13:23 16/01/2023

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục

Đỗ Như

Cử tri tỉnh Nam Định phản ánh, hiện nay, các quy định về tuyển sinh địa học ngày càng phức tạp, thay đổi hàng năm. Do đó, cử tri đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, khắc phục tình trạng trên...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng được cụ thể hóa bằng quy chế tuyển sinh và các năm qua về cơ bản giữ ổn định, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật và cập nhập các quy định của văn bản quy phạm cấp trên và quy định của Chính phủ.

NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Cụ thể, công tác tuyển sinh đại học năm 2022 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây, đồng thời có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.

Toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Hệ thống này kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây cũng là một phần nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 06/QĐ-TTg.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết điểm sàn do các cơ sở đào tạo công bố. Tất cả nguyện vọng của thí sinh trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) được xử lý tập chung trên hệ thống để xác định ngành và trường mà thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

Những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại các kết quả tích cực. Theo đó, thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.

Các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các cơ sở đào tạo tuyển được số lượng sát hơn chỉ tiêu đã công bố.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả các cơ sở đào tạo, phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.

Kết thúc tuyển sinh đợt 1 vào ngày 30/9/2022, số liệu thí sinh trún tuyển và nhập học thể hiện kết quả rất khả quan. Số lượng thí sinh trúng tuyển đợt 1 là 567.000, tỷ lệ trúng tuyển đạt trên 91% (tính trên 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển), số thí sinh xác nhận nhập học là 464.000, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt xấp xỉ 82% (tính trên số thí sinh trúng tuyển). Đây đều là những con số cao hơn hẳn so với các năm gần đây.

Trong số 224 cơ sở đào tạo đầu mối, 149 cơ sở đào tạo (65,4%) có tỉ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số thí sinh nhập học của toàn quốc. Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu, 42 cơ sở đào tạo đã tuyển được từ 50% đến 80% chỉ tiêu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, trong quá trình triển khai có phát sinh một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ (như việc thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển, khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến).

Tuy nhiên, Bộ đã chỉ đạo khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng tới quy trình và kết quả xét tuyển. Nhìn tổng thể, có thể coi hệ thống tuyển sinh năm nay là một ví dụ tiêu biểu, đột phá cho chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và chính sách tuyển sinh, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO TRƯỜNG HỌC

Cử tri cũng cho rằng, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn cơ sở vật chất và phòng học bộ môn của các cơ sở giáo dục tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và số 14/2020/TT-BGDĐT cùng ngày 26/5/2020 chưa phù hợp với thực tế và không khả thi, do ngân sách của địa phương không đáp ứng được.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, điều chỉnh các quy định tại 2 Thông tư trên để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương và đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai, thực hiện.

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, để có không gian học tập tốt và an toàn trường học, Bộ đề nghị các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng, thường xuyên cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học. Định hướng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia phù hợp chiến lược phát triển và điều kiện kinh tế. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học. Đảm bảo quỹ đất cho các cơ sở giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục và đào tạo.

Tiếp thu nội dung kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ lấy ý kiến của các địa phương về những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 14/2020/TTBGDĐT và sẽ tiến hành nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với từng vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Thực hiện Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT).

Mục đích nhằm xác định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; xác định mức độ đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất để công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục.

Theo đó, tiêu chuẩn cơ sở vật chất được quy định nhiều mức độ khác nhau để các đơn vị lập kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất trường học phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương.

Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông là cụ thể hóa về kỹ thuật, thiết bị dạy học một số phòng học chức năng, nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, thí nghiệm cho học sinh phổ thông, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.