17:45 24/11/2023

Giải quyết vấn đề “người có liên quan” thế nào để ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng ngân hàng?

Kỳ Phong

Đại biểu Quốc hội kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thẩm tra, đán giá mức độ rủi ro về người có liên quan của khách hàng khi cấp tín dụng; tăng cường các quy định công bố thông tin về các cổ đông và người có liên quan tại các tổ chức tín dụng…

Có ngân hàng bị biến thành công cụ huy động vốn cho các doanh nghiệp "sân sau" của một nhóm lợi ích.
Có ngân hàng bị biến thành công cụ huy động vốn cho các doanh nghiệp "sân sau" của một nhóm lợi ích.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã có phiên thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Sau khi Trương Mỹ Lan bị cơ quan điều tra cáo buộc lũng đoạn ngân hàng SCB, vấn đề ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Để ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10% tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (hiện tại là 25%). Cho phép giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất nói trên của cơ quan soạn thảo song đề nghị bổ sung thêm các quy định cụ thể hơn để trị sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.

KIẾN NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM XÁC MINH THÔNG TIN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn Vĩnh Phúc, quy định tại Khoản 36, Điều 4 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về người có liên quan chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Chứng khoán 2019. Sự thiếu đồng bộ giữa các luật sẽ gây khó khăn cho các tô chức tín dụng trong quá trình hoạt động, đặc biệt là việc cung cấp thông tin theo quy định của Luật Chứng khoán 2019.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng quy định khái niệm người có liên quan trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hiện nay là rộng, do đó, đề nghị giữ nguyên định nghĩa người có liên quan của Luật các tổ chức tín dụng hiện hành. Trường hợp có thay đổi khái niệm và cần mở rộng khái niệm như Dự thảo thì cần quy định rõ khi nào phải chịu trách nhiệm và khi nào được miễn trách nhiệm của người có liên quan.

Đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu, cho biết Khoản 3, Điều 102 Dự thảo Luật có quy định khách hàng phải cung cấp thông tin về người có liên quan cho tổ chức tín dụng khi đề nghị cấp tín dụng. Đại biểu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung mẫu kê khai thông tin để các tổ chức tín dụng thực hiện.

Đồng thời, đại biểu Quân đề xuất bổ sung quy định tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm thẩm tra, đánh giá mức độ rủi ro tiềm ẩn về người có liên quan của khách hàng bằng các biện pháp nghiệp vụ; công nghệ thông tin; sử dụng cơ sở dữ liệu về khách hàng liên thông với các tổ chức tín dụng khác hoặc các cơ quan chức năng theo quy định nội bộ. Không nên chỉ quy định một chiều là khách hàng phải cung cấp thông tin về người có liên quan cho tổ chức tín dụng.

TĂNG CƯỜNG MINH BẠCH, NHẤT LÀ VỚI CÁC NGÂN HÀNG CHƯA NIÊM YẾT

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai, cho rằng sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng là một, là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Do đó, nếu chỉ dùng các công cụ như Dự thảo Luật đang thiết kế, chẳng hạn giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần; giảm hạn mức cấp tín dụng thì hiệu quả sẽ không cao.

“Tôi cho rằng các cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng chi phối trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác minh được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Do đó, luật cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng”, đại biểu Trịnh Xuân An nói và đề xuất 2 giải pháp.

Thứ nhất, tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại đều phải minh bạch thông tin. Quy định rõ, phù hợp với thực tế về nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông và người có liên quan dựa trên số lượng sở hữu cổ phần cụ thể. Đại biểu An đánh giá hiện nay Luật Chứng khoán 2019 có quy định về minh bạch thông tin nhưng vẫn bị lách rất nhiều.

Thứ hai, phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn vào các tổ chức tín dụng thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang, đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo, giải trình của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, công bố mỗi năm một lần.

“Chính những công bố của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp cho nhân dân và các doanh nghiệp trong nền kinh tế  biết được thông tin;  từ đó có thể có những thông tin để phản biện lại. Trong mọi trường hợp, nếu việc giám sát hoạt động kinh tế mà dựa vào nhân dân thì tôi cho rằng sẽ rất hiệu quả”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nói.

Một số ý kiến của các đại biểu kiến nghị thành lập cơ quan giám sát tài chính quốc gia độc lập.

 
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết các quy định được thiết kế trong Dự thảo Luật có ý nghĩa là căn cứ xử lý nếu xảy ra sai phạm. Còn để xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng thì mấu chốt nằm ở khâu tổ chức thực hiện.

“Để ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ thì lại đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành khác và các địa phương. Đặc biệt, phải có một hệ thông tin về doanh nghiệp, về cá nhân để xác thực được là họ là ai và họ có liên quan như thế nào tới tổ chức tín dụng.(…) Nếu có những người chỉ là nhân viên bình thường thôi nhưng lại là cổ đông lớn của tổ chức tín dụng/doanh nghiệp thì có thể  nghi vấn”, Thống đốc nói.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các tổ chức tín dụng.

“Họ phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành chứ không phải là những người thực hiện theo yêu cầu của các ông chủ ngân hàng”, bà Hồng nói và cho biết đây là giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường trong thời gian tới để  giảm tình trạng  thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.