Đề xuất Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025, gia hạn nghị quyết xử lý nợ xấu
Thay vì Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024 như Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lùi tới 1/1/2025. Đồng thời, kiến nghị chuyển tiếp đối với Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu từ 1/1/2024….
Chiều 15/1, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).
Một trong những vấn đề lớn được các ngân hàng quan tâm hiện nay là vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII).
“Có ý kiến cho rằng việc luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 cần phải xử lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật có liên quan về lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính, thuế…”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ các quy định sau tại Chương XII: Thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính.
Đồng thời: (i) Bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 200 của dự thảo Luật về chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. (ii) Bổ sung tương ứng tại khoản 15 Điều 210 (Quy định chuyển tiếp) để chuyển tiếp đối với các hợp đồng bảo đảm có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Về quy định chuyển tiếp đối với Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Điều 210), tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 về kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023. Đến nay Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực thi hành.
Tại Điều 18 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định chuyển tiếp đối với 03 trường hợp (Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Nghị quyết); do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý bổ sung quy định tại khoản 6 điều 210 của dự thảo Luật như sau: “Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đã được thu giữ theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hoặc đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa xử lý xong thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 01/01/2024 cho đến khi xử lý xong”.
Theo đó, bổ sung đồng thời quy định tại khoản 2 Điều 209 như sau: “2. Khoản 6 Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2024” (do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua).
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024.
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng dự thảo Luật có nhiều nội dung giao hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể Chính phủ: 09 nội dung, Thủ tướng Chính phủ: 01 nội dung, Ngân hàng Nhà nước: 28 nội dung. Đồng thời, để các tổ chức tín dụng có thời gian chuẩn bị các nội dung về quản trị, điều hành, hoạt động phù hợp với quy định của Luật này sau khi được ban hành và đồng bộ với hiệu lực thi hành của một số luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản (tại Điều 200, 210), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chỉnh lý theo hướng hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 01/01/2025.