16:11 23/06/2023

Đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số cần gắn với tạo sinh kế để xóa đói giảm nghèo

Nhật Dương

Quá trình thực hiện chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số trong thực tế còn nhiều hạn chế, như: Vai trò của nguồn nhân lực thanh niên dân tộc thiểu số chưa được nhận thức đúng mức; chính sách đào tạo chậm đổi mới, chưa đồng bộ, tổ chức thực thi chưa hiệu quả, đặc biệt vẫn chưa có chính sách đặc thù cho nhóm này…

Thanh niên dân tộc thiểu số được tham gia lớp học dạy nghề dệt. Ảnh - Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc.
Thanh niên dân tộc thiểu số được tham gia lớp học dạy nghề dệt. Ảnh - Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc.

Những ý kiến này được các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức phối hợp với các đơn vị tổ chức, sáng 23/6.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng tiếp cận các cơ hội sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số thông qua thúc đẩy sáng kiến phát triển nghề nghiệp và khởi nghiệp” do Liên minh châu Âu tài trợ.

CÒN NHIỀU KHOẢNG TRỐNG TRONG CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO THANH NIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nói chung và cho thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng luôn được quan tâm.

Từ năm 2018 – 2019, Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra chỉ tiêu hết sức cụ thể, đến năm 2025 có khoảng 80% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp. “Hiện có gần 10 triệu người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, như vậy đây là chỉ tiêu rất lớn”, ông Độ thông tin.

Thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với nguồn kinh phí tương đối lớn.

Trong đó, đã có dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với đó, hai chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đều có dự án cho đào tạo nghề.

“Dự án đào tạo nghề cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thành công hay không cần có sự hỗ trợ kỹ thuật, cũng như các hoạt động của các tổ chức hỗ trợ tham gia, để cùng phát hiện những vấn đề bất cập, nhằm xây dựng những mô hình cụ thể, điều này sẽ có vai trò hết sức quan trọng”, ông Độ nói.

Đánh giá chính sách về giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số, TS. Phan Chính Thức, chuyên gia đào tạo nghề, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong bối cảnh có rất nhiều chính sách về giáo dục hướng nghiệp và phát triển nghề nghiệp liên quan đến thanh niên dân tộc thiểu số đang được triển khai tại các tỉnh, nhiều chính sách đã góp phần nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận cơ hội phát triển sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, theo ông Thức, quá trình thực hiện chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số trong thực tế còn nhiều hạn chế, cụ thể như: Vai trò, vị trí của nguồn nhân lực thanh niên dân tộc thiểu số chưa được nhận thức đúng mức; chính sách đào tạo cho thanh niên dân tộc thiểu số chậm đổi mới, chưa đồng bộ, tổ chức thực thi chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, thông tin về thị trường lao động còn chậm và thiếu độ tin cậy; các nguồn lực chưa được huy động tối đa trong việc tham gia vào đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số…

Theo số liệu báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến năm 2021, cả nước mới có 14% lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề.

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ 

Trước những thực tế như vậy, TS. Phan Chính Thức cho rằng, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số cần được phát triển theo hai hướng: Nâng cao chất lượng (kỹ năng nghề thành thạo), và mở rộng quy mô (từng bước phổ cập nghề).

“Quá trình đào tạo nghề chỉ đạt hiệu quả khi thực hiện theo hành trình bao gồm các giai đoạn trước đào tạo nghề (tư vấn, hướng nghiệp, tiếp cận với kỹ năng mềm cốt lõi), trong quá trình đào tạo (đầu vào dạy và học kết hợp chú trọng đầu ra thực hành và kỹ năng), và sau đào tạo nghề, bao gồm tư vấn, tạo cơ hội việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thanh niên dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm.
Thanh niên dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm.

Theo ông, để xây dựng chính sách giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số cần có hệ thống giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trong đó, cần rà soát, bổ sung chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là chính sách đặc thù cho thanh niên dân tộc thiểu số.

Cụ thể như về đầu tư đào tạo cho thanh niên dân tộc thiểu số, cần tăng nguồn từ ngân sách nhà nước, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; ưu tiên các nguồn vốn từ các dự án ODA của nước ngoài. Đặc biệt, chính sách đào tạo gắn với việc làm tại chỗ, với khởi nghiệp, tạo sinh kế và xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, nên lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và các mô hình đào tạo phù hợp với đặc thù của thanh niên dân tộc thiểu số.

Hiện nay, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số chủ yếu là chương trình sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, mặc dù các chương trình này giúp người học tiếp cận nhanh với nghề nghiệp, sản xuất và việc làm, thông qua đó có gia tăng thu nhập, tuy nhiên lại không thể đáp ứng được yêu cầu cao về nhân lực có kỹ năng của cơ sở sử dụng lao động, vì vậy họ sẽ gặp khó khăn khi tìm việc làm thỏa đáng có thu nhập ổn định trong thị trường lao động mang tính cạnh tranh cao.

Việc đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng còn rất hạn chế. Vì vậy, sắp tới cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho thanh niên dân tộc thiểu số theo hướng ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số…trong phát triển kinh tế.