10 tháng, vận tải khách đua nhau bùng nổ nhưng mới hồi phục khoảng 70% trước dịch
Hoạt động vận tải trong tháng 10 tăng trưởng tích cực, cả về vận tải hành khách và hàng hóa, trong đó, vận tải khách đường hàng không và đường sắt tiếp tục đua nhau bùng nổ. Dù vậy, vận tải khách mới hồi phục được khoảng trên 70% so với mức trước dịch...
Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy hoạt động vận tải trong tháng 10 tăng trưởng tích cực, cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trong tháng 10, vận chuyển hành khách tăng mạnh, gấp 2,7 lần cùng kỳ và luân chuyển hành khách gấp 3,8 lần; còn vận chuyển hàng hóa tăng trưởng tích cực 32,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 40,1%.
Cụ thể, vận tải hành khách tháng 10 ước đạt 296,4 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,5% so với tháng trước và luân chuyển 14,4 tỷ lượt khách.km, tăng 0,3%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 44,9% và luân chuyển tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2022, vận tải hành khách ước đạt 3.086,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 27,4%) và luân chuyển đạt 146,1 tỷ lượt khách.km, tăng 68,8% (cùng kỳ năm trước giảm 34,7%).
Trong đó, vận tải trong nước đạt 3.083,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước và 134,5 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 56%; vận tải ngoài nước đạt 3,5 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 33,1 lần và 11,6 tỷ lượt khách.km luân chuyển, gấp 30,1 lần cùng kỳ năm trước.
Phân chia theo ngành, vận tải hàng không và đường sắt chịu tác động tiêu cực nhất từ đại dịch nhưng tăng trưởng bùng nổ nhất. Trong đó, vận tải hành khách bằng đường hàng không đạt 42,9 triệu khách, tăng mạnh 215,6% so với cùng kỳ. Còn vận tải khách bằng đường sắt đạt 3,7 triệu khách, tăng trưởng 187,1%.
Dù vận tải hành khách mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng sản lượng vận chuyển 10 tháng năm nay chỉ bằng 73,8% và luân chuyển bằng 71,2% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vận tải hàng hóa tháng 10 ước đạt 172,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 0,8% so với tháng trước và luân chuyển 39,7 tỷ tấn.km, giảm 1,8%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, vận tải hàng hóa ước đạt 1.644,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 7,1%) và luân chuyển 359,6 tỷ tấn.km, tăng 32,6% (cùng kỳ năm trước giảm 0,8%).
Trong đó, vận tải trong nước đạt 1.608,4 triệu tấn vận chuyển, tăng 23,5% và 219,3 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 50,7%; vận tải ngoài nước đạt 35,7 triệu tấn vận chuyển, tăng 33,6% và 140,3 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 11,6%.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc nên nhu cầu vận tải hàng hóa trong và ngoài nước 10 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ các năm trước.
Để tạo đà tăng trưởng và thuận lợi cho vận tải hàng hoá và hành khách thời gian tới, báo cáo tại cuộc họp giao ban tháng 10 vừa qua, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết về công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải, Bộ đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông đường thủy nội địa và triển khai phê duyệt Đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các giải pháp nâng cao hoạt động vận tải, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý, điều hành giá; chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền.
Về kế hoạch hai tháng cuối năm, bên cạnh việc hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án theo kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan tiếp tục theo dõi, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid- 19, Bộ Y tế để triển khai mạnh mẽ, nghiêm túc các giải pháp tổ chức vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân; thực hiện điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm, không hiệu quả sang những dự án có tốc độ giải ngân nhanh; xử lý các tồn đọng trong công tác quyết toán các dự án, để hoàn thiện đồng bộ các dự án hạ tầng giao thông, giúp hoạt động vận tải được nâng cao và giao thông thông suốt.