11:32 13/06/2024

Ô tô điện Trung Quốc bị châu Âu đánh thuế quan lên tới gần 50%

An Huy

Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp thuế quan lên tới gần 50% đối với ô tô điện có xuất xứ từ Trung Quốc, bất chấp sự cảnh báo của Chính phủ Đức rằng động thái này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại tốn kém với Bắc Kinh...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Theo tin từ tờ báo Financial Times, Uỷ ban châu Âu (EC) ngày 12/6 thông báo với các nhà sản xuất ô tô rằng cơ quan này sẽ tạm thời áp thêm thuế quan dao động từ 17-38% lên ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 7. Thuế quan mới này bổ sung cho thuế quan 10% mà châu Âu hiện áp dụng đối với ô tô điện Trung Quốc, và thuế suất cụ thể trong từng trường hợp sẽ tuỳ thuộc vào mức độ tuân thủ của nhà sản xuất đối với cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện mà EU công bố vào tháng 9 năm ngoái.

Như vậy, tổng thuế suất mà EU áp dụng đối với ô tô điện Trung Quốc sẽ lên tới 48%.

THỜI GIAN 3 TUẦN ĐỂ ĐÀM PHÁN

Kế hoạch áp thuế quan mới cho thấy các hãng ô tô điện lớn của Trung Quốc gồm BYD và Geely sẽ bị áp thuế suất dao động từ 17-20%. BYD hiện là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới.

Các thương hiệu ô tô châu Âu như Mercedes và Renault xuất khẩu ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc sang thị trường châu Âu sẽ bị áp thuế bổ sung 21%. Hãng Tesla của Mỹ “có thể sẽ có một thuế suất được tính riêng” - tuyên bố của EC cho hay.

Những nhà sản xuất bị cho là không hợp tác với cuộc điều tra của EU, gồm hãng xe SAIC do chính quyền thành phố Thượng Hải nắm quyền kiểm soát, sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 38% ngoài mức thuế hiện hành 10%. SAIC hiện đang chiếm một thị phần lớn ở phân khúc thấp của thị trường ô tô điện châu Âu với các sản phẩm mang thương hiệu MG.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động trong bối cảnh một làn sóng nhập khẩu ô tô điện có sự trợ cấp mạnh từ Trung Quốc vào châu Âu. Làn sóng ô tô điện nhập khẩu này đặt ngành công nghiệp ô tô điện của châu Âu trước rủi ro tổn thương”, ông Valdis Dombrovskis - cao uỷ viên phụ trách vấn đề thương mại của EU - nói với Financial Times.

Ông Dombrovskis cho biết trong 3 tuần từ nay cho tới khi kế hoạch áp thuế mới chính thức có hiệu lực vào ngày 4/7, ông sẽ đàm phán với Bắc Kinh. “Chúng tôi để mở cánh cửa đàm phán nhằm tìm ra các biện pháp khác để giải quyết tình trạng này”, ông nói.

Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết “rất quan ngại và không hài lòng” với hành động “được tư vấn tồi và thiếu tôn trọng luật pháp” của EU. Bắc Kinh cũng cảnh báo sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Trung Quốc.

“EC đã chính trị hoá và vũ khí hoá các vấn đề kinh tế và thương mại. EU đã thêu dệt và cường điệu hoá cái gọi là trợ cấp. Đây là một hành động chủ nghĩa bảo hộ trần trụi”, tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc có đoạn viết.

Được khởi xướng bởi Pháp, kế hoạch áp thuế quan lên ô tô điện Trung Quốc sẽ mang về hàng tỷ euro mỗi năm cho ngân sách EU, bởi doanh số bán ô tô điện Trung Quốc ở châu Âu đang tăng mạnh. Năm ngoái, Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của EU - xuất khẩu 10 tỷ euro ô tô điện sang thị trường khu vực này, theo dữ liệu từ công ty Rhodium Group.

MỐI LO BỊ TRẢ ĐŨA

Trước khi EC đi đến quyết định áp thuế quan mới lên ô tô điện Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm cách thuyết phục nhiều nước thành viên EU phản đối kế hoạch này. Trung Quốc hiện đã áp thuế quan 15% lên ô tô điện nhập khẩu từ châu Âu.

Đức, Thuỵ Điển và Hungary đã phản đối kế hoạch áp thuế của EC vì lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa. Giới chức EU cho biết Berlin đã gây sức ép đối với bà Ursula von der Leyen - người đang phấn đấu có nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Chủ tịch EC - để từ bỏ cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện Trung Quốc.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 12/6 hoan nghênh việc EC đề xuất đàm phán với Bắc Kinh. “Vẫn còn thời gian cho tới ngày 4/7 và chúng tôi cho rằng cách tốt hơn là đi đến một giải pháp có sự đồng thuận đôi bên”, người phát ngôn nói.

Theo ước tính của viện nghiên cứu kinh tế Kiel Institute, việc áp thêm thuế quan 20% lên ô tô điện Trung Quốc sẽ giảm 1/4 lượng nhập khẩu. “Sự suy giảm này chủ yếu sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng sản lượng ô tô điện ở EU, đồng nghĩa giá xe sẽ cao lên đáng kể đối với người tiêu dùng cuối cùng”, một báo cáo của Kiel nhận định.

Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 4 năm nay, EU nhập khẩu 440.000 ô tô điện Trung Quốc, trị giá khoảng 9 tỷ euro, tương đương 9,7 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu này tương đương khoảng 4% số tiền mà người châu Âu chi mua ô tô trong cùng khoảng thời gian - theo hãng tin Reuters.  

Ông Dombrovskis cho biết thị phần của ô tô điện Trung Quốc trong nhập khẩu ô tô điện vào EU đã tăng từ 4% vào năm 2020 lên 25% vào tháng 9/2023. Giới chức EC nói rằng họ đã thu thập được bằng chứng cho thấy các hãng xe Trung Quốc và nhà cung ứng của họ nhận được các khoản vay trợ cấp, ưu đã thuế, và ưu đãi thuê đất giá rẻ.

Nhiều hãng xe châu Âu đang lo ngại Trung Quốc có thể trả đũa tương ứng với kế hoạch của EC, hoặc thậm chí “cấm cửa” họ tại thị trường Trung Quốc. Năm 2023, Đức xuất khẩu 216.299 ô tô sang Trung Quốc, giảm 15% so với năm 2022.