Xin ông cho biết những mục tiêu, định hướng chính cho phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030?
Trong Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030, ngành thủy sản đề ra chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các định hướng đề ra là đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu cho trên 50 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản bình quân trên 4,5%/năm.
Theo ông, ngành nuôi trồng thủy sản hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức nào?
Nuôi trồng thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức.
Một là, ô nhiễm nguồn nước nuôi từ các nhà máy công nghiệp, khu dân cư, các trang trại chăn nuôi, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và từ chính hoạt động nuôi trồng.
Hai là, dịch bệnh trên các đối tượng chủ lực hiện đang là rủi ro lớn nhất, gây thiệt hại kinh tế, gây ảnh huởng đến chất lượng sản phẩm nuôi và tác động xấu đến môi truờng.
Ba là, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp. Sự chồng chéo, mâu thuẫn trong việc sử dụng tài nguyên, phát triển các ngành kinh tế như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp và thủy sản, đặc biệt là ở các vùng ven biển ngày càng trở nên gay gắt, phức tạp và khó giải quyết.
Bốn là, các thị truờng nhập khẩu thủy sản lớn đều yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Các nuớc sản xuất thủy sản đối thủ cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và giảm giá thành sản phẩm. Đối với cá tra, hiện nay Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và một số nuớc đã và đang đầu tư rất mạnh vào sản xuất, sẽ phá thế độc quyền của chúng ta trong tương lai không xa.
Năm là, tác động của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản.
Sáu là, thông tin về sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, tình trạng thiếu dữ liệu khiến cho các cơ quan quản lý ngành khó thực hiện chiến luợc quy hoạch nuôi, dẫn đến hiệu quả năng suất không cao.
Xin ông cho biết những giải pháp để hóa giải những khó khăn thách thức đó?
Theo tôi, cần phải tiếp tục đầu tư để phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, các loài thủy sản có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái. Hướng chỉ đạo của ngành thủy sản là sẽ tận dụng các khu vực đất nông nghiệp hoang hóa, nhiễm mặn, các khu vực mặt nước lớn (hồ chứa, hồ tự nhiên, sông, ven bờ, ven các đảo...) để phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp.
Cùng với đó, phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao để chủ động cung cấp cho các vùng nuôi thương phẩm. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng phát triển sản xuất. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng về an toàn thực phẩm. Từng bước áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP). Phát triển nuôi trồng các giống loài thủy sản phục vụ mục đích làm dược phẩm, đồ mỹ nghệ, làm cảnh.
Ông nhận định thế nào về cơ giới hóa, hiện đại hóa trong nuôi trồng thủy sản hiện nay và định hướng phát triển trong tương lai?
Tôi cho rằng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế hiện nay. Trong tình hình mới, cần đẩy mạnh chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ tự động hóa ở các khâu liên quan đến an toàn lao động và yêu cầu xử lý nhanh các tình huống như thu hoạch, bảo quản sản phẩm, quan trắc, cảnh báo môi trường, truy xuất nguồn gốc. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ 4.0, công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong sản xuất, quản lý vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc…
Để tăng tốc cơ giới hóa, hiện đại hóa trong nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản đưa ra một số kiến nghị, đó là Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Đất đai. Các địa phương cần xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đầu tư hạ tầng đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho cơ sở nuôi ứng dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
Tổng cục Thủy sản đã đề ra chủ trương giảm cường lực đánh bắt, tăng nuôi trồng thủy sản. Xin ông cho biết triển vọng nghề nuôi biển Việt Nam sẽ như thế nào?
Việt Nam có bờ biển dài gần 3.300 km, có hàng triệu km biển đặc quyền, nhiều vịnh biển, cùng với gần 5.000 hòn đảo lớn nhỏ, vì vậy có tiềm năng rất lớn về nuôi biển. Tùy theo phân khúc thị trường, ở những vùng thuận lợi tùy theo điều kiện thổ nhưỡng, chúng ta định hướng phát triển các đối tượng nuôi khác nhau, như: cá vược, cá chim, cá song, bào ngư, hải sâm, trai, ngao sò, tôm hùm…
Ngoài ra, rong biển cũng là một trong những loài đang được ưu tiên nghiên cứu để thúc đẩy sản xuất, bởi nhu cầu sản phẩm này trên thị trường khá lớn.
Tuy nhiên, nuôi biển ở nước ta đang còn phát triển nhỏ lẻ, chủ yếu mới nuôi trồng trong vịnh kín, nuôi trồng trong lồng truyền thống. Hoạt động nuôi biển xa bờ, nuôi trên biển hở, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn khiêm tốn. Do đó, trong thời gian tới cần đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, trong đó lấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để đầu tư phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa. Áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư hạ tầng đồng bộ là cơ sở để tạo nên bước đột phá trong phát triển nuôi biển.
Vấn đề quản lý mặt nước nuôi biển và quản lý môi trường trong nuôi biển thế nào, thưa ông?
Vấn đề quản lý diện tích nuôi biển được quy định rất rõ trong Luật Thủy sản. Đối với từng địa phương, khi người dân có nhu cầu chuyển đổi nghề, nếu họ có nhu cầu nuôi biển, chính quyền địa phương phải cấp diện tích mặt nước cho bà con. Doanh nghiệp nếu có nhu cầu nuôi trồng thủy sản biển phải lập dự án. Trên cơ sở dự án đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét cấp phép nuôi trồng thủy sản; Bộ Tài nguyên - Môi trường hoặc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ cấp mặt biển nuôi trồng theo đề án mà doanh nghiệp đã trình để phát triển sản xuất. Từng diện tích mặt biển nuôi trồng hải sản sẽ được cấp mã số để quản lý. Các địa phương cần quản lý, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp triển khai dự án nuôi trồng thủy sản sử dụng đất, mặt biển đúng mục đích; phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc thẩm định cấp đất, mặt biển nuôi trồng thủy sản, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề môi trường với nuôi biển, một số đối tượng hiện nay đã bắt đầu nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp, cũng còn nhiều đối tượng hiện nay nông dân sử dụng cá tạp làm thức ăn nuôi trồng. Đây là điểm nghẽn trong xử lý môi trường, làm cho môi trường nhanh bị suy thoái. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống, quy trình nuôi trồng và quy trình xử lý chất thải, nước thải đối với nuôi biển. Tiến tới hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, áp dụng công nghệ thông tin để chuyển tải số liệu quan trắc, cảnh báo môi trường cho người nuôi ở các vùng nuôi trồng để chủ động, kịp thời xử lý các sự cố về môi trường và dịch bệnh nếu có. Mục tiêu đến năm 2030 đạt được 30-40% diện tích nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng nuôi an toàn dịch bệnh.
VnEconomy 30/09/2022 06:00