn đến không thể phát hiện sớm các sai phạm và gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống cũng như nền kinh tế.

Thêm vào đó, cần áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện tại như trí tuệ nhân tạo, blockchain để có thể liên thông dữ liệu của ngân hàng thương mại với Ngân hàng Nhà nước; qua đó, có thể tự động phát hiện hoặc hệ thống sẽ phát ra các cảnh báo về các giao dịch đáng ngờ, giúp cho việc phát hiện các sai phạm được diễn ra nhanh hơn và tự động hóa, loại bỏ yếu tố con người. Điều này giúp việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước được hiệu quả hơn và hạn chế các tình trạng thông đồng, hối lộ để che mắt các sai phạm như đã từng xảy ra”.

Giải pháp thực thi hiệu quả Luật Các tổ chức tín dụng 2024 - Ảnh 3

“Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đã hoàn thiện thêm quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, tiếp tục tạo hành lang pháp lý xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành.

Luật được ban hành sẽ giúp lành mạnh hóa hoạt động của tổ chức tín dụng thông qua các yêu cầu cao về quản trị, điều hành tiệm cận thông lệ quốc tế, các quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo chủ chương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng, hiện đại các hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Hệ thống các quy định, trong đó có Luật, tạo khung pháp lý cho hoạt động của tổ chức tín dụng, là cơ sở để các cơ quan nhà nước quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát khi triển khai. Do vậy, để các quy định tại Luật đi vào cuộc sống và đáp ứng được mục tiêu xây dựng Luật, việc triển khai và giám sát thực thi là vô cùng quan trọng.

Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, do vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, ngành liên quan cần khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật.

Quan trọng hơn, các văn bản hướng dẫn phải bảo đảm đúng Luật, rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cũng như các cơ quan ở các cấp thực thi đúng các quy định của Luật và văn bản hướng dẫn.

Việc tăng cường hiệu quả thực thi của Luật cần gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng cần tăng cường hơn nữa tính hiệu quả và hiện đại hóa trong các quy trình nội bộ, nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thanh tra. Có như vậy, việc cố ý “lách luật” sẽ được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh”.

Giải pháp thực thi hiệu quả Luật Các tổ chức tín dụng 2024 - Ảnh 4

“Kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng rất khác biệt so với các lĩnh vực khác. Về cơ bản, trong khi các lĩnh vực bán được hàng là xong, dù bán chịu sản phẩm, hàng hóa chưa thu được ngay bằng tiền thì rủi ro không cao vì có thể vẫn còn hàng hóa. Còn ngân hàng bán chịu nhưng lại bán chịu tiền, nếu không thu hồi được thì tiền cũng không còn. Rủi ro, nguy cơ nằm ở khâu đòi nợ, do đó, công tác thu hồi nợ đóng vai trò quyết định.

Thế nhưng, công tác thu hồi nợ và các quy định về vấn đề này cũng như thực tế triển khai luôn mâu thuẫn. Chẳng hạn, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn nhưng thực tế cho thấy tòa án không xử lý được. Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép tòa áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp hợp đồng tín dụng và xử lý tài sản đảm bảo nhưng vẫn không giải quyết được. Bộ luật Hình sự thậm chí còn quy định khi khách hàng vay ngân hàng có điều kiện trả mà không trả sẽ phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng hiện nay vấn đề này lại vướng mắc vì có thể bị quy là “hình sự hóa quan hệ kinh tế”.

Đòi nợ là hoạt động khó khăn, đòi nợ với đất đai, nhà cửa càng khó hơn, trong đó khó nhất là đòi nợ dự án, bởi thủ tục pháp lý và nhiều điều kiện ràng buộc. Một số điều của Nghị quyết số 42 được chuyển tiếp vào Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhưng quy định quan trọng nhất là ngân hàng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm lại không được chấp nhận trong Luật mới. Thực tế này, dẫn đến tình trạng điều kiện tín dụng sẽ thắt chặt hơn, lãi suất cho vay sẽ cao hơn và mọi thứ khó khăn hơn. Chưa kể, Luật mới cũng ghi nhận các ngân hàng có quyền từ chối các khoản vay khi nhận thấy không hợp lý, không có căn cứ và không đúng pháp luật.

Với hoạt động của ngân hàng, tôi cho rằng vấn đề về an toàn và quản trị rủi ro cần ưu tiên hơn tính hiệu quả, an toàn phải là số một, hiệu quả về lợi nhuận xếp sau. Do đó, cần phải tiếp tục có biện pháp tháo gỡ khi xử lý nợ xấu, điều này không đề cập tại luật thì phải xem xét quy định trong nghị định, thông tư, không loại trừ phải ban hành một luật riêng để giải quyết việc xử lý nợ xấu”.

Giải pháp thực thi hiệu quả Luật Các tổ chức tín dụng 2024 - Ảnh 5

“Trong hơn 6 năm triển khai và thực thi Nghị quyết 42, các tổ chức tín dụng  gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập khi xử lý nợ xấu và thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Nghị quyết 42 có một ý nghĩa rất to lớn đối với công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Vì vậy,  việc luật hóa một số quy định của Nghị quyết 42 tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được các tổ chức tín dụng rất kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh mà rủi ro của nền kinh tế đang gia tăng như hiện nay.

Về phía Agribank, chúng tôi xác định việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc nhiều  yếu tố.

Thứ nhất, các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan phải đồng bộ, thống nhất.

Thứ hai, việc xử lý nợ xấu thuận lợi hay không phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế. Thị trường có khả năng hấp thụ tốt các tài sản bảo đảm mà ngân hàng thanh lý, xử lý hay không?

Thứ ba, liên quan đến vấn đề hỗ trợ của các tổ chức tín dụng đối với các khách hàng vay, các bên bảo đảm.

Thứ tư, quan trọng nhất chính là ý thức trả nợ của bên vay cũng như bên bảo đảm. Nghị quyết 42 đã hỗ trợ tích cực trong vấn đề thay đổi nhận thức của toàn xã hội, của bên vay trong việc phối hợp với tổ chức tín dụng xử lý tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu, thời gian tới cần phát huy hơn nữa yếu tố này”.

Giải pháp thực thi hiệu quả Luật Các tổ chức tín dụng 2024 - Ảnh 6

“Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có sự điều chỉnh về phạm vi các đối tượng được xem là người có liên quan của một chủ thể. Việc mở rộng phạm vi đặt ra các quy định để kiểm soát các quan hệ liên quan đến huyết thống, yếu tố gia đình, sự liên kết về quyền sở hữu tại các doanh nghiệp… có thể được xem là một biện pháp thắt chặt quản lý.

Theo Điều 49, Khoản 2 của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin cá nhân và liên quan. Thông tin này bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp (đối với cổ đông nước ngoài), số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tư cách pháp lý tương đương (đối với cổ đông là tổ chức), ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này. Ngoài ra, cổ đông cần cung cấp thông tin về số lượng và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người liên quan tại tổ chức tín dụng. Quy định này được thiết lập nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông thiểu số.

Quy định việc công bố thông tin sẽ tạo ra một môi trường minh bạch, giúp ngăn chặn sự không rõ ràng trong quản lý cổ đông và sở hữu; từ đó giúp giảm thiểu khả năng nhờ người khác làm người đứng tên sở hữu.

Bên cạnh đó, quy định làm tăng cường quy trình xác minh thông tin, đặt ra một cơ chế để đảm bảo tính chính xác của thông tin được cung cấp. Trong trường hợp vi phạm, Cơ quan Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước có thể tiến hành điều tra, xác minh nguồn tiền được đóng góp. Điều này đặt ra một yêu cầu quan trọng trong việc ngăn chặn sở hữu chéo và lũng đoạn.

Tuy nhiên, trên thực tế có những quan hệ không có bóng dáng của các tiêu chí mà luật quy định và giới hạn. Ví dụ: một công ty sẽ có 2 hội đồng quản trị, một hội đồng quản trị trên giấy tờ và một hội đồng quản trị thực sự.

Thị trường tài chính vốn có nhiều mối quan hệ phức tạp và không dễ dàng nhìn thấy hết. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định.

Để đảm bảo hiệu quả thực hiện quy định pháp luật, hạn chế những hành vi vi phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn mạnh mẽ việc tăng cường công tác thanh tra và giám sát trong lĩnh vực ngân hàng. Điều này bao gồm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đặc biệt là việc tăng cường trao đổi và phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành. Mục tiêu là phát hiện kịp thời những hành vi cố ý vi phạm quy định về sở hữu chéo, thao túng ngân hàng và liên quan đến các quy định về người có liên quan. Đồng thời, cần xác định chặt chẽ quan hệ giữa cổ đông lớn của tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp “sân sau”. 

Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chỉ đạo quá trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống thông tin của cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp. Điều này nhằm mục đích làm cho thông tin liên quan đến cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động ngân hàng trở nên minh bạch hơn”.

Giải pháp thực thi hiệu quả Luật Các tổ chức tín dụng 2024 - Ảnh 7

VnEconomy 26/02/2024 07:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 09-2024 phát hành ngày 26-02-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giải pháp thực thi hiệu quả Luật Các tổ chức tín dụng 2024 - Ảnh 8