12:09 27/04/2023

Lại tăng trước giảm sau, cổ phiếu blue-chips rất đuối

Kim Phong

Khoảng 15 phút rực rỡ cuối ngày hôm qua không còn nhiều ảnh hưởng đến phiên sáng nay. Chỉ vài phút VN-Index leo qua tham chiếu tăng cao nhất cũng chỉ 0,33%, để rồi lại kết thúc bằng một nhịp trượt dài và chốt giảm 0,17%. Các cổ phiếu blue-chips quá yếu, không đủ để giữ nhịp chỉ số do dòng tiền vào nhóm VN30 thấp nhất 5 phiên...

Một số cổ phiếu bất động sản giao dịch sôi động sáng nay, nhưng không có nghĩa là cả nhóm bất động sản đều tốt.
Một số cổ phiếu bất động sản giao dịch sôi động sáng nay, nhưng không có nghĩa là cả nhóm bất động sản đều tốt.

Khoảng 15 phút rực rỡ cuối ngày hôm qua không còn nhiều ảnh hưởng đến phiên sáng nay. Chỉ vài phút VN-Index leo qua tham chiếu tăng cao nhất cũng chỉ 0,33%, để rồi lại kết thúc bằng một nhịp trượt dài và chốt giảm 0,17%. Các cổ phiếu blue-chips quá yếu, không đủ để giữ nhịp chỉ số do dòng tiền vào nhóm VN30 thấp nhất 5 phiên.

VN30-Index đang giảm 0,37%, mạnh nhất sàn HoSE. Midcap vẫn tăng nhẹ 0,32%, Smallcap tăng 0,08%. Độ rộng của rổ blue-chips cũng tệ với 7 mã tăng/18 mã giảm.

Những mã vốn hóa lớn nhất lại yếu nhất: VIC giảm 1,93%, VHM giảm 1,88%, VNM giảm 1,55%, HPG giảm 1,14%, VRE giảm 1,09%. Phía tăng chỉ có 3 mã đáng kể là GVR tăng 1,95%, PLX tăng 1,63% và VPB tăng 1,03%.

Với độ rộng còn 185 mã tăng/160 mã giảm, không có nhóm cổ phiếu nào nổi bật mà chỉ có các cổ phiếu cá biệt. Bất động sản một số mã giao dịch sôi động như NTL tăng kịch trần với thanh khoản 21,8 tỷ đồng; DXG tăng 3,97% giao dịch 199,5 tỷ; SCR tăng 2,74% với 50,9 tỷ; KBC tăng 2,03% với 145,6 tỷ; DIG tăng 1,78% với 180 tỷ…

Thanh khoản sáng nay tăng 18% trên hai sàn, đạt 4.080 tỷ đồng, trong đó HoSE tăng 17% với 3.586 tỷ đồng. Tuy nhiên trạng thái giằng co thể hiện rõ ở nhóm thanh khoản cao nhất. Top 20 cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường, chiếm 50% giao dịch cả sàn, thì một nửa (10 mã) đang đứng trên tham chiếu. Với diễn biến tăng trước giảm sau ở chỉ số, độ rộng co hẹp dần nên cổ phiếu cũng hạ độ cao tương tự nhau. Thống kê HoSE có 12% số cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay là đang đứng ở mức cao nhất phiên và trên tham chiếu. Khoảng 52% số cổ phiếu đang tụt giá tối thiểu 1% so với mức đỉnh.

VN-Index lại trượt giảm dần khi không có lực đỡ.
VN-Index lại trượt giảm dần khi không có lực đỡ.

Mặc dù những biến động phục hồi vẫn luôn xuất hiện trong xu hướng điều chỉnh giảm, nhưng động lực thường không bền vững. Lý do là khi các nhà đầu tư lớn giảm bán và mua lại nâng đỡ, thị trường dễ phục hồi. Khi giá tăng trở lại, lực bán lại xuất hiện lần nữa và khi không còn bên mua đủ khỏe, giá từ từ trượt giảm tùy vào khối lượng xả kế tiếp.

Với khả năng co kéo các mã vốn hóa lớn, ví dụ sáng nay là VCB, VPB, GVR đỡ cho VHM, VIC, VNM nên điểm số giảm khá chậm. Tuy vậy biên độ trượt giá của cổ phiếu trong phiên như mới thống kê phía trên cho thấy liên tục các bull-trap được hình thành để làm mắc kẹt các nhà đầu tư hưng phấn mua đuổi giá.

Thị trường vẫn luôn có một số cổ phiếu giao dịch mạnh và sôi động, nhưng đó không phải là đại diện. Biên độ thị trường nên được nhìn một cách tổng thể, ví dụ sáng nay độ rộng còn khá tốt, nhưng chỉ có 75 mã đang tăng hơn 1% và chỉ 19 mã đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. Điều đó thể hiện số rất ít cổ phiếu nhận được dòng vốn nóng hoạt động tích cực, đa phần tăng giá là dựa trên thanh khoản rất nhỏ.

Khối ngoại hiện không còn là thế lực có tác động đến thị trường nhiều, giao dịch ngày càng yếu. Tổng giá trị mua vào trên HoSE sáng nay chỉ là 199,1 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,2% giá trị sàn. Mức bán ra là 392,7 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 193,6 tỷ. VIC bị xả lớn nhất -36,4 tỷ, VNM -27,7 tỷ, VHM -18,7 tỷ, VRE -15 tỷ. Phía mua có HPG +28,5 tỷ, STB +12,6 tỷ. Dòng vốn ETF đang suy sụt đáng chú ý khi từ đầu tháng 4 tới giờ đã rút ròng hơn 260 tỷ đồng tại các quỹ phổ biến như Fubon, Vaneck, iShare, Diamond, VFMVN30…