19:00 17/06/2024

Giới đầu tư lo cánh hữu ở Pháp có thể gây ra khủng hoảng tài chính

An Huy

Cách đây ít ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tiến hành bầu cử sớm, sau khi đảng của ông thất bại trước đảng cực hữu trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu...

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Bloomberg.

Trên thị trường tài chính quốc tế, nhà đầu tư đang lo ngại rằng nước Pháp có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nếu đảng trung dung của nước này tiếp tục hứng thất bại trong cuộc bầu cử nghị viện sắp tới - một kết quả sẽ đưa các chính trị gia dân tuý cực hữu nắm quyền kiểm soát ở nền kinh tế lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU).

Cách đây ít ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tiến hành bầu cử sớm, sau khi đảng của ông thất bại trước đảng cực hữu trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Thất bại này của đảng Phục hưng (RE) trước đảng Mặt trận Quốc gia (RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen đã dẫn tới một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ Pháp, đồng thời khiến thị trường tài chính châu Âu chao đảo.

“CANH BẠC” BẦU CỬ SỚM CỦA ÔNG MACRON

Theo hãng tin CNN, từ sau khi ông Macron đưa quyết định dấn thân vào “canh bạc” bầu cử sớm đầy may rủi, dư luận đã rộ lên đồn đoán rằng đảng RN sẽ đánh bại đảng RE để trở thành lực lượng mạnh nhất trong Quốc hội Pháp. RN là một chính đảng dân tuý theo đường lối chủ nghĩa dân tộc, nên một kết quả như vậy sẽ khiến việc giảm khối nợ công khổng lồ của Pháp trở nên khó khăn hơn, thậm chí có thể khiến khối nợ này càng lớn hơn. Ngoài ra, một Quốc hội với mức độ chia rẽ cao cũng sẽ khiến việc cắt giảm thâm hụt ngân sách càng khó hơn.

Ở thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Pháp là 110,6%. Thâm hụt ngân sách của Chính phủ nước này năm 2023 là 5,5% GDP.

“Nếu bà Le Pen nắm quyền kiểm soát trong Quốc hội Pháp và theo đuổi kế hoạch tài khoá tốn kém của bà ấy và chương trình nghị sự chủ nghĩa bảo hộ ‘nước Pháp trên hết’, hậu quả có thể sẽ là một cuộc khủng hoảng tài chính kiểu như cựu Thủ tướng Anh Liz Truss đã gây ra”, một báo cáo của công ty Berenberg nhận định, nhưng nhấn mạnh rằng đây mới là “một khả năng, chưa phải là một dự báo”.

Hồi tháng 9/2022, đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ Anh bị bán tháo sau khi Thủ tướng nước này khi đó là bà Truss công bố kế hoạch vay nợ để bù đắp cho một chương trình cắt giảm thuế. Lãi suất cho vay thế chấp nhà tăng vọt khi nhà đầu tư trái phiếu yêu cầu mức lợi suất cao hơn để họ nắm giữ trái phiếu chính phủ Anh. Bà Truss sau đó đã từ chức, trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Anh.

Nguy cơ xảy ra điều tương tự với Pháp là có thật - theo Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Bruno Le Maire. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Franceinfo vào hôm thứ Sáu vừa rồi, khi được hỏi liệu biến động chính trị ở Pháp sau khi ông Macron quyết định tổ chức bầu cử sớm có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính hay không, ông Le Maire đáp “có”.

Vị Bộ trưởng lưu ý rằng Pháp đang phải trả lãi suất cao hơn so với Bồ Đào Nha - một trong những quốc gia được giải cứu trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu cách đây hơn 1 thập kỷ - để vay tiền từ các nhà đầu tư trái phiếu. “Điều này liên quan tới kế hoạch mà các chính đảng hiện đang có để giải quyết số nợ của Chính phủ Pháp”, ông Le Maire nói.

Các tổ chức đánh giá tín nhiệm đang theo dõi sát sao tình hình ở Pháp, một trong 3 quốc gia nặng nợ nhất ở EU. Hồi tháng 5, Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm dài hạn của Pháp còn AA-, trên cơ sở “vị thế ngân sách xấu đi”, nhưng vẫn cho rằng Pháp có đủ khả năng để trả nợ. S&P. dự báo thâm hụt ngân sách của Chính phủ Pháp giảm còn 3,5% vào năm 2027, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2,9% mà chính phủ hiện tại đề ra.

Tâm lý bất an của nhà đầu tư trên thị trường tài chính về tình hình chính trị ở Pháp đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm lên mức 3,17% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, so với mức 3,15% của trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha kỳ hạn tương đương.

ĐIỂM TÍN NHIỆM CỦA PHÁP LUNG LAY

Trong một dấu hiệu khác cho thấy mối bất an của nhà đầu tư, phần bù rủi ro mà nhà đầu tư yêu cầu để nắm trái phiếu chính phủ Pháp thay vì trái phiếu chính phủ Đức - loại tài sản được coi là siêu an toàn và có định hạng tín nhiệm AAA - đã tăng lên mức cao nhất vào năm 2017.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Pháp nói riêng và châu Âu, cùng tỷ giá đồng euro, đều sụt giảm trong tuần vừa rồi.

Một cuộc thăm dò dư luận do kênh BFMTV và báo La Tribune Dimanche công bố vào hôm thứ Tư vừa rồi cho thấy đảng trung dung của ông Macron nhiều khả năng chỉ về thứ ba trong vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 30/6 của cuộc bầu cử sớm, tụt lại phía sau đảng RN và một liên minh của các đảng cánh tả. Vòng thứ hai của cuộc bầu cử sớm này sẽ diễn ra vào đầu tháng 7.

Về phần mình, đảng RN đã cam kết tăng cường chi tiêu công và mạnh tay cắt giảm thuế VAT đối với điện và xăng dầu. Hôm thứ Sáu, ông Le Maire nói rằng phản ứng của thị trường đối với những biện pháp như vậy sẽ là: “Xin lỗi, nhưng các ông không có nguồn lực để chi trả cho những thứ như vậy!”

Tương tự, chuyên gia Frank Gill của S&P Global Ratings nhận định rằng các chính sách của đảng RN “có thể tiếp tục kéo tụt nền tài chính công của Pháp” và “sẽ là một yếu tố cần tính đến trong định hạng tín nhiệm”.

Trong một báo cáo vào đầu tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s nhận định việc bầu cử sớm là gia tăng rủi ro đối với các nỗ lực thắt chặt tài khoá của Pháp, và là một sự kiện tiêu cực đối với định hạng tín nhiệm của nước này.

Một báo cáo của Berenberg nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) “sẽ có đủ công cụ để ngăn chặn bất kỳ một cuộc khủng hoảng thực sự nào” trên thị trường trái phiếu chính phủ Pháp. Tuy nhiên, “tương tự như chuỗi sự kiện trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, ECB có thể sẽ chỉ triển khai các công cụ của cơ quan này, hoặc tuyên bố có thể làm như vậy, nếu và khi quốc gia có vấn đề đã quay trở lại với các chính sách tài khoá lành mạnh hơn” - báo cáo nhận định.