15:41 20/12/2023

TP.HCM cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Singapore

Thanh Thủy

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố đang bước sang giai đoạn mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao…

Chủ tịch UBND TP.HCM  Phan Văn Mãi gặp gỡ với các doanh nghiệp Singapore - Ảnh: Vũ Phong
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gặp gỡ với các doanh nghiệp Singapore - Ảnh: Vũ Phong

Ngày 19/12, UBND TP.HCM đã tổ chức Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp Singapore.

Tại buổi gặp mặt, ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.HCM đề nghị chính quyền thành phố thông tin rõ hơn về 3 chủ đề lớn mà các doanh nghiệp nước này quan tâm. Đó là các lĩnh vực ưu tiên cho đầu tư; kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và các quy định về quản lý.

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH TRÊN CƠ SỞ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Thông tin thêm về các dự án phát triển công nghệ cao của thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tại Khu Công nghệ cao của thành phố, đã có cơ sở ban đầu để nghiên cứu và sản xuất các bộ phận trong các lĩnh vực như công ghiệp chip bán dẫn, sinh học, vật liệu mới và kể cả hàng không vũ trụ. Đây là những ngành có tiềm năng mà thành phố rất quan tâm.

Ngoài ra, các dự án văn hóa thể thao, đặc biệt là công nghiệp văn hóa, công nghệp sáng tạo, các trung tâm tích hợp thể dục thể thao, tích hợp văn hóa, các trung tâm nghiên cứu R&D (Research and Development – Nghiên cứu và Phát triển) là địa điểm có thể sáng tạo các loại hình văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa cũng là lĩnh vực Thành phố quan tâm.

“Thành phố đang bước sang giai đoạn mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Theo đó, không khuyến khích, không có ưu đãi cũng như sẽ xem xét rất kỹ về giấy phép cho những đầu tư sử dụng nhiều nguồn lực thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai. Thành phố ưu tiên phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao”, Ông Mãi nhấn mạnh.

Đối với các lĩnh vực ưu tiên đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trong ngắn và trung hạn, thành phố ưu tiên thu hút các ngành như kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano.

Ngoài ra, thành phố cũng thu hút các ngành tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ…

PHÁT TRIỂN 400 KM ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Đối với kế hoạch phát triển hạ tầng, người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định không chỉ có hạ tầng giao thông mà thành phố sẽ phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị và cả hạ tầng số.

Về hạ tầng giao thông, TP.HCM sẽ tập trung phát triển mạng lưới giao thông kết nối với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, Thành phố cũng đang có nhiều dự án chuẩn bị được triển khai như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, cao tốc kết nối TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long, cao tốc kết nối TP.HCM với các địa phương còn lại của Đông Nam Bộ, đường sắt kết nối TP.HCM - Long Thành; TP.HCM - Cần Thơ và đường sắt đô thị.

Về đường sắt đô thị, TP.HCM có quy hoạch giai đoạn 1 là 220 km. Hiện Thành phố mới thực hiện được 20 km với tuyến Metro số 1, còn 200 km sẽ tiếp tục hoàn thiện đến năm 2035. Thành phố cũng có kế hoạch nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên 400 km.

Tại buổi trao đổi, Tổng Lãnh sự Singapore cũng nêu kiến nghị của các doanh nghiệp về việc thành lập một đầu mối liên hệ khi có vướng mắc cần giải quyết, nếu không các doanh nghiệp sẽ phải gặp nhiều sở, ngành, dẫn đến việc mất nhiều thời gian.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi cũng thừa nhận đây là điều mà chính quyền Thành phố trăn trở nhưng chưa giải quyết được. Năm 2023, Thành phố đã giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) làm đầu mối. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ nêu vướng mắc với ITPC, ITPC sẽ tư vấn, kết nối đến các sở, ngành, địa phương có liên quan để giải quyết. Đồng thời, ITPC cũng có nhiệm vụ theo dõi tiến độ để việc giải quyết đạt hiệu quả cao hơn. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Trung tâm sẽ báo cáo Thường trực UBND thành phố.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: “TP.HCM luôn xác định là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có sứ mệnh phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn và con đường để làm được việc đó là thường xuyên cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế nắm bắt được cơ hội đầu tư có hiệu quả. Sự thành công của doanh nghiệp là tiền đề cho sự phát triển của TP.HCM”.

Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cũng bày tỏ mong muốn thông qua cộng đồng doanh nghiệp Singapore, có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa chính quyền Thành phố với các cơ quan nhà nước, cơ quan Chính phủ của Singapore nhằm giúp TP.HCM hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

 

Riêng đối với TP.HCM, trong 11 tháng năm 2023, Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 184 dự án, vốn đăng ký đạt 170,1 triệu USD, chiếm 29,7% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản với 95 dự án, vốn đăng ký 81,2 triệu USD, chiếm 14,2%; Ấn Độ với 40 dự án, vốn đăng ký đạt 62,2 triệu USD, chiếm 10,8%.