19:22 18/11/2023

Bán nợ xấu cho công ty "ma" để lách định mức tăng trưởng tín dụng

Tùng Thư

Bán nợ xấu, bán nợ trả chậm, cấn trừ nợ để che giấu nợ xấu, giảm dư nợ tín dụng… là cách mà SCB sử dụng để lách các quy định pháp luật về phân loại nhóm nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu. Mục đích sau cùng là tiếp tục được huy động vốn, sau đó giải ngân cho các khoản vay của nhóm doanh nghiệp “sân sau”...

Tỷ lệ nợ xấu thực tế tại 30/6/2017  lên tới gần 21,5% nhưng ngân hàng SCB chỉ báo cáo là 0,62%.
Tỷ lệ nợ xấu thực tế tại 30/6/2017 lên tới gần 21,5% nhưng ngân hàng SCB chỉ báo cáo là 0,62%.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) về vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn VTP, đã thông qua hàng chục công ty bình phong cùng các cá nhân để gia tăng sở hữu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lên tới 91,56% cổ phần. Từ đó, biến SCB thành công cụ cấp vốn cho các công ty thuộc hệ sinh thái của VTP.

LẬP NHIỀU CÔNG TY “MA” ĐỂ MUA BÁN, CẤN TRỪ NỢ

Theo kết luận điều tra, thông qua các công ty nhóm Trương Mỹ Lan, Tập đoàn VTP lập hồ sơ vay vốn khống để rút tiền ra khỏi ngân hàng SCB nhằm chiếm đoạt, sử dụng cá nhân. Hành vi này làm cho các khoản nợ gốc và lãi ngày càng “phình” ra và không trả nợ đúng hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Để che giấu một phần nợ xấu nhằm không bị hạn chế "quota" tín dụng, từ đó tiếp tục cho vay, giải ngân theo hồ sơ “khống” của các công ty “ma”, chiếm đoạt tiền của ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan và ê kíp đã thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ trả chậm cho chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập, kết luận điều tra nêu.  

Kết quả điều tra xác định, trong giai đoạn từ 1/1/2012 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chỉ đạo các đối tượng tại ngân hàng SCB bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ các khoản cấp tín dụng trả chậm, cấn trừ 269 khoản vay/216 khách hàng, số tiền gốc giải ngân hơn 133.336 tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2022, tổng dư nợ vẫn còn 200.452,2 tỷ đồng (gồm 130.809,7 tỷ đồng nợ gốc, chiếm 27% tổng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan tại SCB và hơn 69.642,4 tỷ đồng nợ lãi).

Trong đó, bán nợ xấu cho VAMC 69 khoản vay/39 khách hàng, số tiền gốc giải ngân hơn 51.397 tỷ đồng, tổng số nợ đến ngày 17/10/2022 là 84.231 tỷ đồng gồm 51.284 tỷ đồng nợ gốc và 32.946 tỷ đồng nợ lãi.

Bán nợ trả chậm 148 khoản vay/132 khách hàng, số tiền gốc giải ngân 58.803 tỷ đồng, tổng số nợ đến ngày 17/10/2022 là 87.502 tỷ đồng (gồm 56.842 tỷ đồng nợ gốc và 30.660 tỷ đồng nợ lãi). Toàn bộ số nợ này được bán cho 44 công ty, cũng đều là những công ty “ma” nằm trong nhóm công ty do Trương Mỹ Lan chỉ đạo các nhân viên cấp dưới thành lập.

Cấn trừ nợ 52 khoản/45 khách hàng, số tiền gốc giải ngân 23.135 tỷ đồng, đến ngày 17/10/2022 tổng số nợ là hơn 28.718 tỷ đồng, gồm hơn 22.682 tỷ đồng nợ gốc và hơn 6.035 tỷ đồng nợ lãi.

Trương Mỹ Lan khai nhận, tiền SCB giải ngân các khoản vay cho những công ty thuộc nhóm Trương Mỹ Lan được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè người thân mà Trương Mỹ Lan vay cuả họ, trả chi phí cho các hoạt động của ngân hàng SCB (các khoản chi mà không thể hạch toán chi phí được); trả tiền mua lại các dự án, thường là các dự án đã mượn để thế chấp ngân hàng, sau đó bà Lan mua lại; trả tiền gốc lãi trái phiếu; chi phí tiền định giá tài sản, công chứng tài sản; chi trả tiền công cho những người đứng tên hộ các công ty, những người đứng tên hộ các khoản vay, những người đứng tên tài sản và chi vào nhiều mục đích khác…

TỶ LỆ NỢ XẤU RẤT XẤU NHƯNG BÁO CÁO KHÔNG TRUNG THỰC

Cơ quan điều tra xác định thực trạng tài chính ngân hàng SCB tại thời điểm 30/6/2017 rất xấu. Bản chất tại thời điểm này ngân hàng SCB đã âm vốn chủ sở hữu nhưng do Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đối tượng tại ngân hàng SCB bưng bít và dùng thủ đoạn che giấu, báo cáo không trung thực về thực trạng ngân hàng SCB.

Cụ thể, SCB không thực hiện phân loại nợ xấu đối với các khoản nợ đã được tái cơ cấu nhiều lần, không trích lập dự phòng rủi ro 25.025 tỷ đồng và bỏ qua 35.526 tỷ đồng không tính vào hệ số CAR. Nếu tính đúng, đủ thì vốn chủ sở hữu âm 22.289 tỷ đồng, lợi nhuận âm 35.038 tỷ đồng, số lỗ luỹ kế/vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm 238%, hệ số CAR âm 4,24%.

“Với thực trạng tài chính của ngân hàng SCB như kết quả thanh tra, điều tra như nêu trên nhưng Ban lãnh đạo ngân hàng SCB đã cố tình lập báo cáo tài chính và các báo cáo khác lên Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước với các số liệu không trung thực, che giấu tình trạng yếu kém không đúng với các tiêu chuẩn Ngân hàng Nhà nước quy định để đối phó với các cơ quan chức năng. Đặc biệt là để tiếp tục được huy động tiền gửi và hoạt động cho vay, từ đó thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật”, kết luận điều tra nêu.

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn VTP, ngày 8/10/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 61/QĐ-NHNN về việc kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng SCB.

Theo báo cáo rà soát, đánh giá thực trạng tài chính hợp nhất, xác định thực vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng SCB và các công ty con tại ngày 30/9/2022 do KPMG chi nhánh TP. Hồ Chí Minh công bố 31/5/2023, ngân hàng SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 464.547 tỷ đồng.