Gỡ nút thắt về cơ chế tài chính, hỗ trợ báo chí phát triển - Ảnh 1
Gỡ nút thắt về cơ chế tài chính, hỗ trợ báo chí phát triển - Ảnh 2

“Báo chí là một trong những kênh truyền thông rất quan trọng để truyền tải ý kiến của đại biểu Quốc hội đến với đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Đây sẽ là một kênh giúp cử tri theo dõi, đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội đã thực hiện được đúng các tâm tư, nguyện vọng, ý chí của cử tri hay không. Đồng thời, qua các kênh của báo chí giúp đại biểu tiếp nhận được phản hồi của cử tri và nhân dân.

Khi các nội dung được trao đổi, thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, được truyền tải đến người dân và cử tri, Quốc hội sẽ yên tâm hơn trong đưa ra các quyết định của mình khi đã nắm bắt được ý chí, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Tôi luôn mong muốn các kênh truyền thông báo chí sẽ tích cực chọn lọc được các ý kiến tốt nhất, chuẩn xác nhất của đại biểu để truyền tải đến đông đảo cử tri.

Quy hoạch báo chí có đưa ra các yêu cầu về việc phát triển các cơ quan báo chí phải luôn gắn liền với cơ quan chủ quản, trong đó, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm trong việc cung cấp các điều kiện để cho đơn vị báo chí hoạt động.

Tôi cho rằng đây là điều luôn phải quán triệt và thấm nhuần để không phải khoán cho báo chí tự lo, bởi báo chí là một kênh để thực hiện các nhiệm vụ, sứ mệnh chính trị của đơn vị, cơ quan chủ quản.

Bên cạnh đó, cơ quan báo chí phải phát huy được vai trò trong tạo ra các nguồn lực cho mình. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đặc biệt là thông tin mạng xã hội, sự cạnh tranh của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, xu thế của xã hội đang rất cần và tin tưởng những kênh thông tin mang tính chính thống. Trên mạng có thể có nhiều kênh khác nhau nhưng những thông tin chính thống, ý kiến đủ sâu sắc, đủ độ tin cậy, đủ định hướng cho người đọc thì người dân rất cần đến chính các cơ quan báo chí.

Nếu các cơ quan báo chí chính thống làm tốt được sứ mệnh này, được độc giả thật sự tin tưởng, tin cậy và tìm đến sẽ tạo ra lợi thế cho báo chí để biến niềm tin của độc giả trở thành nguồn lực phát triển của mình”.

Gỡ nút thắt về cơ chế tài chính, hỗ trợ báo chí phát triển - Ảnh 3

“Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt, quan tâm tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin truyền thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng đơn giá để thực hiện đặt hàng đấu thầu trong lĩnh vực báo chí vẫn còn nhiều vướng mắc.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng xuyên quốc gia đã đặt ra nhiều thách thức, khiến cho doanh thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm.

Trong khi đó, kinh phí sản xuất ngày càng tăng trên tất cả các khâu, từ thù lao chi trả cho nhân lực, tổ chức sản xuất đến chi phí bản quyền, nhưng định mức tối đa chưa bắt kịp với tình hình thực tế khiến hoạt động của các cơ quan báo chí đã khó nay còn khó khăn hơn.

Xuất phát từ thực tế trên, tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện để sớm ban hành các thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đảm bảo tính đúng, tính đủ. Đồng thời, sửa đổi quy định về cơ chế đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, có lộ trình sửa đổi các quy định về thuế, phí, lệ phí, chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại báo chí và xu thế phát triển kinh tế báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Có thể nói đây đang là một yêu cầu cấp thiết đặt ra, các cơ quan báo chí đang mong chờ việc hoàn thiện cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho báo chí Việt Nam ngày càng phát triển, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và là phương tiện thông tin thiết yếu với đời sống xã hội”.

Gỡ nút thắt về cơ chế tài chính, hỗ trợ báo chí phát triển - Ảnh 4

“Khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc trực tiếp với các cơ quan báo chí lớn, chủ chốt cũng đặt ra vấn đề Nhà nước cần đặt hàng thường xuyên, định kỳ về công tác thông tin, tuyên truyền.

Theo đó, chỉ khi có sự kiện đặc biệt, xảy ra đột xuất, không theo kế hoạch mới đặt hàng trực tiếp, còn bình thường nên đặt hàng thường xuyên, định kỳ để các cơ quan báo chí có kế hoạch, bố trí hoạt động cho phù hợp. Đây là yêu cầu chung của các cơ quan báo chí. Khi Nhà nước đặt hàng sẽ đảm bảo hoạt động theo kế hoạch, có sự chi trả phù hợp theo quy định, giúp cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn.

Các cơ quan nhà nước khi đặt hàng cũng đặt ra yêu cầu với cơ quan báo chí phải có lượng công chúng nhất định, có độ bao phủ để giúp cơ quan nhà nước đạt được mục tiêu truyền thông về các hoạt động của mình.

Do đó, nếu bản thân cơ quan báo chí không nỗ lực, tự đổi mới, tự nâng cao năng lực của mình sẽ không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan nhà nước khi đặt hàng.

Cơ quan nhà nước được lựa chọn đối tượng mà họ hướng đến phục vụ cho công tác truyền thông chính sách, nên cơ quan báo chí phải nỗ lực để nâng cao khả năng, năng lực của mình, đáp ứng yêu cầu khi được đặt hàng.

Ví dụ như cơ quan chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động hội thảo về văn hóa, giáo dục thường niên cũng đặt vấn đề mời các cơ quan truyền thông hỗ trợ việc đưa tin, bài về các sự kiện. Chúng tôi đặt ra yêu cầu với cơ quan báo chí phải có một lượng độc giả nhất định, nhất là độc giả quan tâm đến lĩnh vực mà chúng tôi phụ trách, muốn tuyên truyền.

Cơ quan báo chí cũng cần đẩy mạnh sự hợp tác, phối hợp, đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước. Mặt khác, trong bối cảnh phải cạnh tranh khó khăn với các nền tảng mạng xã hội, việc ban hành về định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động báo chí là rất cần thiết, phù hợp thực tiễn, để cơ quan báo chí vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện công tác thông tin đời sống xã hội”.

Gỡ nút thắt về cơ chế tài chính, hỗ trợ báo chí phát triển - Ảnh 5

“Hiện nay tình hình hoạt động của doanh nghiệp rất khó khăn. Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, khá nhiều doanh nghiệp giải thể, không hoạt động, rút lui khỏi thị trường sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.

Nếu doanh nghiệp giải thể, không hoạt động thu không đủ chi hoặc hòa vốn, thì họ không chi cho công tác quảng cáo, truyền thông. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí phải tự hạch toán, tự tìm đối tác để có thu nhập, do đó, đây là vấn đề lớn đang ảnh hưởng tới các cơ quan báo chí.

Áp dụng khoa học và công nghệ đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hoạt động tuyên truyền của báo chí. Báo giấy đang gặp khó khăn vì các thông tin, tin tức đều đưa lên mạng. Phần lớn người dân đều sử dụng điện thoại thông minh, chỉ cần mở điện thoại thông minh sẽ có những nội dung, tin tức nhanh nhất. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông báo chí, nhất là báo giấy thường chậm hơn một bước. Đây là vấn đề thách thức trong hoạt động sự nghiệp của báo chí, đặc biệt là công tác truyền thông.

Tôi cho rằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới là điều cần thiết và tất yếu trong phát triển. Do đó, các cơ quan báo chí cần đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ.

Ngoài ra, báo chí cũng phải sâu sắc, nâng cao chất lượng để thu hút công chúng, có nhiều người biết đến. Khi doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh sẽ tìm đến để truyền thông, quảng cáo. Nếu báo chí không đổi mới, nâng cao chất lượng, tuyên truyền chưa đủ sức thuyết phục thì hoạt động sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Gỡ nút thắt về cơ chế tài chính, hỗ trợ báo chí phát triển - Ảnh 6

VnEconomy 20/06/2024 07:20

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Gỡ nút thắt về cơ chế tài chính, hỗ trợ báo chí phát triển - Ảnh 7