18:22 12/10/2023

Phấn đấu giải ngân hơn 90% vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023

Phúc Minh

Hiện việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp đề xuất phân bổ vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phân bổ 12.692 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương.

Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 5.400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 7.292 tỷ đồng). Số vốn nguồn ngân sách Trung ương phân bổ năm 2023 tăng 47% so với năm 2022.

Thực hiện quy định tại Điều 36 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chủ dự án/tiểu dự án thành phần của Chương trình thông báo vốn sự nghiệp giai đoạn 2024 - 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để xây dựng phương án thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Các địa phương đã phân bổ 902,778 tỷ đồng, trong đó 424,558 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; 478,22 tỷ đồng vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình. Ngoài ra, nguồn vốn cho Chương trình năm 2023 còn được huy động từ các nguồn hợp pháp khác 107,2 tỷ đồng.

Như vậy, năm 2023, tổng số vốn được phân bổ dành cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này là gần 13.702 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 7/2023, giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 1.946,636 tỷ đồng, bằng 15,34% số vốn được phân bổ (1.524,449 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 28,23%; 422,187 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 6,53%).

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, ước giải ngân đến ngày 31/12/2023, vốn đầu tư phát triển đạt 94,67%, vốn sự nghiệp đạt 88,19%. Ước đến hết năm 2023, tổng số tiền giải ngân cho Chương trình dự kiến sẽ đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như: Chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.

Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách Trung ương năm 2023 ước trên 20 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ cũng hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo không còn khả năng lao động từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.

Nhìn chung, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo.

Tuy nhiên, hiện phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm.

Do đó, trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung cho công tác giải ngân vốn thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.