Khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực - Ảnh 1
Khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực - Ảnh 2

Khi nhắm tới mục tiêu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là một ứng cử viên sáng giá đáp ứng được mọi nhu cầu tăng trưởng của Lego tại châu lục này. Về nguồn nhân lực, lao động tay nghề cao ở Việt Nam hiện nay đã thỏa mãn được các yêu cầu của Lego.

Sau khi lựa chọn Việt Nam, bước tiếp theo là tìm kiếm một tỉnh thành phù hợp nhất để đầu tư, xây dựng nhà máy. Qua nhiều bước khảo sát, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, Lego quyết định chọn Bình Dương bởi địa phương này có những lợi thế nổi trội hơn so với các tỉnh, thành khác. Đặc biệt, Bình Dương có đủ nguồn lao động đã qua đào tạo để có thể đáp ứng những nhu cầu sản xuất công nghệ cao như nhà máy Lego đang xây dựng. Không phải ngẫu nhiên mà Bình Dương vượt qua hàng loạt các tỉnh, thành khác của Việt Nam để thu hút được một dự án FDI “xanh” như nhà máy của Lego.

Từ nhiều năm qua, bên cạnh việc đầu tư mạnh để phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đã âm thầm chuẩn bị, đề ra những chiến lược hành động cụ thể để có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bình Dương lần thứ XI đặt ra yêu cầu: “Phát triển nguồn lao động có tay nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 35% (tăng trung bình 1%/năm). Hàng năm, giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 35.000 lao động”.

Khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực - Ảnh 3

Cùng với đó, Bình Dương đầu tư xây dựng các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh trở thành trường chất lượng cao, đào tạo đa ngành nghề, trong đó có các nghề trọng điểm chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia và các ngành, nghề để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng chính sách ưu đãi cho người học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề để thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.

Là doanh nghiệp được tỉnh Bình Dương giao thực hiện Đề án Thành phố thông minh, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương, Becamex đã đề ra nhiều chiến lược phát triển nguồn nhân lực, với phương châm “lấy con người là trọng tâm, mỗi người dân là một nhà đầu tư, làm sao để giữ chân được nhân lực là điều cốt yếu”.  Becamex đã tập trung phát triển Đại học Quốc tế miền Đông, đầu tư và tạo điều kiện để hỗ trợ sinh viên đi theo hướng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhằm cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao cho phát triển công nghiệp. Trường cũng sẽ trở thành trung tâm tri thức và đầu mối chuyển giao công nghệ tại tỉnh.

Hiện tại, Becamex đã và đang hoàn thiện Trung tâm khởi nghiệp và sản xuất tiên tiến Becamex. Đây sẽ là không gian đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp. Ngoài ra, thời gian tới, Becamex cũng đang hướng đến xây dựng một số dự án trọng điểm như sẽ phát triển Trung tâm công nghiệp 4.0 Việt Nam – Singapore; Trung tâm năng lượng bền vững; Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương…

Khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực - Ảnh 4

Việc thành công trong đào tạo, nâng cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tại Bình Dương không phải câu chuyện cá biệt. Thực tế, tại Việt Nam nhiều địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… cũng đang nỗ lực để có được lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề, kinh nghiệm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.

Khi nguồn nhân lực được đáp ứng, cơ sở hạ tầng được đảm bảo, việc các doanh nghiệp lớn tìm đường tới Việt Nam là điều dễ hiểu. Năm 2022, tại Bắc Giang, Tập đoàn Foxconn cũng đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG) để thuê thêm 50,5 ha đất xây nhà máy mới. Sau khi hoàn thành nhà máy mới của Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu, doanh nghiệp sẽ tuyển thêm khoảng 30.000 lao động vào làm. Việc ký hợp đồng thuê thêm 50,5 ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu giữa Tập đoàn Foxconn với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG) diễn ra đúng vào thời điểm một số báo nước ngoài đưa tin về việc Tập đoàn Apple dịch chuyển các nhà máy sản xuất sản phẩm Macbook, Apple Watch từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tập đoàn Foxconn hiện là doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn nhất tại Khu công nghiệp Quang Châu. Tổng vốn đầu tư của Foxconn vào khu công nghiệp này những năm qua đạt khoảng 773 triệu USD.

Một doanh nghiệp nước ngoài khác là Samsung đã có kế hoạch đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam. Một phần của khoản đầu tư này đã được hiện thực hóa, bao gồm 1,187 tỷ USD cho nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên và 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC - SEHC. Tại Việt Nam, Samsung có 6 nhà máy và đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển. Samsung đã đầu tư hơn 17,7 tỷ USD vào Việt Nam và hiện có 110.000 cán bộ, nhân viên.

Tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố cũng đang thực hiện nhiều giải pháp, nâng cấp nhiều cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có cả giải pháp hợp tác với những doanh nghiệp lớn trong nước.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, cho biết hiện nay, Đà Nẵng có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy.

Trong số các trường đại học, cao đẳng, có 17 trường đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, 13 trường đào tạo các chuyên ngành (điện tử - viễn thông,  cơ điện tử, tự động hóa, tin học thống kê, tin học xây dựng,...).

Khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực - Ảnh 5

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc FPT City cho biết, khối giáo dục của FPT đang gặt hái những kết quả ấn tượng, hiện có hơn 16.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại các đơn vị giáo dục của FPT ở Đà Nẵng.

Tập đoàn này cũng đang thực hiện theo đúng cam kết, đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các dự án theo kế hoạch trên địa bàn thành phố. Trong năm 2023 sẽ hoàn thiện dự án F-Complex, tiếp tục xây dựng các tòa chung cư FPT Plaza với chính sách ưu đãi cho cán bộ, nhân viên nhằm thu hút nguồn lực về với Đà Nẵng. Mục tiêu của Tập đoàn là tới năm 2024 sẽ có 10.000 kỹ sư công nghệ thông tin, lập trình viên làm việc tại Đà Nẵng.

Mặc dù một số tỉnh, thành lớn trong những năm vừa qua đã đạt những kết quả tương đối ấn tượng về đào tạo nguồn nhân lực, nhưng trên bình diện chung của cả nước, Chính phủ vẫn cho rằng các địa phương và ngành lao động còn rất nhiều việc phải làm.

Theo báo cáo “Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp” của Bộ Kế hoạch và đầu tư, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Đây là kết quả thể hiện thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc nỗ lực phấn đấu nâng cao năng suất lao động.

Ngày 14/4 vừa qua, tại Hòa Lạc, trong buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, từ Đại hội XI của Đảng, chúng ta đang thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, tùy điều kiện, hoàn cảnh đất nước qua từng giai đoạn và trong nhiệm kỳ này, các đột phá chiến lược được thúc đẩy rất mạnh mẽ.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện các trụ cột phát triển, đối ngoại và hội nhập nói trên đều liên quan mật thiết, tác động sâu sắc tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta vừa kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, vừa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu các thành tựu, đi theo các xu thế mới của thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Đào tạo nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực để chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước tới năm 2030, năm 2045. Đào tạo nhân lực vừa có tính chất bao trùm, phổ cập, toàn diện, xuyên suốt, vừa có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành mũi nhọn; phải kết hợp cả hai hướng này thì chúng ta mới có thể phát triển nhanh và bền vững”.

Khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực - Ảnh 6

VnEconomy 01/05/2023 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2023 phát hành ngày 01-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực - Ảnh 7