Hạn mức trả tiền bảo hiểm và cơ sở pháp lý về bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam
Trong trường hợp Quỹ tín dụng nơi khách hàng gửi tiền bị phá sản thì khoản tiền gửi của khách hàng sẽ được chi trả mức bảo hiểm tiền gửi là bao nhiêu
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể giải đáp giúp tôi trong trường hợp Quỹ tín dụng nơi tôi gửi tiền bị phá sản thì khoản tiền gửi của tôi sẽ được chi trả mức bảo hiểm tiền gửi là bao nhiêu? Xin cảm ơn! (Trần Hải Khôi, tỉnh Bình Dương)
Cảm ơn anh Hải Khôi đã quan tâm và gửi câu hỏi. Sau đây là phần trả lời:
Khoản 1 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: "Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức Bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm."
Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: "Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 24 của Luật này."
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi, Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 05/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 (Bảy mươi lăm triệu đồng).
Như vậy, khi một khách hàng gửi nhiều khoản tiền khác nhau (không phân biệt gửi trực tuyến hay gửi trực tiếp) tại cùng một tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi thì các khoản tiền gửi này không được bảo hiểm độc lập. Hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi) cho tất cả các khoản tiền gửi của một người tại một tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi.
Tôi đang muốn tìm hiểu về chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể cho tôi biết những cơ sở pháp lý về bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam hiện nay không? Xin cảm ơn! (Bùi Mỹ Thiều, tỉnh Long An).
Xin cảm ơn chị Bùi Mỹ Thiều đã quan tâm và gửi câu. Sau đây, phía Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xin được giải đáp thắc mắc của chị.
Hiện nay, cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam là Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Cùng với đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bao gồm:
Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi;
Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và quy định chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
Quyết định 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều lệ về tổ chức và hoạt động Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 1/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
Quyết định số 3090/QĐ-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành ban hành.
Ngoài ra, còn có các Quy chế, Quy định về Bảo hiểm tiền gửi do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành.