12:00 28/06/2022

Hà Nội chưa nên tăng học phí năm học 2022-2023

Lý Hà

Hà Nội vừa đưa ra dự thảo lấy ý kiến lộ trình tăng học phí bắt đầu từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với mức tăng cũng như lộ trình này...

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều gia đình đang gặp khó khăn do chưa ổn định về thu nhập hàng tháng nên không khỏi lo lắng trước thông tin tăng học phí bắt đầu từ năm học 2022-2023. Những người bị ảnh hưởng thực sự đến sự tăng này lại càng băn khoăn trước thông tin “72% người dân Hà Nội đồng ý tăng học phí”.

KHÔNG NÊN ĐƯA TIỀN VÀO TAY TRÁI RỒI LẤY TỪ TAY PHẢI

Về việc thu học phí, Chính phủ đã có những quy định trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/10/2021) từ nguyên tắc tính đến cách thức thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cũng như chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, việc xác định mức thu học phí theo ba nguyên tắc, đó là: Có sự chia sẻ giữa Nhà nước và người học; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng; phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Còn về khung học phí đối với các đối tượng trên, Nghị định cũng quy định hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, nhưng không vượt mức trần khung học phí, hoặc mức học phí do hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành năm học trước đó đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Do đó, điều cần bàn ở đây là Hà Nội đã nên tăng học phí ngay từ năm học 2022-2023 này hay chưa và nếu tăng thì mức tăng như thế nào cho phù hợp với Nghị định 81/2021/NĐ-CP?

Cần thấy rằng vừa qua Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành cả nước đều chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 rất lớn. GRDP của Hà Nội năm 2020 chỉ tăng 4,18%, trong khi giai đoạn 2016 - 2019  mức tăng trung bình đã là 7,38%/năm. Hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đều suy giảm rõ rệt so với trước đó. Vừa qua, ngoài 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Hà Nội còn ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Tính đến cuối tháng 9/2021, gần 3,22 triệu lượt người dân Hà Nội đã được thụ hưởng các khoản hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 1.375 tỷ đồng… Đến năm 2022, với phương thức thích ứng an toàn linh hoạt phòng chống kiểm soát dịch nên Hà Nội mới bước đầu đưa cuộc sống, sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường để phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP từ 7-7,5%.

Thời gian này, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine nên giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Những nguyên nhân chủ yếu đó sẽ tiếp tục làm CPI những tháng sắp tới sẽ tăng lên. Hơn nữa, việc các nhà xuất bản tăng giá sách giáo khoa và các mặt hàng phục vụ cho học sinh như giấy, bút đều có xu hướng tăng giá. Với điều kiện của đa số người lao động vừa mới “hoàn hồn” nhận trợ cấp, hỗ trợ tiền từ Nhà nước, thành phố và họ đang cố gắng ổn định cuộc sống để cùng doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế thì mức tăng học phí như dự thảo chẳng khác gì cách đưa tiền hỗ trợ vào tay trái lại lấy ra từ tay phải.

Với những điều kiện quy định như Nghị định 81/2021/NĐ-CP, đồng ý cần có sự chia sẻ với Nhà nước, với ngành giáo dục nhưng tăng học phí ngay từ năm học 2022-2023 này là chưa nên. Hoặc nếu tăng cũng phải tính toán lại. Nếu học phí các cấp tăng gần gấp đôi năm ngoái, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng thì sẽ là gánh nặng cho người lao động.

CẦN THIẾT KHẢO SÁT NHƯNG PHẢI THUYẾT PHỤC

Với chính sách tăng học phí, Hà Nội đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của người dân trước khi đưa ra dự thảo, đó là cách làm thận trọng, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, con số thống kê mà Sở Giáo dục đào tạo  đưa ra "72% người dân đồng ý tăng học phí” thì rất đáng nghi ngờ.  Cũng chưa biết đối tượng mà Hà Nội khảo sát là những ai, câu hỏi đưa ra khảo sát như thế nào?

Thực tế, chỉ cần khảo sát qua một số cán bộ, công nhân để phục vụ cho bài viết đều cho thấy kết quả ngược lại. Một phụ huynh có vợ và chồng vừa có công việc ổn định ở Hà Đông, Hà Nội cho biết họ rất lo lắng không biết cân đối như thế nào để đóng tiền học cho hai con. Còn đối với những người có công việc bấp bênh như gia đình chị Nguyễn Thị Hậu (Thanh Xuân) cả hai vợ chồng làm lao động tự do thì càng bi đát hơn. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ phải tạm ngừng công việc, thu nhập giảm sút phải hưởng tiền hỗ trợ thì biết xoay xở thế nào để lo ổn định cuộc sống và học phí cho con.

Tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết việc tăng học phí do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức, nhiều thành viên Mặt trận Tổ quốc đã có những ý kiến nghi ngờ con số đồng ý tăng học phí này. Ông Ngô Hữu Thảo, một thành viên của Mặt trận cho biết tỷ lệ hơn 70% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí là rất đáng nghi ngờ, nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay.  Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, góp ý về cách khảo sát: “Để biết con số chính xác người dân đồng ý tăng học phí, những người được hỏi phải là phụ huynh có con học tại cơ sở giáo dục công lập trên cả các vùng thành thị, nông thôn, miền núi. Ở đây, tổng số phiếu dù lớn nhưng lại khảo sát nhiều đối tượng, trong đó có cả cán bộ giáo viên thì sẽ dẫn tới số liệu không chính xác.

Thực chất cơ quan khảo sát phải lấy tỷ lệ của phụ huynh, người chịu tác động trực tiếp mới chuẩn. Việc khảo sát có thể chia thành hai phần. Phần thứ nhất có thể lấy ý kiến của tất cả các đối tượng trong xã hội; phần thứ hai khảo sát tập trung chủ yếu vào phụ huynh học sinh trên tất cả các địa bàn. Việc điều tra xã hội học phải rõ ràng, tách bạch thì mới có con số chính xác”. Cũng đã có những ý kiến đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội cần có những khảo sát riêng về tỷ lệ người dân đồng ý/không đồng ý tăng học phí. Mặc dù quy mô khảo sát có thể không lớn nhưng cần chú trọng vào các khu vực dân, để có những phản biện chính sách chuẩn mực, thuyết phục.

Hơn nữa, căn cứ vào điều 8 của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về nguyên tắc xác định học phí nên càng phải cần cân nhắc thận trọng. Việc tăng học phí còn đi đôi với chất lượng giáo dục. Tiền học phí bỏ ra phải tương xứng với chất lượng giáo dục, học tập. Thiết nghĩ, Hà Nội chưa nên tăng học phí trong năm học 2022-2023 mà đưa lộ trình tăng học phí cho những năm tiếp sau, dựa trên các nguyên tắc đã quy định.