14:21 02/09/2021

Hà Nội đề xuất "gỡ" 25 vướng mắc cho 3 nhóm dự án đầu tư

Anh Nhi

25 vướng mắc liên quan tới quá trình chuẩn bị, triển khai và thực hiện 3 nhóm dự án đầu tư đã được UBND TP.Hà Nội gửi tới Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại bộ ngành và địa phương…

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 đã có buổi làm việc trực tuyến với TP.Hà Nội chiều ngày 1/9 để trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương.

Đây là một trong những hoạt động của Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư ở địa phương cũng như ghi nhận kiến nghị của địa phương trong việc sửa đổi các văn bản pháp quy để từ đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

“Thông điệp của Tổ công tác là các bộ cùng tích cực vào cuộc để giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.

25 VƯỚNG MẮC TRONG 3 NHÓM DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Báo cáo tại buổi làm việc, UBND TP.Hà Nội đã tổng hợp 25 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm dự án, gồm dự án đầu tư công; dự án đầu tư kinh doanh; và dự án đối tác công -tư (PPP). Trong đó, có 12 vướng mắc liên quan tới dự án đầu tư công, 11 vướng mắc đối với dự án đầu tư kinh doanh và 2 vướng mắc đối với dự án PPP.

Cụ thể, đối với dự án vốn đầu tư công, vướng mắc chủ yếu liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án. Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội, theo Luật Đầu tư công 2019, Ban Quản lý dự án (Chủ đầu tư) không được giao lập chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND Thành phố, mà chỉ giao cho cơ quan chuyên môn, gây khó khăn cho Thành phố trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.

Bên cạnh đó là các vướng mắc về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư công; vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp; vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án cầu qua sông có đê, trong trường hợp bãi sông rộng…

Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư lại là vướng mắc lớn nhất trong triển khai dự án đầu tư công. Đại diện Ban Quản lý Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cho biết, dự án gần như giậm chân tại chỗ, không thể triển khai vì công tác giải phóng mặt bằng nhiều lúc “lâm vào bế tắc.

“Tại ga ngầm S9 (Kim Mã, Ba Đình) và S11 (Quốc Tử Giám, Đống Đa) tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện chung của dự án”, đại diện Ban Quản lý bày tỏ.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội gặp khó vì giải phóng mặt bằng.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội gặp khó vì giải phóng mặt bằng.

Đối với dự án đầu tư kinh doanh, ông Đỗ Anh Tuấn chỉ rõ các vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 4 Điều 1, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở theo quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội.

“Tuy nhiên, đối với Hà Nội, đất ở có giá trị thương mại rất cao, vì vậy, việc xây dựng nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng là không phù hợp”, ông Tuấn cho biết về đề nghị Tổ công tác xem xét để có giải pháp phù hợp với bối cảnh của Hà Nội.

Về các vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện dự án đầu tư, UBND TP. Hà Nội đề nghị thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất Đai và các nghị định hướng dẫn đối với triển khai nhà ở thương mại trong các trường hợp chuyển mục đích sử dụng quỹ đất đang quản lý, sử dụng và nhận chuyển nhượng, góp vốn đất nông nghiệp hay các loại đất khác để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Hà Nội đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về đất đai để đồng bộ trong việc thực hiện các quy định mới của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu; đề nghị xem xét thông nhất về thủ tục giữa quy định về đầu tư và quy định về phát triển cụm công nghiệp.

Đối với dự án PPP, đại diện UBND TP.Hà Nội đã đưa ra những vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, như việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu của công trình PPP do nhà đầu tư thực hiện theo quy chế lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo tính công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế… làm ảnh hưởng tiến độ và chất lượng công trình; việc giám sát nghĩa vụ vốn chủ sở hữu;  việc thực hiện dự án khác trên quỹ đất được nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, liên quan đến triển khai thực hiện dự án đầu tư PPP, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, các quy định hiện hành liên quan không có quy định để thực hiện chuyển tiếp đối với các dự án BT, dẫn đến khó khăn trong công tác thực hiện.

“Tại điểm c, Khoản 5 Điều 101 của Luật Đầu tư có quy định về phương thức đối tác công tư, tuy nhiên chưa quy định rõ việc tiếp tục thực hiện quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết”, ông Tuấn chỉ rõ nguyên nhân vướng mắc.

SẼ BÁO CÁO THỦ TƯỚNG

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh đây là đầu vào rất quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác tiến hành rà soát, hoặc có thể hướng dẫn chung cho các địa phương thực hiện thống nhất trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu kết luận tại Hội nghị.

“Theo đó, Tổ công tác sẽ tham mưu cho Thủ tướng việc giao cho các bộ, ngành ban hành, sửa đổi Thông tư; hoặc Chính phủ ban hành sửa đổi một số nghị định theo hướng tạo thuận lợi hơn cho địa phương trong việc tuân thủ quy định pháp luật cũng như dễ dàng trong triển khai dự án đầu tư”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Đối với vướng mắc liên quan tới 3 nhóm dự án, Thứ trưởng Đông cho biết, đối với các vướng mắc dự án đầu tư công Hà Nội, 5 nội dung đã được Tổ công tác giải thích rõ, các nội dung còn lại sẽ được ghi nhận, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng điều chỉnh, sửa đổi.

Đối với các vướng mắc của dự án sản xuất, kinh doanh, 6 nội dung đã rõ, 6/11 nội dung liên quan đến thẩm quyền của các luật, nghị định, do đó, những nội dung này sẽ được tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Riêng đối với các vướng mắc của dự án PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ công tác sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể.

 
Sáng cùng ngày, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại bộ ngành và địa phương đã có buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Quảng Ninh.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nêu 5 vướng mắc liên quan tới dự án đầu tư công và 13 vướng mắc liên quan tới dự án đầu tư ngoài ngân sách.