17:37 21/11/2022

Không dựa vào ngân sách, cần ưu đãi riêng "hút" doanh nghiệp kinh doanh cảng thủy nội địa

Anh Tú

Đến năm 2030, vốn đầu tư công nâng cấp kết cấu hạ tầng, khai phá tiềm năng hệ thống đường thủy nội địa gần 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì chỉ dựa vào vốn ngân sách, để phát triển phương thức vận tải này, cần cơ chế và ưu đãi riêng để khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn kinh doanh cảng thủy nội địa...

 Phương thức vận tải thủy đảm nhận khoảng 20% tổng sản lượng hàng hoá vận chuyển.
Phương thức vận tải thủy đảm nhận khoảng 20% tổng sản lượng hàng hoá vận chuyển.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị "Đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc".

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu nhấn mạnh về tiềm năng, lợi thế của phương thức vận tải thủy. Đặc biệt, với việc chiếm khoảng 20% tổng sản lượng vận chuyển của các phương thức vận tải, phương thức vận tải thủy hiện đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hoá.

Tuy nhiên, "kết quả phát triển của lĩnh vực đường thủy nội địa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà nguyên nhân chủ yếu là do tính liên kết vùng, liên kết ngành, liên kết giữa các phương thức vận tải còn yếu", ông Thu phân tích.

Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa còn rất hạn chế, vận tải thủy nội địa những năm qua chủ yếu vẫn tận dụng lợi thế tự nhiên.

 
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

"Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng số vốn đầu tư toàn ngành giao thông vận tải, trong khi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa còn hết sức manh mún, quy mô rất hạn chế", Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa thông tin.

Để phát huy được các ưu thế của vận tải đường thủy nội địa, nhất là vận tải hàng hóa, container, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam, cho rằng phải đầu tư hạ tầng, phương tiện. 

Riêng đối với đầu tư hạ tầng, vẫn phải bố trí nguồn vốn ngân sách tương xứng, đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phải đầu tư đồng bộ hóa để khai thác hiệu quả toàn tuyến vận tải. Đồng thời, đầu tư hạ tầng kết nối với các phương thức vận tải khác.

Bên cạnh đó, "để huy động vốn ngoài ngân sách, cần có chính sách, cơ chế ưu tiên, ưu đãi riêng cho lĩnh vực đường thủy nội địa để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư", ông Hải nhấn mạnh.

Đồng ý quan điểm trên, theo Cục trưởng Bùi Thiên Thu, để tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy vận tải thủy nội địa, cần tập trung vào giải quyết một số nội dung như vốn đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa, trong đó đầu tư đầu tư công có vai trò dẫn dắt, thu hút đầu tư tư.

Theo đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa công như luồng tuyến, nâng tĩnh không cầu… Còn nguồn vốn đầu tư tư nhân tập trung vào bến, bãi, cảng bến, phương tiện…

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm dành quỹ đất cho phát triển cảng thủy nội địa, các ICD, bố trí các điểm thông quan, các thủ tục liên quan đến đê điều, phí hạ tầng cảng biển của các địa phương...

Bên cạnh đó, cần thiết nghiên cứu, đánh giá, trường hợp cần thiết có thể đề xuất mô hình tổ chức quản lý phù hợp đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, khắc phục được một số bất cập hiện nay.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường và duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp, hiệp hội để nắm bắt kịp thời những bất cập, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy ngành đường thủy nội địa phát triển, đóng góp xứng đáng hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Dự báo vận tải hàng hóa, hành khách bằng phương thức vận tải thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho thấy hoạt động vận tải thủy nội địa sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng bình quân cao trong giai đoạn sắp tới, ước tính vận tải hàng hóa tăng trưởng bình quân 8,65%/năm, đặc biệt là hoạt động vận tải container kết nối với hệ thống cảng biển lớn. 

Đến năm 2030, vốn đầu tư công để nâng cấp kết cấu hạ tầng, khai phá tiềm năng hệ thống đường thủy nội địa lên 24.716 tỷ đồng, tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa công cộng như luồng tàu, công trình chỉnh trị, báo hiệu, âu tàu, đập dâng nước… phục vụ đồng thời cho nhiều tuyến vận tải.. Còn 39 cụm cảng hành khách và 54 cụm cảng thủy hàng hóa được kêu gọi đầu tư tư nhân.