Kinh tế Mỹ "hụt hơi" nhưng lạm phát cao hơn dự báo
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm mạnh trong quý 1 năm nay, khi lãi suất tăng cao và lạm phát dai dẳng ở mức cao gây áp lực. Giới phân tích dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới còn giảm tốc thêm nữa trong thời gian tới...
Báo cáo ngày 27/4 từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 1,1% trong 3 tháng đầu năm năm ngoái. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng 2%.
Trước đó, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,6% trong quý 4/2022 và tăng 2,1% trong cả năm ngoái.
Báo cáo cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng và dùng làm một căn cứ quan trọng cho chính sách tiền tệ, của tăng 4,2% trong quý 1, vượt xa mức dự báo là tăng 3,7%. Không tính giá năng lượng và lương thực-thực phẩm, PCE lõi tăng 4,9%, so với mức tăng 4,4% ghi nhận trong kỳ trước đó.
“Người dân vẫn chi tiêu cho dù giá cả tăng lên. Nhìn chung, tôi cho rằng báo cáo này cho thấy nền kinh tế vẫn đang vững dù số liệu GDP suy yếu. Những dấu hiệu cho thấy nhu cầu còn mạnh và giá cả vẫn tăng đã được thể hiện rõ ngày hôm nay”, chuyên gia kinh tế Veronica Clark của Citigroup nhận định.
Giống như hầu hết các nhà dự báo khác ở Phố Wall, Citi dự báo nền kinh tế Mỹ rốt cục sẽ rơi vào suy thoái, nhưng bà Clark cho rằng thời điểm xảy ra suy thoái là khó xác định. “Nhiều người đã kỳ vọng nền kinh tế giảm tốc thêm nhiều ở thời điểm hiện nay, nhưng chúng ta đang có những dấu hiệu cho thấy tình hình chưa tới mức như vậy. Bởi thế, có vẻ như chúng ta sẽ không rơi ngay vào suy thoái. Tôi cho rằng số liệu quý 1 đã giúp khẳng định điều đó, nhất là khi tiêu dùng vẫn còn mạnh”, vị chuyên gia nói.
Báo cáo cho thấy tiêu dùng tăng 3,7% trong quý 1 và xuất khẩu tăng 4,8%. Tổng đầu tư trong nước của khu vực kinh tế tư nhân giảm 12,5%.
“Nền kinh tế Mỹ có thể đang ở vào một giai đoạn mang tính chất bước ngoặt, vì tiêu dùng đã yếu đi trong những tháng gần đây. Bản chất phản ánh những gì đã xảy ra của báo cáo GDP có thể gây ra những sự hiểu sai lệch trên thị trường, vì người tiêu dùng vẫn chi tiêu mạnh trong tháng 1, nhưng từ tháng 3 trở đi họ đã giảm bớt chi tiêu và ngày càng trở nên bi quan hơn về tương lai”, chuyên gia kinh tế trưởng Jeffrey Roach của LPL Financial nhận định.
Số liệu khác công bố ngày 27/4 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 22/4 là 230.000 đơn, giảm 16.000 đơn so với tuần trước đó và thấp hơn con số dự báo 249.000 đơn.
Báo cáo GDP được đưa ra trong bối cảnh Fed tìm cách hạ nhiệt nền kinh tế để khống chế lạm phát. Sau khi lên ngưỡng 9%, cao nhất hơn 4 thập kỷ, vào mùa hè năm ngoái, lạm phát ở Mỹ đã giảm gần đây nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed bắt đầu vào tháng 3/2022 và đến nay ngân hàng trung ương này đã có 9 đợt tăng lãi suất liên tiếp, với tổng mức tăng 4,75%, đưa lãi suất cơ bản đồng USD lên mức cao nhất gần 16 năm. Dù vậy, giới chức Fed nói lạm phát vẫn còn quá cao và đòi hỏi tiếp tục tăng lãi suất.
Gần đây, nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng, khi 3 nhà băng khu vực lần lượt sụp đổ trong tháng 3 và một ngân hàng khác đang lung lay. Giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ không làm lây lan rủi ro trong toàn hệ thống tài chính, nhưng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian tới vì sẽ khiến dòng chảy tín dụng thắt lại. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất và tình trạng thắt chặt tín dụng được dự báo sẽ là những yếu tố đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Dù vậy, tiêu dùng trong nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững và được dự báo sẽ duy trì nhờ lượng tiền tiết kiệm lớn của người dân. Cùng với đó, thị trường việc làm mạnh, với tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3,5%, là một nhân tố quan trọng khác hỗ trợ tăng trưởng. Bởi vậy, nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, nhiều khả năng đó sẽ là một cuộc suy thoái ngắn và nông.