16:48 01/09/2021

Quảng Ninh nêu loạt vướng mắc trong triển khai dự án ngoài ngân sách

Khánh Vy

Một số quy định pháp luật hiện nay đã không còn phù hợp do đó cần sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định “bắt nhịp” với tình hình thực tế để thúc đẩy các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại địa phương…

Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại địa phương giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tỉnh Quảng Ninh theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại địa phương giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tỉnh Quảng Ninh theo hình thức trực tuyến.

Ngày 01/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại địa phương với tỉnh Quảng Ninh theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy tham dự và đồng chủ trì Hội nghị.

Cuộc họp nằm trong những hoạt động đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021.

 “Trong bối cảnh rất khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nếu tháo gỡ được khó khăn của các dự án, giúp giải phóng được nguồn lực là rất tốt cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

VẪN CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC

Mặc dù chịu tác động rất lớn do dịch Covid-19 song tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách thu hút được tại Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn gấp 5 lần so với kịch bản đề ra (đạt 269.497 tỷ đồng). Trong đó, một số dự án lớn như: Dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty Jinko Solar Hồng Kông, dự án nhà máy sản xuất công cụ y khoa tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà...

“Tuy nhiên, những vướng mắc liên quan tới quy định pháp luật đang khiến nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách lúng túng trong quá trình triển khai”, ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Hiện nay, các dự án đầu tư ngoài ngân sách đang đối mặt với 13 vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ.

Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh
Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh

Đầu tiên, vướng mắc do Điều 29 Luật Đầu tư 2020. Ông Nguyễn Hồng Dương chỉ rõ, quy định của Luật Đầu tư và hướng dẫn tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP không hướng dẫn cụ thể dự án nào thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nào không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ đưa ra quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 30,31,32 Luật Đầu tư 2020).

Do đó, đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của UBND cấp tỉnh, đang có 02 cách hiểu khác nhau. Cách hiểu thứ 1, các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo Điều 32, Luật Đầu tư 2020 là các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Như vậy, các dự án thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (Điểm a, khoản 1, Điều 32) không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Cách hiểu thứ 2, các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo Điều 32, Luật Đầu tư 2020 trước khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Vì vậy, cần hướng dẫn cụ thể dự án nào thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nào không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư”, ông Dương nêu rõ.

Thứ hai, về khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư 2020. Quy định hiện nay gây ra cách hiểu không thống nhất về cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, để khắc phục tình trạng này, tỉnh Quảng Ninh đề xuất, sửa đổi khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư 2020.

Thứ ba, các vướng mắc về cơ sở xác định dự án thương mại dịch vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù phạm vi điều chỉnh theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP gồm các công trình thương mại dịch vụ nhưng không thể áp dụng, triển khai phê duyệt danh mục lựa chọn nhà đầu tư nếu đối chiếu sang Phụ lục I Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

Thứ tư, các vướng mắc xuất phát từ điểm d khoản 2 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngày 26/3/2021. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về trình tự thực hiện trong trường hợp đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án.

Thứ năm, vướng mắc về thủ tục chấp thuận nhà đầu tư. Theo hướng dẫn của Luật Đầu tư, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ không có hướng dẫn xác định giá trị m3 (giá sàn nộp ngân sách nhà nước được đưa vào hồ sơ mời thầu) đối với trường hợp chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

“Do đó kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn có hay không việc xác định giá trị m3 trong trường hợp này? Nếu có thì việc xác định giá trị m3 nằm ở bước nào trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư”, ông Dương đề nghị.

Bên cạnh đó là 8 vướng mắc khác liên quan tới quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án theo quy định của pháp luật về xã hội hóa đặc biệt đối với các dự án xã hội hóa có đất sạch tại các địa bàn có giá trị thương mại cao; chưa có quy định việc thực hiện trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước hay sau quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất khác; chưa ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, do đó chưa có cơ sở để thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành…

SỚM THÁO GỠ, GIẢI PHÓNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ

Tại Hội nghị, các đại biểu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã giải đáp ngay các vướng mắc, cũng như trả lời thẳng thắn các kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh.

Thứ trưởng Trần Duy Đông kết luận tại Hội nghị
Thứ trưởng Trần Duy Đông kết luận tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Huy Đông khẳng định, hiện cơ chế chính sách đã và đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, dù vậy, thì cơ chế, chính sách chưa bao giờ theo kịp được thực tiễn và có nhiều cách hiểu khác nhau cũng nảy sinh.

“Tổ công tác sẽ tổng hợp lại các vướng mắc, để đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi và thống nhất cách hiểu để triển khai thực hiện dễ dàng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ghi nhận các nhóm vấn đề về các dự án sản xuất, kinh doanh, Thứ trưởng Đông khẳng định: “Nếu nội dung nào đúng chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ có thể sửa đổi”.

Thứ trưởng Đông cũng khẳng định, trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, Tổ sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới.