21:10 17/10/2023

Hỗ trợ có điều kiện, phát huy nội lực của để người dân vươn lên thoát nghèo

Nhật Dương

Kết quả giảm nghèo trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến mới, khi tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016 - 2022. Tuy nhiên, thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn ở phía trước khi phần lớn hộ nghèo vẫn còn thiếu sinh kế, giảm nghèo cũng chưa thật sự bền vững...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 17/10 hàng năm đã được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận là Ngày Quốc tế xóa nghèo. Tại Việt Nam, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” cũng diễn ra từ ngày 17/10 đến 18/11/2023. Chặng đường giảm nghèo trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo.

TỶ LỆ HỘ NGHÈO ĐA CHIỀU LIÊN TỤC GIẢM QUA CÁC NĂM

Theo Kết quả Khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1% so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81% trong giai đoạn 2016-2022.

Kết quả thực hiện giảm nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số cũng đạt được những bước tiến. Khoảng cách về tỷ lệ nghèo đa chiều giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số khá lớn nhưng đã được thu hẹp dần dưới tác động của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ người nghèo.

Đó là các chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện.

Từ nguồn kinh phí do Ủy ban MTTQ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vận động đóng góp ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo", nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” được trao cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.
Từ nguồn kinh phí do Ủy ban MTTQ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vận động đóng góp ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo", nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” được trao cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.

Trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số là 23,7%, giảm 12,8% so với năm 2016, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2022 giảm 2,13%; dân tộc Kinh có tỷ lệ nghèo đa chiều là 2%, giảm 2,8%.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả 6 Vùng kinh tế - xã hội đều có tỷ lệ nghèo đa chiều giảm hằng năm, nhất là tại các vùng khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.

Đơn cử như Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, có thành tựu giảm nghèo nhanh nhất cả nước khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2021 là 12,1%, giảm 9,6% so với năm 2016 và bình quân mỗi năm giảm 1,92%; vùng Tây Nguyên là 10,1%, giảm 8,5% so với năm 2016 và bình quân mỗi năm giảm 1,69%.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình khoảng 120 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2023, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo đã phân bổ từ ngân sách Trung ương là 12.692 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 902,778 tỷ đồng.

Số liệu tổng hợp từ các bộ, cơ quan trung ương cho thấy, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển 8 tháng năm 2023 là 1.410,892 tỷ đồng đạt 26%; ước giải ngân đến hết tháng 9/2023 là 4.007,572 tỷ đồng (trong đó 2.019,514 tỷ đồng thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang, đạt 60%; 1.988,059 tỷ đồng thanh toán kế hoạch vốn giao trong năm 2023, đạt 37%.

Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 ước trên 20 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện công tác giảm nghèo, thời gian qua, Bộ đã trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó, tập trung giải ngân vốn của Chương trình năm 2023; hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2023. 

Bộ cũng hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo không còn khả năng lao động từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. Ước thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2023 tổng dư nợ đạt 321.648 tỷ đồng.

Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu.

THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ, KỊP THỜI CÁC CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả giảm nghèo của Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế. Đa số hộ nghèo thiếu sinh kế, nhiều huyện vùng biên giới, miền núi, hải đảo vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao, nguy cơ tái nghèo vẫn hiện hữu.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2022 - 2025, chuẩn nghèo đa chiều đã ban hành nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng mức sống tối thiểu, và chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát hằng năm.

Kết quả thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo chưa bền vững. Các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo mà chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người ở các huyện nghèo hằng năm…

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để đạt hiệu quả bền vững, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, phát huy ý chí, nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.  Nhà nước chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.

Ngoài ra, cần việc tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, song song đó là tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo...