Giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự kinh tế chất lượng cao tại Thanh Hóa
Trường Đại học Hồng Đức vừa quyết định tuyển sinh đào tạo Tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh, đây là lần đầu tiên tại Thanh Hóa, một cơ sở giáo dục hội tụ đủ yếu tố để đào tạo Tiến sĩ nhóm nhành kinh tế...
Để hiểu rõ hơn về sự thay đổi này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức.
Thưa ông, xin ông cho biết việc đào tạo hiện Đại học Hồng Đức đang có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo như thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân sự chất lượng cao, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng của Thanh Hóa nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ cũng như cả nước?
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực Bắc trung bộ nói chung và đặng biệt là phát triển tỉnh Thanh Hoá theo tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-CP đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia đủ trình độ chuyên sâu, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo...
Trường Đại học Hồng Đức với sứ mệnh là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực đa lĩnh vực, chính vì vậy việc xem xét mở ngành đào tạo tiến sĩ quản trị kinh doanh là một trong những nhiệm vụ đã được định hướng trong chiến lược phát triển của trường.
Theo báo cáo của sở Kế hoạch và Đầu tư tính đến 31/12/2021 toàn tỉnh có 20.502 doanh nghiệp. Hàng loạt doanh nghiệp mới ra đời và mở rộng quy mô sản xuất đã tạo ra “cơn sốt” thiếu hụt nguồn lao động.
Trong tình hình hội nhập, có nhiều biến động và chuyển động mạnh mẽ, công tác quản lý, đánh giá, hoạch định chính sách kinh tế ở các bộ, ngành, các tổ chức, tập đoàn kinh tế hiện nay luôn đòi hỏi phải đánh giá một cách đúng đắn, chính xác; điều này đồng nghĩa với việc các bộ, ngành… rất cần những chuyên gia quản lý kinh tế có trình độ, nắm vững những kiến thức cơ bản, hiện đại về kinh tế nói chung, có năng lực phân tích, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề chuyên môn về kinh tế trên giác độ lý luận cũng như thực tiễn.
Nhằm làm rõ nhu cầu về sự cần thiết của việc mở đào tạo tiến sĩ Quản trị kinh doanh, Ban đề án của trường đã thực hiện khảo sát 500 người tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, học viên đang theo học và học viên vừa ra trường...
Kết quả khảo sát cho thấy, trong tổng số 451 người được hỏi về ý định hoặc kế hoạch tiếp tục học lên trình độ tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh trong giai đoạn từ 2022-2025, số lượng người ở độ tuổi từ 30 đến 45 tuổi chiếm đa số (296 người, chiếm tỷ lệ 65,7%), 269 người đã có trình độ thạc sĩ (chiếm tỷ lệ 59,7%), 135 người đang học thạc sĩ (chiếm tỷ lệ 30,2%), còn lại cử nhân.
Trong số 170 người có ý định hoặc có kế hoạch học tiếp tục học lên trình độ tiến sĩ quản trị kinh doanh, có 120 người (xấp xỉ 26,6%) chọn học tại trường đại học Hồng Đức.
Thưa ông, Đại học Hồng Đức đã chuẩn bị như thế nào về việc mở ngành đạo tạo Quản trị kinh doanh trình độ Tiến sĩ?
Trường Đại học Hồng Đức có đội ngũ giảng viên, nhà khoa học cơ hữu có đủ năng lực đảm nhận giảng dạy toàn bộ chương trình đào tạo tiến sĩ Quản trị kinh doanh.
Theo điều 5 - Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, trường ĐH Hồng Đức đáp ứng đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu chủ trì ngành, bao gồm 08 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu trong đó có 02 phó giáo sư và 08 tiến sĩ ngành phù hợp có kinh nghiệm quản lý đào tạo và giảng dạy chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện CTĐT tiến sĩ Quản trị kinh doanh.
Tính đến 05/06/2022, tổng số giảng viên cơ hữu của Nhà trường tham gia giảng dạy ngành tiến sĩ Quản trị kinh doanh bao gồm 4 phó giáo sư và 32 tiến sĩ đảm bảo đủ năng lực chuyên môn phù hợp.
Có thể khẳng định, ở thời điểm này, chưa bao giờ Trường Đại học Hồng Đức đang có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng tầm chất, lượng trong cao công tác giáo dục, đào tạo.
Ngày 5-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 935-KL/TU về xây dựng và phát triển Trường Đại học Hồng Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó khẳng định những thành tựu đạt được, vị thế của Trường Đại học Hồng Đức là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực của Thanh Hóa và khu vực.
Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng, thế mạnh của Nhà trường, sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa và yêu cầu của thực tiễn, Nhà trường cần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và các mặt hoạt động khác.