11:35 15/01/2013

Góp ý sửa Hiến pháp: Khẳng định Việt Nam là nước dân chủ

Nguyễn Lê

Cụm từ “dân chủ” đã được bổ sung để làm rõ hơn bản chất của Nhà nước và chế độ so với Hiến pháp 1992 trước đây

VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh những nội dung góp ý đáng chú ý của bạn 
đọc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày tới.
VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh những nội dung góp ý đáng chú ý của bạn đọc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày tới.
Sau hai tuần công bố chính thức dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, kênh thu nhận góp ý tại địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn chưa có ý kiến của đại biểu Quốc hội, mới chỉ có một góp ý của chuyên gia, song mỗi ngày đều có thêm nhiều quan điểm của người dân.

Ở góp ý mới nhất, bạn đọc Nguyễn Hữu Chót cho rằng, nội dung tại điều 1 của dự thảo: “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” đã khẳng định rõ Việt Nam là một nước dân chủ.

Cụm từ “dân chủ” đã được bổ sung để làm rõ hơn bản chất của Nhà nước và chế độ so với Hiến pháp 1992 trước đây (điều 1, Hiến pháp 1992 không có cụm từ “dân chủ”). Đây là một nguyên tắc rất quan trọng mà dự thảo lần này đã quy định được để thể hiện rõ hơn chủ quyền nhân dân, bạn Chót viết.

Cũng liên quan đến điều đầu tiên của dự thảo, bạn Nguyễn góp ý nên thêm cả từ "lãnh hải" và sau từ "lãnh thổ".

Tuy nhiên, bạn Hoàng Nam cho rằng từ “lãnh thổ” đã đủ ý. Bởi, lãnh thổ quốc gia bao gồm: vùng đất, vùng nước, vùng trời trên vùng đất và vùng nước, cũng như lòng đất dưới chúng thuộc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của một quốc gia nhất định. Lãnh hải (territorial sea) là lãnh thổ quốc gia nằm dưới biển, là biển thuộc lãnh thổ quốc gia.

Cùng quan điểm với một số bạn đọc đã góp ý ngay tuần đầu về điều 1, bạn Trịnh Văn Quyết lại đề nghị điều 1 nên quy định: “Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, thềm lục địa, vùng biển và vùng trời và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Không có sự thay đổi nào, song những quy định về Quốc kỳ và Quốc ca lại được tranh luận khá sôi nổi từ ý tưởng của bạn đọc Trần Xuân An.

Theo bạn An thì Quốc kỳ vẫn giữ nền đỏ, nhưng thay sao vàng 5 cánh thành hình trống đồng có ngôi sao vàng 16 cánh. Quốc ca vẫn giữ phần nhạc bài "Tiến quân ca" nhưng đặt thêm lời 2 (lời 1 vẫn có mang nội dung kháng chiến chống Pháp...; lời 2 mới đổi có nội dung bảo vệ và xây dựng Tổ quốc). Ý tưởng thay đổi Quốc ca, Quốc kỳ đã đề đề xuất từ năm 1980, bạn An nói thêm.

Một độc giả “chăm” góp ý, bạn Nguyễn Hữu Chót lập luận, “Quốc kỳ Việt Nam, cờ đỏ sao vàng được khắc họa rõ nét qua bài thơ của tác giả Nguyễn Hữu Tiến: “Hỡi những ai máu đỏ da vàng. Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc. Nền cờ thắm máu đào vì nước Sao vàng tươi, da của giống nòi. Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi Hỡi sỹ - nông - công - thương - binh. Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.

Còn “Quốc ca là sự hình thành của nhiều năm kinh nghiệm và một thời gian dài trăn trở khi viết, tôi nghĩ làm sao đáp ứng được nhu cầu quần chúng, làm sao để họ dễ thuộc, dễ nhớ...” - lời cố nhạc sỹ Văn Cao. Bài "Tiến quân ca" đã được Quốc hội khóa 1 thông qua là Quốc ca. Quốc ca cùng với Quốc kỳ, cờ đỏ sao vàng là biểu tượng đẹp và khó phai mờ đối với người Việt Nam”.

“Bác Chót giải thích đúng lắm, giúp mọi người hiểu rõ ý nghĩa của ngôi sao 5 cánh, sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng và ý nghĩa của bài Tiến quân ca. Ngôi sao vàng 5 cánh là tượng trưng cho sĩ-nông-công-thương-binh được đoàn kết lại, không thể thay bằng ngôi sao có đến 16 cánh”, bạn Hoàng Nam tán thưởng.

Bảo vệ ý tưởng sửa đổi Quốc ky, bổ sung vào Quốc ca, bạn Xuân An viết: Nhiều nước trên thế giới cũng đã từng sửa đổi Quốc kỳ, Quốc ca, nên không có gì lạ. Vấn đề là sự sửa đổi phải hợp lý, hoàn thiện hơn, và trang trọng, nghiêm túc.

Cũng theo bạn đọc này thì trong ngôi sao vàng 16 cánh (hay 8 hoặc 12 cánh) của trống đồng đã bao gồm ngôi sao vàng 5 cánh.

Về Quốc ca, bạn An nói rõ thêm là chỉ kiến nghị đặt thêm ca từ, tùy trường hợp, bối cảnh chào cờ, còn Quốc thiều (phần nhạc) vẫn y nguyên.

Không đồng ý, bạn Hoàng Nam cho rằng, trống đồng có nhiều loại như mặt trên có hình sao đúc nổi với 12 cánh, một số trống, chỉ có 8 cánh sao, như trống đồng Quảng Xương, hoặc 14 cánh như trống đồng Ngọc Lũ, Sông Đà, Thượng Lâm. Hoặc 16 cánh như Hoàng Hạ, cho nên không chọn loại 16 cánh được. Nên không thể chọn mặt trống đồng làm cờ, bởi sao nhiều cánh này trên mặt trống đồng là tượng trưng cho cách xem lịch cổ xưa của người Việt Nam trước đây.

Cờ đỏ sao vàng có ý nghĩa là tượng trưng cho màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng; màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho sự sáng ngời của linh hồn dân tộc Việt Nam; năm cánh sao là sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp đồng bào chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nên càng không thể thay thế sao vàng năm cánh được.

Bài hát quốc ca thì phải giữ gìn nguyên gốc không thể tự ý thay thế hay thêm bớt vì nó mang tính hoàn cảnh lịch sử, mà đã lịch sử thì không thể thay đổi tùy tiện được, bạn Nam nhấn mạnh.

VnEconomy sẽ tiếp tục phản ánh những nội dung góp ý đáng chú ý của bạn đọc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong những ngày tới. Xin mời độc giả xem toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chuyên đề: Sửa Hiến pháp 1992