Tăng 7,4% lương hưu, nhưng cần quan tâm thêm các đối tượng khác
Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội chính thức tăng thêm 7,4% từ đầu năm 2022. Theo chuyên gia, mức tăng có thể tạo ra sự chênh lệch giữa người có lương hưu cao và người có lương hưu thấp, song đây là mức phù hợp trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay…
Theo quy định tại Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022 lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng chính thức được điều chỉnh tăng thêm 7,4%.
Trao đổi với VnEconomy, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) bày tỏ quan điểm, nếu tăng theo tỷ lệ phần trăm như hiện nay thì sẽ có những người rất thiệt, nhưng với những người có mức lương hưu cao thì sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
“Về cơ bản chính sách này là rất tốt, kịp thời trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc tăng lương hưu vì thế đã trì hoãn khá lâu, do vậy tăng lên là rất đáng quý. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng người về hưu chưa hẳn là nhóm khó khăn nhất, mà khó khăn nhất hiện nay chính là những lao động đang bị mất việc làm và chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19”, bà Hương nhìn nhận.
Theo vị chuyên gia này, việc điều chỉnh tăng lương cho những người hưởng lương hưu là rất cần thiết, nhưng cũng cần để ý đến các nhóm đối tượng khác, đặc biệt là nhóm lao động bị mất việc làm như đã đề cập ở trên. Với nhóm lao động này, bà Hương cho rằng Chính phủ có thể nghiên cứu gói hỗ trợ khẩn cấp cho họ, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, đảm bảo mọi người dân đều có Tết.
Lý giải thêm về quan điểm trên, bà Hương bày tỏ trong năm 2021 cả doanh nghiệp và người lao động đều chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, vì thế rất có thể nhiều doanh nghiệp khó bố trí được một khoản thưởng Tết cho người lao động như các năm.
“Người lao động khó mong chờ có khoản thưởng từ doanh nghiệp, vì vậy cần có chính sách riêng hỗ trợ khẩn cấp cho những đối tượng này, tăng lương cho nhóm nào cũng cần, nhưng rõ ràng người nghỉ hưu chưa phải nhóm khó khăn nhất, cần quan tâm thêm các đối tượng khác”, bà Hương cho biết.
Đánh giá về mức tăng 7,4%, vị chuyên gia cho rằng là phù hợp trong bối cảnh GDP năm 2021 có thể tăng trưởng kém lạc quan. “Trong điều kiện dịch bệnh, cả nền kinh tế đều chịu thiệt hại thì tăng được bao nhiêu cũng rất đáng quý, tôi nghĩ mức này là tương đối rộng rãi, tất nhiên nếu tăng càng cao thì càng tốt, nhưng ngân sách chưa bố trí được thì mức tăng cần nhìn trên tổng thể bối cảnh chung hiện nay”, bà Hương nhấn mạnh.
Còn theo PGS. TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong điều kiện dịch Covid-19 khiến mọi người đều lao đao, nguy cơ lạm phát thì việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng kịp thời sẽ tạo thêm an sinh thu nhập cho người nghỉ hưu.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng. Như vậy vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác, việc nâng số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.