08:27 16/08/2022

Gỡ những nút thắt trong quản lý, sử dụng tài sản công

Trâm Anh

Nhiều vướng mắc trong việc xác định tiền thuê đất trong việc dùng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Cùng với đó là tình trạng lúng túng khi các đối tác đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn hay điều chỉnh giá cho thuê, gia hạn hợp đồng...

Các quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết gặp nhiều vướng mắc trong thực tế.
Các quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết gặp nhiều vướng mắc trong thực tế.

Tại tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Nghị định số 151), Bộ Tài chính khẳng định Nghị định số 151 được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản công tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, qua thực hiện rà soát các quy định tại Nghị định số 151 và tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương, cho thấy còn phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định.

LOẠT BẤT CẬP LỘ RÕ

Bộ Tài chính chỉ rõ thứ nhất, một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có quy định hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện như: trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; thẩm quyền quyết định bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đơn vị có chức năng quản lý vận hành tài sản công; khai thác tài sản công sau thu hồi...

Thứ hai, Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giao Chính phủ "nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai".

Tuy nhiên, "quy định hiện hành về bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thì chỉ có hình thức giao đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê", Bộ Tài chính cho hay.

Thứ ba, một số trường hợp áp dụng theo trình tự, thủ tục xử lý tài sản công như quy định hiện hành chưa phù hợp như: xử lý tài sản công trong trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể do quy trình xử lý tài sản công hiện hành được xuất phát từ cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản đề xuất, lập hồ sơ đề nghị xử lý.

Tuy nhiên, trong các trường hợp này, có thể cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản công không còn tồn tại do bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể nên không thể áp dụng trình tự, thủ tục xử lý tài sản công thông thường.

Thứ tư, một số loại tài sản công đặc thù cần phải được xử lý theo quy định riêng tại pháp luật chuyên ngành nhưng chưa có quy định loại trừ hoặc dẫn chiếu làm cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị lúng túng trong áp dụng pháp luật như: vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các sản phẩm cơ yếu...

Thứ năm, các quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế.

Cụ thể, tại điểm 4 Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 11/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền việc xem xét sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong thực tế thực hiện còn một số vướng mắc.

Theo đó, việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo các tiêu chí như quy định hiện hành gặp nhiều vướng mắc do không có cơ sở để đánh giá chấm điểm đối với từng tiêu chí.

 

"Một số trường hợp trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết vì lý do bất khả kháng, đối tác liên doanh, liên kết không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn. Tuy nhiên, quy định hiện hành không có quy định cụ thể cho trường hợp này dẫn đến lúng túng trong xử lý. Bên cạnh đó, chưa có quy định về việc điều chỉnh giá cho thuê tài sản công, gia hạn hợp đồng cho thuê tài sản công", Bộ Tài chính chỉ rõ bất cập.

Việc xác định tiền thuê đất khi sử dụng tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn gặp khó khăn.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của địa phương còn có cách hiểu khác nhau trong việc xác định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất khi sử dụng tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì có phải ký hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường làm cơ sở xác định tiền thuê đất hay không?

Vì vậy, để hoàn thiện các quy định chi tiết về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151 là cần thiết.

ĐIỀU CHỈNH GIÁ THUÊ, GIA HẠN HỢP ĐỒNG CHO THUÊ TÀI SẢN THẾ NÀO?

Để khắc phục bất cập trong việc việc điều chỉnh giá cho thuê, tại Nghị định số 151 quy định giá cho thuê tài sản là giá trúng đấu giá (trong trường hợp cho thuê theo hình thức đấu giá) hoặc giá cho thuê được niêm yết (trong trường hợp cho thuê theo hình thức niêm yết). Như vậy, giá cho thuê tài sản công là cố định cho cả thời gian cho thuê.

Tuy nhiên, khi thực hiện cho thuê cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc tài sản gắn liền với đất thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp phải nộp tiền thuê đất mà tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước có thể có sự thay đổi khi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất mới.

Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép điều chỉnh giá cho thuê trong trường hợp này để bảo đảm nguồn kinh phí cho đơn vị chi trả tiền thuê đất.

Cụ thể, "trường hợp cho thuê cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc từng hạng mục thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp mà giá đất để tính thu tiền sử dụng đất tại vị trí đó theo Bảng giá đất nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất tương ứng có sự thay đổi thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thỏa thuận với người thuê tài sản để điều chỉnh giá cho thuê tương ứng với tỷ lệ thay đổi giá đất", Bộ Tài chính đề xuất.

Còn về việc gia hạn hợp đồng cho thuê tài sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định về việc gia hạn hợp đồng cho thuê tài sản như sau:"Trường hợp cho thuê tài sản lần đầu với thời hạn dưới 10 năm, khi hết thời hạn cho thuê theo hợp đồng mà người thuê tài sản có nhu cầu tiếp tục thuê tài sản thì đơn vị sự nghiệp công lập thỏa thuận với người thuê tài sản để gia hạn hợp đồng thuê; thời gian gia hạn không vượt quá thời gian cho thuê lần đầu và thời hạn theo Đề án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt".

Còn giá cho thuê do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt phù hợp với giá cho thuê phổ biến tại thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ tại thời điểm gia hạn hợp đồng nhưng không thấp hơn giá cho thuê của lần trước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định xử lý trong trường hợp chấm dứt Hợp đồng liên doanh, liên kết trước thời hạn như sau: "Việc chấm dứt hợp đồng liên doanh, liên kết trước thời hạn và xử lý các vấn đề liên quan thực hiện theo hợp đồng và pháp luật về dân sự. Việc xử lý tài sản tham gia liên doanh, liên kết và tài sản được hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này"...