10:09 10/12/2009

Giảm 30% thủ tục hành chính: Tiết kiệm 130 nghìn tỷ đồng

Công Lý

Khoảng 130 nghìn tỷ đồng sẽ tiết kiệm được trong vòng 10 năm nếu giảm được 30% thủ tục hành chính so với hiện nay

Hàng trăm thủ tục hành chính đã được sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Hàng trăm thủ tục hành chính đã được sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Ngày 9/12 tại Hà Nội, tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức tập huấn cách thức tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Theo đó, khoảng 130 nghìn tỷ đồng sẽ tiết kiệm được trong vòng 10 năm nếu giảm được 30% thủ tục hành chính so với hiện nay.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến cuối tháng 11/2009 đã tổng kết rà soát 133  thủ tục hành chính và đã đề nghị bãi bỏ 25 thủ tục, sửa đổi 108 thủ tục.

Chuyên gia tư vấn Lê Duy Bình chỉ ra, gánh nặng chi phí tuân thủ  thủ tục hành chính tạo ra từ quy định pháp luật, và khu vực Nhà nước sẽ mất chi phí soạn thảo, thông qua, thực thi  thủ tục hành chính đó. Ông Nguyễn Hưng Quang, chuyên gia tư vấn đưa ra cách thức tính toán cụ thể để lượng hóa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thành tiền. Theo đó, có 3 khoản là chi phí hành chính, chi phí đầu tư bổ sung thêm và chi phí trực tiếp. áp dụng mô hình chi phí chuẩn (SCM) để cộng 3 khoản chi phí này sẽ cho ra chi phí tuân thủ  thủ tục hành chính.

Theo đại diện tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính, cách thức tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sẽ sử dụng SCM làm công cụ tính toán nhằm phân tích chi tiết đến từng hoạt động của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính. Việc này sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước lượng hóa được lợi ích do Đề án 30 đem lại.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Quang Hưng lấy ví dụ khi sử dụng SCM để lượng hóa chi phí tuân thủ  thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản mà các doanh nghiệp phải chi trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2009 là: chi phí cho thủ tục xin khảo sát khoáng sản một doanh nghiệp phải mất hơn 391,2 triệu đồng, từ năm 2006 đến năm 2009 cả nước chỉ có 1 doanh nghiệp thực hiện thủ tục này; chi phí cho thủ tục xin thăm dò khoáng sản hơn 391,7 triệu đồng/doanh  nghiệp, có 234 doanh nghiệp thực hiện với tổng chi phí là 91,6 tỷ đồng; chi phí cho thủ tục xin phê duyệt trữ lượng là 164,5 triệu đồng/doanh nghiệp và không có doanh nghiệp nào thực hiện; chi phí cho thủ tục xin khai thác khoáng sản là 2,0 tỷ đồng/doanh nghiệp, có 111 doanh nghiệp thực hiện với tổng chi phí 222,6 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Việt Anh, thành viên tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính cho biết, khi ứng dụng SCM vào thủ tục báo cáo thuế của doanh nghiệp mới cho thấy một khoản tiết kiệm không nhỏ nếu giảm được  thủ tục hành chính trong ngành thuế.

Trung bình thời gian hoàn thành báo cáo thuế là 8 giờ/tháng và với mức lương dự tính là 31.259 đồng/giờ thì một  doanh nghiệp phải bỏ ra 250.000 đồng/lần làm báo cáo thuế. Mỗi doanh nghiệp phải thực hiện 12 lần báo cáo thuế trong 1 năm và với con số 325.000 doanh nghiệp cả nước hiện nay mỗi năm phải bỏ ra 975 tỷ đồng chi phí tuân thủ  thủ tục hành chính.

Như vậy, với phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã đề xuất và kiến nghị giảm tần suất báo cáo thuế hàng tháng thành báo cáo hàng quý (4 lần nộp/năm) thì chi phí tuân thủ  thủ tục hành chính của doanh nghiệp cả nước chỉ còn 325 tỷ đồng/năm, tiết kiệm được 650 tỷ đồng chi phí mỗi năm cho các doanh nghiệp.