Hướng dẫn chính thức điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 37 về việc hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc…
Theo đó, từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức của tháng 12/2021, đối với: Các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2022; các đối tượng quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP nghỉ hưởng trước ngày 1/1/1995, sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 2 thông tư này mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ tháng 1/2022 = Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ tháng 12/2021 x 1,074.
Từ ngày 1/1/2022, với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước 1/1/1995 mà có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tháng.
Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh = Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước điều chỉnh + 200.000 đồng/tháng
Người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng, thì mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh = 2,5 triệu đồng/tháng
Ngoài ra, thông tư này còn quy định thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 89/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là thời điểm ghi trong văn bản giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tại thông tư này.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại thông tư. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2022.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến, cả nước có khoảng 2.966.645 người được điều chỉnh tăng mức hưởng theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP với tổng kinh phí tăng thêm trong tháng 1/2022 gần 1.052 tỷ đồng.