Hà Nội: Phát triển mới 1,215 triệu m2 sàn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025
Về nhà ở xã hội, thành phố phấn đấu phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu…
UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP.Hà Nội, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố giai đoạn này 29,5m2/người (khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người); diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10,0m2/người.
Ngoài ra, tổng diện tích sản nhà ở phấn đấu đạt 44 triệu m2 sàn nhà ở. Cụ thể, về nhà ở xã hội, phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án. Về nhà ở tái định cư, phát triển mới khoảng 0,555 triệu m2 sàn nhà ở.
Đối với nhà ở thương mại, phát triển mới khoảng 19,73 triệu m2 sàn nhà ở; tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đảm bảo tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5%, và nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 5% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án. Triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định (có phát sinh trong quá trình kiểm định) và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.
Còn nhà ở riêng lẻ phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm).
Mặt khác, thành phố phấn đấu phát triển nhà ở bằng hoặc lớn hơn chỉ tiêu tổng diện tích sàn nhà ở xác định tại Kế hoạch này; định kỳ cập nhật điều chỉnh số lượng dự án (bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh mục) cho phù hợp với thực tế. Các nhà đầu tự có báo cáo về tính khả thi và tiến độ thực hiện dự án, làm cơ sở để cập nhật vào Kế hoạch theo quy định. Về chất lượng nhà ở, tiếp tục thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ gắn với tái thiết, chỉnh trang đô thị; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố đạt 90%, trong đó, khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 85%.
Để thực hiện, về nhu cầu vốn và dự kiến nguồn vốn phát triển nhà ở, UBND TP dự kiến tổng nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 là khoảng 437.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn xây dựng nhà ở thương mại khoảng 250.000 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở tái định cư khoảng 9.500 tỷ đồng.
Dự kiến, nguồn vốn ngân sách là khoảng 5.800 tỷ đồng, cụ thể là dành 283 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội; 4.860 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới 5 dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư; 641,3 tỷ đồng để tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu, nhà chung cư cũ; kiểm định và lập đề xuất chủ trương đầu tư phục vụ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Theo UBND TP. Hà Nội, trước đây, trong bối cảnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg chỉ xác định một số chỉ tiêu phát triển nhà ở định hướng đến năm 2030, để có căn cứ phát triển các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở, phát triển kinh tế-xã hội, đô thị, đồng thời là công cụ để thành phố kiểm soát công tác phát triển nhà ở, UBND TP đã ban hành mang tính chất tạm thời Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 5019/QĐ-UBND ngày 29/11/2021.
Hiện nay, trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 3627/QĐ-UBND. Do đó, việc ban hành chính thức Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025 nhằm cụ thể hóa Chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt là cần thiết.