Góc nhìn chuyên gia: Việt Nam cần chuẩn bị gì trước những thay đổi về thương mại toàn cầu?
PGS. Đỗ Quốc Anh từ Đại học Monash, Australia cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi về thương mại...
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư quốc tế. “Đường đua” vào Nhà Trắng bất ngờ rẽ hướng với sự xuất hiện của ứng cử viên là đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris. Bước ngoặt này đang khiến cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên kịch tính và bất ngờ hơn.
Chia sẻ với VnEconomy bên lề Hội nghị châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á (AMES 2024) diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua, PGS. Đỗ Quốc Anh, Đại học Monash, Australia cho biết chưa rõ ứng cử viên nào sẽ giành chiến thắng cuối cùng song kết quả bầu cử của nền kinh tế "số một thế giới" luôn có những ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế toàn cầu.
Từ góc độ nghiên cứu về kinh tế, vị chuyên gia đến từ Đại học Monash cho rằng nếu ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng thì các chính sách liên quan tới thương mại và tài chính – ngân hàng của Mỹ được dự báo sẽ có nhiều xáo trộn. Với vị thế là nền kinh tế hàng đầu thế giới, sự thay đổi này sẽ có nhiều tác động và “ngấm” vào hàng loạt các vấn đề của nền kinh tế toàn cầu từ thương mại, đầu tư tới tài chính…
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Việt Nam cần sẵn sàng cho những thay đổi có thể diễn ra.
Việt Nam đang có nhiều lợi thế thúc đẩy thương mại quốc tế, trong đó, có những mảng ổn định và cải thiện với tầm nhìn rất lâu dài như phát triển về hạ tầng kết nối, các chương trình tăng cường mức độ trách nhiệm giải trình ở các cấp cũng như chương trình tăng cường đối thoại giữa người dân và các cấp chính quyền...
Đối với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở lớn khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt quy mô của nền kinh tế, thì những biến động từ nền kinh tế thế giới chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước. Do vậy, không chỉ sắp tới mà trong suốt thời gian qua, khi nền kinh tế thế giới xuất hiện nhiều diễn biến khó lường, Việt Nam luôn chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng ứng phó với những biến động này.
Theo đó, nếu ông Donald Trump lên nắm quyền thì có thể các chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc sẽ quay trở lại. Điều này sẽ gây áp lực lên các công ty Trung Quốc buộc các doanh nghiệp của quốc gia này phải tìm cách tránh đòn thương mại. Do vậy, Việt Nam có thể là một trong nhiều lựa chọn được các doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra song lợi thế này chỉ trong ngắn hạn.
Theo vị chuyên gia, trong 2-3 thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế thế giới đã kéo thương mại quốc tế của các nền kinh tế đang phát triển tăng tốc. Trong đó, Trung Quốc, Việt Nam… và nhiều quốc gia khác đã tận dụng tốt cơ hội khi tốc độ giao thương quốc tế tăng trưởng nở rộ. Vì vậy, căng thẳng thương mại hay chiến tranh thương mại gây bất lợi cho các hoạt động giao thương quốc tế có thể sẽ tạo ra cú sốc cho những nền kinh tế có nhiều tiềm năng nhưng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc.
“Vì vậy, hầu hết các nhà kinh tế ủng hộ sự thông thương, hòa nhập thị trường toàn thế giới bởi các xu hướng đi ngược lại xu hướng này sẽ có nhiều rủi ro hơn trong dài hạn”, ông Quốc Anh bày tỏ.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, chuyên gia đến từ Đại học Monash khuyến nghị Việt Nam cần sẵn sàng cho những thay đổi có thể diễn ra. Việt Nam đang có nhiều lợi thế thúc đẩy thương mại quốc tế, trong đó, có những mảng ổn định và cải thiện với tầm nhìn rất lâu dài như phát triển về hạ tầng kết nối, các chương trình tăng cường mức độ trách nhiệm giải trình ở các cấp cũng như chương trình tăng cường đối thoại giữa người dân và các cấp chính quyền...
Trong đó, chính sách đầu tư mũi nhọn mà Việt Nam cần tập trung trong giai đoạn tới, theo ông Quốc Anh, phải là chính sách đầu tư vào các trường đại học.
“Đây cũng là mảng rất quan trọng mà Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ và có nhiều đổi mới trong thời gian qua như cho phép các trường đại học áp dụng cơ chế tự chủ, mạnh tay đầu tư cho các chương trình phát triển nguồn nhân lực”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Đối với việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới đây đã từ chối công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, chuyên gia từ Đại học Monash cho rằng đây là sự “thiệt thòi” đối với Việt Nam.
Tuyên bố pháp lý này, theo ông, vẫn được các nền kinh tế đã phát triển cũng như mới phát triển thường xuyên áp dụng và không nói lên gì nhiều về bản chất của nền kinh tế Việt Nam. Dẫu vậy, để có nhiều lợi thế trong các hoạt động giao thương quốc tế, cùng với các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao kinh tế.