Hàng triệu người không có bất kỳ khoản lương hưu, trợ cấp nào
Theo thống kê hiện cả nước còn khoảng 8 - 9 triệu người không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng, đây chính là khoảng trống chính sách cần được quan tâm trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây…
Đây là một trong những vấn đề được thảo luận, cho ý kiến tại Hội thảo về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Uỷ ban Xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này sẽ tập trung vào các chính sách lớn như: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; hơn 2 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hằng tháng; khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn từ 8 - 9 triệu người không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Các ý kiến cho rằng, đây chính là khoảng trống chính sách cần được quan tâm.
Nhằm thúc đẩy, mở rộng đối tượng thụ hưởng, trong lần sửa đổi Luật lần này có nhiều điểm mới. Theo đó, dự kiến công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo (thay vì 80 tuổi như trước đây).
Với sự thay đổi này, dự kiến sẽ có thêm khoảng 800.000 người được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đồng thời bổ sung quy định liên kết tầng, tức người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng.
Tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 – 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, có trên 661.000 người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng (bình quân khoảng 110.000 người hưởng lương hưu mới/năm); trong đó có 435.000 người được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (chiếm 65,8%); điều này cho thấy cứ 3 người nghỉ hưu thì có khoảng 2 người có tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
Ngoài vấn đề mở rộng đối tượng thụ hưởng, các ý kiến cũng thảo luận về các quy định nhằm hạn chế và xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Một số ý kiến đề xuất cần làm rõ các khái niệm như: hành vi chiếm dụng là gì? hành vi cản trở gây khó khăn là như thế nào? không đóng bao lâu thì được xác nhận là nợ bảo hiểm xã hội…, từ đó làm cơ sở để các cơ quan pháp luật xử lý hình sự hoặc dân sự đối với các vụ việc chậm đóng, trốn đóng, đóng không đúng mức.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến trường hợp người lao động làm những công việc được trả công theo giờ, hoặc các doanh nghiệp tuyên bố phá sản, không trả nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, thống kê cho thấy giai đoạn 2016 – 2022 có gần 5 triệu lượt người hưởng, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng trên 12% (tốc độ tăng đối tượng tham gia chỉ từ 5-6%). Trong đó, 67% có dưới 5 năm đóng bảo hiểm xã hội, gần 10% là người đã đóng hơn 10 năm.
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp thực hiện cũng cho thấy, các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần thường là những người có số năm đóng bảo hiểm xã hội thấp, dưới 15 năm.
Việc quy định cho phép hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ không khuyến khích những người lao động tích lũy các khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động. Từ đó các nỗ lực mở rộng diện bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội của các bên liên quan sẽ bị hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, các ý kiến cho rằng, những nét mới trong lần sửa đổi này được đánh giá là phù hợp để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thuận lợi hơn.