16:10 09/12/2021

Tăng 7,4% lương hưu từ đầu 2022: Cần triển khai nhanh nhất đến các đối tượng

Phúc Minh

Mức tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo các chuyên gia là còn “khiêm tốn”, song đã phần nào đảm bảo cuộc sống cho người về hưu, vấn đề hiện nay là làm sao tổ chức thực hiện nhanh nhất đến các đối tượng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 cho tất cả các nhóm đối tượng. Cũng từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

Phấn khởi là tâm trạng chung của rất nhiều người nghỉ hưu khi biết tin sẽ chính thức được tăng lương hưu ngay vào đầu năm tới sau hai năm chờ đợi.

Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đánh giá, việc tăng lương hưu trong bối cảnh hiện nay là rất tốt, chỉ có điều mức tăng 7,4% còn khá khiêm tốn so với nhu cầu cuộc sống của người về hưu.

“Nếu có nguồn lực để tăng ở mức cao hơn cho những người nghỉ hưu sẽ tốt hơn, bởi vì hiện nay đời sống của những người nghỉ hưu đang rất khó khăn. Tuy nhiên, cũng trong điều kiện khó khăn chung, từ 1/1/2022 điều chỉnh tăng 7,4% cũng là sự cố gắng rất lớn của Nhà nước. Tôi đánh giá cao chính sách này, còn những người nghỉ hưu khi biết tin rất phấn khởi, vấn đề hiện nay là làm sao tổ chức thực hiện nhanh nhất đến các nhóm đối tượng”, ông Huân cho biết.

Theo ông Huân, dù mức tăng 7,4% chưa thể tương xứng với tốc độ trượt giá, cũng như chưa đáp ứng được hết mong  muốn của người nghỉ hưu là muốn tăng cao hơn, nhưng trong điều kiện hiện nay, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhưng Nhà nước vẫn dành nguồn ngân sách để điều chỉnh lương lưu là việc rất đáng quý.

“Tất nhiên ai cũng mong muốn tăng nhiều hơn, nhưng ngân sách hiện nay có hạn, khi ngân sách có nhiều hơn thì lại tiếp tục điều chỉnh tiếp. Tôi nghĩ vấn đề này cũng đã được cân nhắc rất nhiều, vì vậy người nghỉ hưu có lễ nên tạm bằng lòng với mức tăng này trong điều kiện hiện nay”, ông Huân lần nữa nhấn mạnh.

Cũng cho rằng tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội là chủ trương đúng đắn, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, dù việc tăng lương hưu là chậm do điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhưng đã phần nào đảm bảo đời sống cho người về hưu, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước năm 1995 đang có mức thấp dưới 2,5 triệu đồng.

Theo ông Lợi, lẽ ra việc tăng lương hưu đã được thực hiện từ năm ngoái, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách nhà nước khó khăn, nên Đảng, Nhà nước quyết định lùi lại, điều này cần sự chia sẻ của những người về hưu.

“Đến nay, Đảng, Nhà nước thấy rằng đây là vấn đề cấp thiết, đặc biệt người về hưu trước năm 1995 với mức lương hưu rất thấp, không đủ sống, không đủ chi tiêu trong gia đình. Đặc biệt, việc tăng lương hưu lần này cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với những người về hưu trước năm 1995”, ông Lợi đánh giá.