“Năm 2023, là một năm rất khó khăn với doanh nghiệp dệt may khi không có đơn hàng để duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp phải ký nhiều đơn hàng với giá thấp, nhận những đơn hàng nhỏ và khó nhưng đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh…
Năm 2024 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng do quá trình phục hồi kinh tế thế giới vẫn còn chậm, nhu cầu về hàng hóa chưa cao.
Trong bối cảnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh được coi là một trong những yếu tố quan trọng để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư tư nhân vào tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Nghị quyết 02/NQ-CP với các mục tiêu, giải pháp ngày càng cụ thể, là một công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó cải thiện môi trường kinh doanh được coi là gói hỗ trợ ít tốn kém nhất.
Doanh nghiệp mong đợi được gấp rút tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; tập trung tín dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên mới như đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt của dệt may… tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản xuất. Đồng thời mở ra các cơ chế thu hút các dự án dệt, nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; chuyển đổi số, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may,...
Nghị quyết đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng chiến lược xanh hoá, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái.
Năm nay, doanh nghiệp cũng kỳ vọng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Bộ Tài chính và địa phương sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó tạo thuận lợi và gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp.
Để thực hiện thành công Nghị quyết, tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương. Các ngành đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính,...
Mong rằng với những chủ trương và quyết sách đúng đắn mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện, môi trường kinh doanh sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm 2024 và tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh trong xã hội”.
“Trong bối cảnh cạnh tranh diễn ra khốc liệt ở cả môi trường trong nước lẫn khu vực, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, vốn, nguồn lao động và nguyên, vật liệu... Trong đó, những khó khăn liên quan tới thể chế, chính sách pháp luật là những khó khăn khiến doanh nghiệp mất niềm tin nhất.
Qua nhiều năm nghiên cứu về môi trường kinh doanh, tôi nhận thấy có 4 nhóm khó khăn mà doanh nghiệp đang hoặc sẽ phải đối mặt.
Thứ nhất, những vướng mắc pháp lý đã được nhận diện, trong đó có vướng mắc đã được giải quyết, một số vướng mắc vẫn đang trong quá trình giải quyết và cần thời gian để xử lý dứt điểm.
Thứ hai, những vướng mắc pháp lý chưa được nhận diện dù trên thực tế doanh nghiệp đã gặp phải.
Thứ ba, những quy định mới được ban hành có thể tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp hơn mức cần thiết.
Thứ tư, các chính sách thương mại toàn cầu ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp như thuế tối thiểu cầu, thuế carbon với một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Do vậy, việc ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP nhằm xóa bỏ những khó khăn hiện hữu cũng như tiềm ẩn để khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế. Bởi khi môi trường kinh doanh được cải thiện, rào cản được dỡ bỏ, những vướng mắc, gánh nặng thủ tục, chi phí được giảm bớt thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Đồng thời, khi môi trường kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ gia tăng.
Hơn nữa, việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh sau thời gian thực hiện các chương trình cải cách thì tư duy cải cách, kiến thức cải cách, năng lực cải cách, ý thức cải cách ở các cơ quan có liên quan được nâng lên. Cùng với đó, với những thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ, Nghị quyết 02 sẽ khơi lại niềm tin kinh doanh trong khu vực doanh nghiệp.
Với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Nghị quyết 02 sẽ giải quyết trực tiếp và trực diện các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Tuy vậy, kỳ vọng của doanh nghiệp với Nghị quyết 02 là rất lớn. Bởi không chỉ giải quyết những vướng mắc pháp luật đang gây đình trệ hoạt động kinh doanh, mà hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, những thay đổi có thể tạo sự thuận lợi hơn cho doanh nghiệp để phục hồi và bứt phá mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Với những khó khăn mà chúng ta đã nhận diện mà không xử lý được thì không những gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo ra những hệ lụy cho nền kinh tế, kìm hãm tăng trưởng. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi Chính phủ phải hành động nhanh hơn, chắt chiu những cơ hội cho doanh nghiệp phát triển khi cạnh tranh giữa các quốc gia ngày một gay gắt.
Theo lẽ đó, để Nghị quyết 02 được triển khai có hiệu quả, việc thực thi phải thực chất hơn và cần có sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách, tránh tình trạng “âm thầm” ban hành. Đặc biệt, việc soạn thảo, ban hành chính sách riêng lẻ cần được đặt trong Nghị quyết 02 để cân nhắc nhiều chỉ số tác động tới doanh nghiệp”.
“Tôi cho rằng đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách bằng việc bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá.
Bởi thực tế, các quy định về kỷ luật công vụ và trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành hiện nay trong việc thực thi các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao còn khá hời hợt, chưa cụ thể, dẫn đến nhiều quy định bất cập, tác động rất lớn đến doanh nghiệp, mặc dù đã được Chính phủ chỉ đạo xử lý trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm.
Chẳng hạn, một trong số các quy định ảnh hưởng kéo dài và nặng nề nhất đến doanh nghiệp thực phẩm, đó là vướng mắc tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Bất cập này đã kéo dài dai dẳng gần 7 năm, kể từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đã và đang từng ngày phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, tổn thất từ việc yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải bổ sung i-ốt vào muối và bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm.
Yêu cầu này đang đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro, không đúng với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế; đặc biệt quy định này thậm chí gây nguy hiểm sức khỏe.
Chúng tôi đã liên tục và nhiều lần có kiến nghị Chính phủ về việc sửa đổi quy định này. Theo đó, ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ- CP và chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng: bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Ngày 26/6/2018, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch số 618 sửa đổi Nghị định 09, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa triển khai việc sửa đổi Nghị định này.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/2018/NQ-CP được ban hành. Tuy nhiên, trong kế hoạch 202 mới đây của Bộ Y tế đã không nhắc đến nội dung này. Việc trì hoãn và kéo dài sửa đổi gây cho doanh nghiệp rất nhiều tổn thất. Tình trạng này đang ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp đối với các chính sách và hiệu lực quản lý của Chính phủ.
Với những khó khăn dai dẳng từ thị trường, cộng thêm những chi phí phát sinh trong việc tuân thủ các quy định, thủ tục hành chính, phần đông những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang ở trạng thái ít có cơ hội phục hồi.
Do đó, quá trình thực thi Nghị quyết 02 cần phải bám sát kết quả triển khai từng nội dung của từng bộ ngành được giao, những quy định nào đã có chỉ đạo thì bắt buộc phải làm ngay, thời gian nào hoàn thành và đến hạn mà không hoàn thành thì phải có biện pháp xử lý người đứng đầu. Phải làm sao tăng hiệu quả đôn đốc, giám sát và xử lý để mỗi cán bộ công chức, bộ ngành phải tận lực hỗ trợ, xử lý và xem lợi ích của doanh nghiệp, người dân như là lợi ích cho chính mình, thì việc thực thi Nghị quyết mới hiệu quả”.
“Từ năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp ngành sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như đơn hàng giảm, chi phí nhân công tăng cao do trình độ thấp; máy móc, thiết bị hiện đại của các doanh nghiệp còn hạn chế nên chưa tạo được sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, áp lực về các khoản tín dụng ngày càng lớn, chi phí bảo hiểm thất nghiệp và các khoản phúc lợi xã hội cho công nhân do bị cắt giảm ngày càng tăng. Mặt khác, cùng với những biến động liên tục của thị trường thế giới, việc duy trì một nhóm khách hàng cố định, tập trung chuyên biệt vào một kênh bán hàng duy nhất khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế “tự lấy dây buộc mình”.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về “Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024” ngay trong tháng đầu năm là rất thiết thực, kịp thời nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo của doanh nghiệp.
Đối với ngành gỗ, đầu tư cũng là cách thức duy nhất để giải phóng lao động thủ công, giảm nhân lực và chi phí hành chính nhằm đạt được mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh hiệu quả. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, bao gồm: sản phẩm tốt, giao hàng nhanh, giá bán rẻ, an toàn môi trường… đang trở thành một đòi hỏi tất yếu, cần khẩn trương thực hiện.
Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ của cả nước đạt mức 20 tỷ USD vào năm 2025, cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chủ quản, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản; cùng với đó cần tăng cường các hoạt động xúc tiến giao thương tìm kiếm thị trường mới,… đẩy mạnh đầu tư liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh Bình Dương đã và đang lấy sản xuất xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Theo đó, các doanh nghiệp đã liên tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Năm 2024, những thách thức mới về thị trường liên quan đến sản xuất xanh cũng sẽ giúp ngành chế biến gỗ của tỉnh phát triển theo chiều hướng tích cực, bền vững hơn. Các doanh nghiệp gỗ đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng công nghệ, chủ động nguồn nguyên liệu, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tìm cách tiếp cận với những thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu”.
“Vướng mắc lớn nhất đối với đăng ký xe cơ giới hiện nay được quy định tại Thông tư 24 là phải đăng ký theo trụ sở của bên cho thuê tài chính, trong khi các công ty cho thuê tài chính hội viên đều có trụ sở tại Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh nên nảy sinh nhiều bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.
Đó là khách hàng phải di chuyển lượng lớn xe từ các địa phương về hai thành phố trên, phát sinh nhiều chi phí: chờ đợi nhiều ngày (kéo dài thêm từ 3-5 ngày làm việc); phí biển số xe ở hai thành phố lớn 20 triệu đồng/xe (trong khi nếu đăng ký tại tỉnh chỉ là 1- 2 triệu đồng/xe); lệ phí trước bạ tại Hà Nội là 12%, trong khi các tỉnh là 10%.
Khách hàng ở tỉnh muốn bán xe cho công ty cho thuê tài chính và thuê lại theo biển số mới đăng ký theo nơi đóng trụ sở công ty cho thuê tài chính ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải chờ đợi 30 ngày không hoạt động, gây thiệt hại lớn về doanh thu và hiệu quả. Trong khi đó, cơ quan đăng ký không thể bố trí người đi địa phương kiểm tra thực tế, cà số nên phát sinh thêm chi phí di chuyển xe về nơi đăng ký 3-10 triệu đồng/xe. Đồng thời, việc di chuyển xe về nơi đăng ký đã làm cho số lượng xe dồn về Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lớn, kéo dài thêm thời gian chờ đợi từ 7-21 ngày…
Thống kê sơ bộ từ 4 Công ty Hội viên: Vietcombank Leasing; BIDV- sumi Trust; ACB Leasing; Sacombank Leasing đã cho thấy những vướng mắc trên đây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cho thuê tài chính của các công ty, cụ thể 76 hợp đồng cho thuê tài chính bị khách hàng hủy bỏ không tiếp tục thực hiện và tổng số tiền đã ký hợp đồng nhưng không thể giải ngân của 4 công ty trên trên là 425,3 tỷ đồng;
Từ những vướng mắc trên đây, Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam đề nghị Bộ Công an xem xét có chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ đối với việc đăng ký xe cho thuê tài chính theo hướng cho phép đăng ký xe cho thuê tài chính theo địa chỉ của bên thuê sẽ giải quyết được hầu hết những vướng, mắc kể trên.
Trước mắt, khi chưa sửa được Thông tư 24 để cho phép xe thuê tài chính đăng ký kinh danh theo địa phương, đề nghị Bộ thực hiện cơ chế ủy quyền cho cơ quan đăng ký các địa phương được thực hiện việc kiểm tra thực tế và cà số xe chuyển kết quả theo bưu điện chuyển phát nhanh để hỗ trợ cơ quan đăng ký ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vừa rút ngắn thời gian chờ đợi, vừa tiết kiệm chi phí đối với khách hàng thuê tài chính…
Tôi từng làm chính sách ở Ngân hàng Nhà nước, nên chia sẻ áp lực công việc với các bộ, ban, ngành, nhưng cũng thấy cần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cần yêu cầu các ban soạn thảo báo cáo rõ việc tham vấn ý kiến, tổ chức hội thảo, đánh giá số lượng, chất lượng, nếu không đo lường được bằng những chỉ số cụ thể, để tránh đưa ra những quy định gây khó cho việc triển khai của doanh nghiệp”.
“Đến nay, cả nước đã có 407 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích gần 125.000 ha. Trong số các khu công nghiệp được thành lập, có hơn 290 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, số còn lại đang trong quá trình xây dựng.
Để bắt kịp với xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các khu công nghiệp đã từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế - xã hội và môi trường. Điểm mới của Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế là đã đưa ra khái niệm về khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp xanh; nêu ra yêu cầu “xanh hơn” hay “sạch hơn”, hay sự tương tác giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để sử dụng nguyên liệu, phế liệu, phế thải… một cách hiệu quả, nhưng các quy định này còn khá mơ hồ, thiếu các chế định hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp phải tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án cụ thể hoặc của tổng thể khu công nghiệp đó. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi khi thay đổi mục tiêu hay quy mô dự án đầu tư, các doanh nghiệp phải lập và xin thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư thuê lại đất trong khu công nghiệp thuộc trường hợp phải được Hội đồng thẩm định do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập phê duyệt lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy trình này có khi kéo dài khiến doanh nghiệp vừa mất thời gian, vừa mất chi phí và cơ hội kinh doanh.
Điều này vô hình chung đang gây khó cho các khu công nghiệp truyền thống muốn chuyển đổi sang các khu công nghiệp kiểu mới là các khu công nghiệp xanh hay khu công nghiệp sinh thái. Sự chuyển đổi này thậm chí còn khó khăn hơn nhiều so với việc xây dựng những khu công nghiệp kiểu mới với những quy định đặc thù ngay từ ban đầu. Hơn nữa, việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp kiểu mới còn được hưởng những ưu đãi chính sách ưu đãi.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này, nhưng cần xác định mục tiêu cuối cùng của việc tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường là đạt được sản phẩm cuối cùng xanh hơn và sạch hơn chứ không phải là đặt ra các thủ tục hành chính. Do đó, cần xây dựng hệ thống luật pháp và tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng đối với việc quan trắc và thực thi tiêu chuẩn xả thải sạch hơn, xanh hơn để doanh nghiệp nghiên cứu và áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Luật pháp quy định chung chung, doanh nghiệp sẽ loay hoay không có định hướng. Do vậy, cần sớm sửa đổi những vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật để “cởi trói” cho các khu công nghiệp chuyển đổi sang các khu công nghiệp kiểu mới”.
VnEconomy 16/03/2024 06:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2024 phát hành ngày 11/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam