Thủ tướng lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời, cấp bách...
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời, cấp bách.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp; điều chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh để các địa phương, doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế có thể áp dụng, sớm ổn định lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, hết sức linh hoạt, không phụ thuộc địa giới hành chính hay thời gian.
Cùng với đó, Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các giải pháp về miễn, giảm thuế để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động. Đồng thời, đưa ra các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán để thúc đẩy nguồn vốn trung và dài hạn, giảm tỷ lệ vốn lớn vào hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro cho nền kinh tế.
"Tinh thần chung của Chính phủ là đẩy mạnh hợp tác công tư, chính sách tiền tệ, tài khóa phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng các giải pháp để hàng hóa sản xuất ra phải được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế.
"Tinh thần chung là các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu có vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con", Thủ tướng quán triệt.
Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép.
Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là bảo đảm nguyên liệu, sản xuất liên tục cho các sản phẩm tiêu dùng ở những nơi thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch và xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất khu kinh tế... Vấn đề này hiện vướng luật, cần báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét giải quyết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và tiếp tục tính toán giảm lãi suất và điều chỉnh chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới phù hợp với tình hình.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để ứng dụng trong phòng chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có đủ điều kiện; hạn chế tối đa các hoạt động thanh, kiểm tra trong khi đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch; phối hợp cùng các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong thời dịch.
Các tổ chức, hiệp hội cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn.
Về phía các doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với những cú sốc bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững và bài bản.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh rằng Chính phủ và các chính quyền địa phương luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tri ân những nghĩa cử, hành động cao đẹp, đóng góp chung tay để cùng đất nước bước qua những thời điểm khó khăn, trong đó có cả các doanh nghiệp FDI, không nề hà đáp ứng những lời kêu gọi từ phía chính quyền.
“Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dù thử thách lớn nhưng đây là thời điểm “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Thủ tướng tin đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay không chỉ vượt qua được dịch Covid-19 mà còn tạo dựng được thương hiệu riêng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước với những giá trị đẹp đẽ nhất của người kinh doanh là Tâm - Tài - Trí - Tín.
“Tinh thần là mỗi địa phương, doanh nghiệp, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch và sản xuất kinh doanh, mỗi người dân, mỗi công nhân là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch và trong sản xuất”, Thủ tướng nhấn mạnh.