06:00 04/05/2022

Làm gì để sâm Ngọc Linh xuất khẩu đạt tỷ đô?

Song Hoàng

Cuối tháng 4, người dân ở khắp các vùng núi cao của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) lũ lượt kéo về trung tâm huyện để dự một sự kiện trọng đại - Hội chợ sâm Ngọc Linh. Đây là lần đầu tiên sâm Ngọc Linh có “sân chơi” lớn, với sự tham dự của hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở ươm trồng, sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh...

Hội chợ sâm Ngọc Linh tại Kon Tum rất thành công khi thu hút hàng ngàn du khách
Hội chợ sâm Ngọc Linh tại Kon Tum rất thành công khi thu hút hàng ngàn du khách

Chị Hồ Dan, hội viên của Hợp tác xã Đăk Viên, rất háo hức khi đưa những sản phẩm như sâm dây, đẳng sâm, củ sâm Ngọc Linh và cả mật ong của Hợp tác xã xuống chợ để triển lãm và hy vọng bán được càng nhiều càng tốt.

ĐỊNH VỊ SÂM NGỌC LINH TRONG PHÂN KHÚC CAO CẤP

Ba ngày hội chợ, có hàng trăm khách hàng từ khắp nơi đã tới thăm gian hàng của xã Đăk Viên, nhiều củ sâm có giá thành hàng chục triệu đồng cũng đã được chốt đơn thành công. Chị Dan mong muốn sau hội chợ này, người dân trong cả nước, thậm chí cả khách nước ngoài cũng sẽ biết tới sâm Ngọc Linh của Tu Mơ Rông nhiều hơn, để khát vọng đổi đời của những người Xơ Đăng bao năm sống trên núi cao như chị sẽ sớm trở thành hiện thực.

Chị Hồ Dan, hội viên Hợp tác xã Đăk Viên phấn khởi vì các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của Đăk Viên bán được khá nhiều tại hội chợ
Chị Hồ Dan, hội viên Hợp tác xã Đăk Viên phấn khởi vì các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của Đăk Viên bán được khá nhiều tại hội chợ

Thực tế, mơ ước được giàu có, thậm chí trở thành tỷ phú của nhiều người trồng sâm trên vùng núi cao Ngọc Linh không hề viển vông, bởi thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này một báu vật thực sự của đại ngàn. Những già làng ở đây kể lại, trước đây, người Xơ Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh chỉ xem cây này như một phương thuốc chữa bệnh.

Những lúc đau ốm nặng hay bị rắn cắn và cả các bệnh thông thường như đau bụng, dân làng thường lấy thân, rễ cây ra ngậm. Cây có vị đắng, mùi thơm, sau khi dùng thuốc ai nấy đều khỏi bệnh và cảm thấy khỏe khoắn. Lúc bấy giờ cũng chưa ai biết đó là cây sâm như ngày nay.

Nhiều năm qua, sâm Ngọc Linh được giới khoa học và y dược học trên thế giới liên tục tìm kiếm và ngày càng phát hiện thêm nhiều tính năng, đặc biệt có giá trị cho sức khỏe con người. Với 52 hợp chất saponin (hợp chất có tác dụng chính trong phòng ngừa ung thư, tăng cường sức khỏe), nhiều gấp đôi số lượng saponin so với sâm Hàn Quốc, cùng 26 loại saponin chưa từng được tìm thấy trong các loại sâm khác, sâm Ngọc Linh của Việt Nam được đặt danh pháp khoa học là Panax vietnamensis, để khẳng định thương hiệu và giá trị riêng biệt của cây dược liệu quý này.

Chính vì quý hiếm nên sau hơn hai thập kỷ khai thác, tính từ năm 1973, sâm Ngọc Linh từng ở bên bờ vực tuyệt chủng do con người khai thác vô độ. Bắt đầu từ năm 1997, nhờ được bảo tồn kịp thời tại huyện Tu Mơ Rông, cây sâm đã được hồi sinh và hiện đang được gieo trồng, phát triển hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên.

Năm 2018, khi đến thăm một vườn sâm Ngọc Linh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ), đã gọi sâm Ngọc Linh là “quốc bảo” của Việt Nam và đề nghị các doanh nghiệp phải tập trung bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, biến sản phẩm quốc bảo thành các sản phẩm quốc kế dân sinh.

Tuy nhiên, để sâm Ngọc Linh trở thành “quốc kế dân sinh” và là ngành xuất khẩu tỷ đô, là bài toán không đơn giản đối với chính quyền tỉnh Kon Tum, Quảng Nam cũng như với hàng ngàn người dân, hàng trăm doanh nghiệp đang tham gia trong chuỗi sản xuất, ươm trồng loại cây quốc bảo này.

Các chuyên gia tham dự hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh tại Kon Tum năm 2018 đã đưa ra khuyến nghị, Kon Tum, Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung cần phải bảo tồn cho bằng được nguồn gene thuần chủng của sâm Ngọc Linh. Khi ngành sâm đạt được các điều kiện về sản lượng, quy mô và thương hiệu mang tầm quốc tế thì cần có chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm như cách Hàn Quốc đã làm.

Việc phổ biến sâm Ngọc Linh là cần thiết để người dân có thể sử dụng các sản phẩm của sâm, nâng cao sức khỏe nhưng vẫn cần định vị sâm Ngọc Linh ở phân khúc cao cấp. Việt Nam cũng cần phải bảo hộ được giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh trên các thị trường quốc tế. 

MỞ RỘNG DIỆN TÍCH TRỒNG SÂM QUỐC BẢO 

Theo quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ, về việc đăng ký chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh cho tỉnh Kon Tum, vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh trải dài trên địa bàn 9 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei với diện tích gần 17.000 ha. Trong đó, có 6 xã của huyện Tu Mơ Rông (Ngọc Lây, Măng Ri, Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi và Tê Xăng) và 3 xã thuộc huyện Đăk Glei (Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp).

Sâm Ngọc Linh được định hướng phát triển thành sản phẩm chiến lược của Kon Tum trong tương lai gần. 
Sâm Ngọc Linh được định hướng phát triển thành sản phẩm chiến lược của Kon Tum trong tương lai gần. 

Tỉnh Kon Tum đã quy hoạch trên 31.700 ha diện tích trồng sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích vùng lõi có khả năng trồng sâm gần 17.000 ha. Địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trồng hết diện tích khoảng trên 9.000 ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp; hàng năm khai thác bình quân 800 ha và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của Kon Tum; đa dạng hóa sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Năm 2022, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh, trong đó huyện Đăk Glei 10ha và huyện Tu Mơ Rông 490 ha. Với sự chủ động cả về nguồn giống và nguồn vốn, sự sẵn sàng tâm thế của cả người dân và doanh nghiệp, Kon Tum tự tin đạt mục tiêu này.

Chính quyền, doanh nghiệp và người dân Kon Tum đang kỳ vọng sẽ tạo được bước đột phá trong việc mở rộng diện tích vườn sâm Ngọc Linh, hướng gần tới mục tiêu phát triển được vùng nguyên liệu đảm bảo cho công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh.

CÒN NHIỀU RÀO CẢN ĐỐI VỚI SÂM NGỌC LINH 

Mặc dù có được những kết quả tương đối khả quan, nhưng hiện nay, việc mở rộng quy mô trồng sâm Ngọc Linh đang gặp không ít khó khăn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, với giá bán hiện tại, trồng 1 ha sâm Ngọc Linh sau 8 năm lợi nhuận có thể đạt trên 2,7 tỷ đồng.

Bởi vậy, cây sâm Ngọc Linh được coi là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư. Lợi nhuận thấy rõ nhưng hiện tại người dân, nhất là hộ nghèo khó trồng được cây sâm Ngọc Linh bởi vốn đầu tư ban đầu quá lớn, ước tính để trồng 1 ha cần số vốn từ 10 - 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện cây sâm Ngọc Linh vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tỉnh phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật trồng sâm tạm thời. Tỉnh Quảng Nam cũng có quy chuẩn kỹ thuật và Kon Tum cũng có quy chuẩn riêng. Vấn đề kiểm định, kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh cũng trong tình trạng tương tự.

Tình trạng bán- mua sâm Ngọc Linh thật- giả lẫn lộn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng cũng như giá trị, thương hiệu sâm Ngọc Linh, là câu chuyện diễn ra từ nhiều năm và mỗi năm lại thêm phức tạp, chưa biết khi nào có hồi kết.

Ngay tại Hội chợ sâm tại Tu Mơ Rông vừa được tổ chức, để những khách hàng yên tâm, ban tổ chức đã phải bố trí một gian hàng có sự tham gia của lực lượng quản lý thị trường, trưng bày cả sâm giả để giúp người tiêu dùng nhận diện, tránh mua phải sâm Ngọc Linh giả.