Trong cuốn “Thế giới phẳng – tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21” nổi tiếng của nhà báo Mỹ Thomas L.Friedman, có câu: “Giáo dục mang lại sự phồn vinh giàu có cho một quốc gia, nếu sản sinh ra nhiều kỹ sư, nhà khoa học và toán học”. Và lãng mạn một chút, thì đó phải là ý tưởng để bà thành lập xây dựng trường đại học Thăng Long?
Tôi tán thành giáo dục mang lại sự phồn vinh giàu có cho một quốc gia bằng cách đào tạo ra những con người như vậy. Khi còn trẻ, tôi thích sư phạm rồi lựa chọn khoa Toán để học ở Pháp và cả gia đình đều ủng hộ, chắc bởi họ cũng nghĩ như vậy.
Còn ý tưởng thành lập trường đại học Thăng Long không phải của tôi mà là của giáo sư Bùi Trọng Liễu, dạy ở Đại học Paris. Giáo sư Bùi Trọng Liễu đã viết một bức thư cho bốn người gồm tôi và ba nhà toán học là: giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phan Đình Diệu, giáo sư Nguyễn Đình Trí bàn về chuyện mở trường đại học ở Việt Nam.
Giáo dục Việt Nam lúc đó còn rất nhiều khó khăn. Tôi dạy ở Đại học Sư phạm nên càng thấy rõ đời sống của các thầy, cô phải bươn chải làm thêm nhiều việc mới đảm bảo cuộc sống. Giáo sư Bùi Trọng Liễu nghĩ muốn giữ được chất lượng đào tạo nên thành lập đại học tư nhân, vừa giải quyết khó khăn mưu sinh cho các nhà giáo, vừa tạo cơ hội để sinh viên nghèo vẫn được học đại học.
Ý tưởng thành lập trường đại học của các giáo sư, chỉ rất đơn giản vậy! Lúc đó, tôi cũng nghĩ không phải lo tiền trả lương cho giáo viên lại được tự chủ cải cách giáo dục, giáo trình, giáo án, việc dạy học, việc học trong trường mình mở là thích rồi. Chuyện rất đơn giản thế.
Cho nên, khi Đại học Thăng Long tròn 20 tuổi, trong khuôn viên của trường, chúng tôi đặt phiến đá mang hình ngọn lửa ghi: “20 năm vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, chúng tôi, một số nhà Toán học thuở ban đầu, cùng cộng đồng nhà trường và một đội ngũ kỹ sư đã xây dựng nên ngôi trường mang tên Đại học Thăng Long. Cầu mong nơi đây sẽ sản sinh ra những nhân tài cho sự phồn vinh, hạnh phúc của đất nước”.
Vâng, ý tưởng đơn giản nhưng lại trúng với sự đổi mới của Đảng lúc bấy giờ. Bởi thế nhiều người vẫn nghĩ: Đại học Thăng Long gắn với công sức, tấm lòng của giáo sư Hoàng Xuân Sính, thưa bà?
Mở trường đại học nghĩ đơn giản nhưng khi bắt tay vào mới thấy rất nhiều khó khăn. Cái khó đầu tiên là thời kỳ đó, dù đang bắt đầu đổi mới, nhưng khó có thể nói tới việc mở trường tư trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nói đến “tư thục” ai cũng sợ, cho nên kể từ khi nhận được thư của giáo sư Bùi Trọng Liễu cho đến ba tháng sau, chúng tôi đã họp không biết bao nhiêu cuộc họp, mà vẫn không nghĩ ra cách gì để mình đứng tên làm đơn mở trường.
Giáo sư Bùi Trọng Liễu ở bên Pháp xa xôi thế mà vẫn đau đáu việc mở Trường đại học ở Việt Nam, còn mình thì ở ngay đây mà làm cái đơn cũng sợ là sao? Suy nghĩ đó làm tôi như bị dồn vào chân tường, thế là liều viết đơn đứng tên ký thay cho cả nhóm năm giáo sư gửi lên Bộ trưởng Bộ Đại học xin mở đại học tư thục, và giáo sư Bùi Trọng Liễu cam kết quyên góp, tài trợ, không xin tiền Nhà nước.
Bộ không trả lời. Không còn cách nào khác, mình tiếp tục liều xin gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Tôi gặp và cũng chỉ nói với Tổng bí thư rằng: xin mở trường đại học nhưng không xin tiền Nhà nước. Anh ấy đồng ý và sau đó, ngày15/12/1988 Bộ Đại học (nay là Bộ Giáo dục và Đại học - pv) đã ký giấy phép cho mình mở trường mang tên Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long, mô hình thí điểm đại học.
Ý tưởng loại hình đại học ngoài công lập thành hiện thực, nhưng khi bắt tay vào công việc mới thấy vô cùng có khó khăn. Tiền học phí thu chỉ đủ chi trả cho việc thuê phòng, lương cho người làm hành chính, còn tiền lương giáo viên là nhờ quyên góp từ các giáo sư ở Pháp. Tháng nào bên Pháp gửi về đúng kỳ hạn thì anh em có lương ngay, nếu tháng nào chậm không kịp là phải xin khất nợ…, mỗi tháng lại một cái lo. Sau 3 năm, các thầy ở bên Pháp cũng đến lúc kiệt quệ không thể chu cấp được nữa. Lúc này tôi sợ và hoảng, nếu không còn sự chu cấp nữa thì lấy đâu ra tiền để trả lương cho giáo viên? Không thể tăng tiền học phí. Thế là chẳng có cách gì khác nữa, tôi lại cố gắng đi quyên góp, không phải chỉ quyên riêng các giáo sư người Pháp, Việt kiều ở Pháp nữa mà mở rộng ra các giáo sư, chuyên gia Việt kiều ở Canada, Đức… các tổ chức phi Chính phủ để duy trì trường, lớp.
Bà có rất nhiều cái đầu tiên tầm cỡ và mô hình Đại học Thăng Long cũng là sự tiên phong cho một loạt các trường đại học ngoài công lập ra đời?
Kể từ khi mô hình đại học dân lập Thăng Long thí điểm thành công với kết quả tốt về mặt học thuật, đến nay đã có gần 70 trường đại học ngoài công lập ra đời. Lực lượng này đã thành một cánh chim cùng các trường đại học công nâng con chim đại học Việt Nam bay xa.
Để có hệ thống đại học ngoài công lập tôi lại nhớ đến nỗi kinh hoàng từng phải gánh chịu. Đó là lúc các em học xong, đến lúc phải phát bằng tốt nghiệp. Xin Bộ cấp bằng thì Bộ bảo phải tổng kết xem mô hình thí điểm này thế nào, có đạt yêu cầu chất lượng không, lúc đó mới cấp phát bằng. Khi chúng tôi xin tổng kết thí điểm thì Bộ lại hỏi chưa có quy chế mô hình trường thì dựa vào đâu mà tổng kết? Thế là sóng gió từ phụ huynh, từ dư luận xã hội nổi lên cho rằng trường là bè lũ lừa đảo. Quả thật không có gì khủng khiếp hơn mà tôi phải chịu đựng trong thời gian này, lo sợ hàng đêm phải trả lời điện thoại phụ huynh hỏi chuyện bằng cấp cho con của họ.
Trong “cái khó ló cái may”, lúc đó mấy cán bộ Vụ trưởng của Bộ Đại học mới đưa cho tôi quy chế dân lập, hỏi có hợp với quy chế này không? cần bổ sung thêm gì, rồi yêu cầu tôi ký cam kết. Nhờ đó Bộ đã ban hành quy chế dân lập tạm thời. Dựa vào Quy chế dân lập tạm thời tôi tổng kết, đánh giá. Bộ chấp nhận kết quả và Trường cấp được bằng tốt nghiệp cho mấy khóa liền. Từ quy chế này, ngày 9/8/1994 trường đổi tên thành Trường đại học dân lập Thăng Long. Ngày 31/12/2007 trường chính thức mang tên Đại học Thăng Long.
Bà từng nói ước muốn lãng mạn nhất là xây dựng được một đại học thật sự là đại học. Và bà đưa ra kế hoạch 100 năm trồng nhân tài?
Ngay cả ở những nước có nền kinh tế mạnh, trường đại học của họ cũng phải mất cả trăm năm mới gây dựng được truyền thống và danh tiếng. Những đại học như vậy thường gắn với tên tuổi các giáo sư của trường, vì họ là những người hút các đồng nghiệp nước ngoài đến cộng tác, hút sinh viên giỏi đến học, là nơi có nhiều công trình nghiên cứu khoa học…
Và thế là chúng tôi đưa ra kế hoạch 100 năm để xây dựng Đại học Thăng Long trở thành một đại học thực sự. Đó là bản vạch những dấu mốc từng chặng đường mình biết để phấn đấu mà đi. Kế hoạch của chúng tôi rất rõ ràng, 20 năm đầu là phải xây dựng được cơ sở trường, trong 40 năm phải tiến sĩ hóa được đội ngũ giảng dạy, 40 năm đưa trường vào nghiên cứu khoa học. Bây giờ, bước vào năm thứ 35, nhìn lại thì đúng 20 năm (năm 2008), chúng tôi đã xây dựng được khuôn viên đại học. Chương trình tiến sĩ hóa đã thực hiện được trên 14 năm, và trường tạo điều kiện tốt nhất để các tiến sĩ yên tâm làm việc, cũng như từng bước bước vào công tác nghiên cứu. Để phục vụ cho chương trình này, trong năm vừa qua trường đã đưa ra một dự án theo các nội dung:
Thứ nhất là đổi mới quản trị đại học bằng cách đưa công nghệ thông tin vào để tận sử dụng năng lực nhân sự, giảm biên chế của nhà trường, từ đó đưa thu nhập của lực lượng này lên cao hơn.
Thứ hai, nâng cao chất lượng dạy và học bằng cách kết hợp dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng Elerning cho sinh viên nâng cao tinh thần tự lập trong việc học, suy nghĩ hướng tới tham gia nghiên cứu.
Thứ ba, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học bằng cách mở hai viện nghiên cứu là: Viện toán học và khoa học công dụng (TIMAS); Viện giáo dục và nhận thức (TICES) để làm các đề tài nghiên cứu cấp bộ, đề tài cấp Nhà nước theo lĩnh vực nghiên cứu. Ngoài ra, Đại học Thăng Long còn chú ý ra một tờ tạp chí rất chất lượng, có tác giả của nước ngoài gửi bài đăng, đồng thời chúng tôi cũng đưa ra chương trình gắn việc đào tạo với các doanh nghiệp một cách bài bản…
Câu chuyện trăm năm là như vậy, phải có các dự án từng giai đoạn để phục vụ nó… Và lực lượng trẻ thế hệ con, cháu mình phải nhận thức rõ ràng tinh thần, tầm nhìn học thuật của thế hệ trước để tiếp bước con đường 100 năm này.
VnEconomy 21/01/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam