“Gió xoay chiều” trên thị trường gọi xe công nghệ
Thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam được ước đạt doanh thu ít nhất 1 tỷ USD trong năm 2025. “Miếng bánh” thị phần ngày càng lớn nhưng số lượng các bên tham gia lại đang thu hẹp, phản ánh một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, tuy vậy sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ cho những “tay chơi” còn trụ lại trên thị trường...

Bức tranh thị trường xe công nghệ Việt Nam mỗi năm đều có nhưng thay đổi đáng kể, nhưng năm 2024 được xem là một năm tái cấu trúc mạnh mẽ, nhất là sau sự ra đi của ứng dụng gọi xe công nghệ Gojek (Indonesia) vào tháng 9/2024, để lại khoảng 17% thị phần tại Việt Nam ở thời điểm đó (theo báo cáo “The connected customer” quý 3/2024).
Về triển vọng phát triển năm 2025, theo Mordor Intelligence, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam ước đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm nay và có thể mở rộng lên 2,5 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 19,5% trong giai đoạn 2025-2030. Trong khi đó, Statista đưa ra dự báo lạc quan hơn, với quy mô thị trường năm 2025 có thể đạt tới 1,88 tỷ USD. Những con số này cho thấy tiềm năng bùng nổ của ngành gọi xe công nghệ trong tương lai gần.
Tổng hợp từ nhiều báo cáo và đánh giá, nhìn chung Grab (hãng xe công nghệ lớn nhất Đông Nam Á) vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, nhưng “ông lớn” này cũng đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng loạt tay chơi chủ chốt của Việt Nam như: Be Group hay Xanh SM.
CÁC HÃNG XE CÔNG NGHỆ VIỆT MỞ RỘNG THỊ PHẦN
Theo báo cáo “Thói quen sử dụng dịch vụ gọi xe ô tô năm 2024” do Q&Me công bố vào cuối tháng 1/2025, Xanh SM hiện đang dẫn đầu về tổng chi tiêu hàng tháng của người dùng cho các dịch vụ gọi xe, tiếp theo là Grab và Be. Cụ thể, khách hàng sử dụng dịch vụ taxi của Xanh SM chi tiêu trung bình khoảng 541.000 đồng/tháng, trong khi con số này của Grab là 471.000 đồng và Be là 438.000 đồng - mức chênh lệch không quá lớn giữa hai đối thủ đứng sau.
Cũng trên kết quả này, 83% người dùng hài lòng với dịch vụ gọi xe của Xanh SM, theo sau là là Grab (80%) và Be (68%). Tiết lộ lý do Xanh SM được người Việt ưa chuộng, báo cáo ghi nhận hai yếu tố quan trọng giúp Xanh SM thu hút và giữ chân khách hàng là giá cả hợp lý với nhiều ưu đãi giảm giá cùng trải nghiệm di chuyển thoải mái.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, các hãng xe công nghệ Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác chiến lược nhằm củng cố vị thế. Trong đó, Xanh SM có lẽ là nhân tố chính trong mạng lưới hợp tác này. Minh chứng là năm 2023, Xanh SM đã bắt tay với chính đối thủ nội địa của mình là Be, một trong những nền tảng đang nắm thị phần không nhỏ, để cung cấp hàng loạt ô tô và xe máy điện cho hãng.
Đáng chú ý, cuối năm 2024 Xanh SM tiếp tục hợp tác với hãng xe có tuổi đời lâu nhất Việt Nam là Mai Linh Taxi. Theo báo cáo của Decision Lab, thị phần thâm nhập của Mai Linh Taxi là khoảng 19%, cao hơn cả Gojek vào quý cuối cùng hãng này còn hoạt động tại Việt Nam. Từ những đối thủ cạnh tranh, Xanh SM đang khéo léo biến các “tay chơi” cùng ngành thành đối tác, cùng phân chia lợi ích và làm chủ thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam.
Trong khi đó, Be Group cũng không chịu đứng yên. Năm 2024, công ty đã gọi vốn thành công 30 triệu USD, trở thành một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất trong năm. Với nguồn lực mới, Be Group đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ vận chuyển, giao hàng và tài chính số, sẵn sàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường.
Báo cáo của Mordor Intelligence nhận định rằng các hãng xe công nghệ Việt Nam đang tận dụng lợi thế am hiểu thị trường nội địa và môi trường pháp lý để duy trì khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, các công ty nước ngoài chủ yếu dựa vào năng lực công nghệ và nguồn lực tài chính để mở rộng dịch vụ cũng như gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, các hãng xe công nghệ nước ngoài cũng đang cho thấy tín hiệu “hụt hơi” trong cuộc đua giảm giá và ưu đãi.
Mới đây, đã có thông tin Grab Holdings (Singapore) và Tập đoàn GoTo (Indonesia) – công ty mẹ của nền tảng Gojeck - đang đẩy nhanh đàm phán sáp nhập, đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận trong năm nay. Nếu hai “tay chơi” này về chung một nhà trong năm nay, thị trường gọi xe Đông Nam Á sẽ chứng kiến sự ra đời của một “gã khổng lồ” đủ sức tái định hình cuộc chơi, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn khu vực.
Không chỉ vậy, thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ đón thêm một ông lớn đến từ châu Âu. Đầu tháng 1/2025, có tin đồn rằng Bolt, một ứng dụng gọi xe lớn từ châu Âu, cũng đang rục rịch gia nhập Việt Nam sau khi liên tục đăng tuyển dụng nhân sự và tài xế.
2025: MỘT NĂM KHÓ ĐOÁN
Được thành lập năm 2013 tại Estonia, một trong những trung tâm công nghệ lớn nhất châu Âu, Bolt đã phát triển thần tốc, trở thành một trong những công ty công nghệ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Hiện tại, nền tảng này đã có mặt tại hơn 50 quốc gia, trong đó có hai thị trường Đông Nam Á là Thái Lan và Malaysia.
Nếu chính thức gia nhập thị trường Việt Nam, Bolt có thể sẽ áp dụng chiến lược giảm giá mạnh để nhanh chóng giành thị phần, giống như cách các nền tảng khác đã làm khi mới xuất hiện. Tuy nhiên, dựa trên những gì đã diễn ra ở những thị trường Đông Nam Á mà Bolt đã thâm nhập, hãng xe “Tây” này có thể sẽ chơi lớn hơn so với các nền tảng quốc tế từng gia nhập Việt Nam trước đây.
Ghi nhận tại Thái Lan cho thấy hãng đã thực hiện chiến lược không thu hoa hồng từ tài xế thời gian đầu hoạt động, đồng thời đưa ra giá cước thấp hơn 20% so với đối thủ. Tại thị trường Malaysia, Bolt giảm giá đến 50% mọi chuyến đi. Đáng chú ý, bên cạnh các dịch vụ vận tải phổ biến như gọi xe, giao đồ ăn, hãng còn cung cấp dịch vụ thuê xe điện và dịch vụ di chuyển cho doanh nghiệp.
Có thể thấy trong thời gian tới, cuộc cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam sẽ ngày càng khốc liệt. Đây sẽ là cuộc đấu giữa các nền tảng quốc tế với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và những doanh nghiệp nội địa với lợi thế bản địa.
Tuy nhiên, bài học từ sự ra đi của nhiều hãng gọi xe trước đây cũng đã chứng minh một điều: chiến lược giảm giá chỉ là tạm thời; chất lượng dịch vụ, cùng khả năng giữ chân tài xế mới là yếu tố quyết định sự sống còn. Nếu vào Việt Nam, liệu Bolt có đủ sức trụ vững và thành công như Grab, hay sẽ nối gót Uber, rời khỏi thị trường Việt Nam trong lặng lẽ?
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 07-2024 phát hành ngày 17/02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1258
