Lạm phát hạ nhiệt, dư địa để nới thanh khoản cho ngân hàng
Theo VIS Rating, Ngân hàng Nhà nước còn nhiều dư địa chính sách để cải thiện nguồn cung tiền, tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và tăng cường dự trữ ngoại tệ…
Sau động thái “đảo chiều” chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng từ tháng 9/2022 bằng quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 14/3, lãi suất tái chiếu khấu đã được điều chỉnh giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với một số lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5% xuống 5%.
Theo nhận định của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm (VIS Rating) tại Báo cáo "Góc nhìn Tín nhiệm" vừa được công bố, quyết định này là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước định hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tiền tệ, dựa trên cơ sở lạm phát trong nước đã giảm nhiệt và thị trường ngoại hối ổn định trở lại.
Sau nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để giảm lãi suất và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, chi phí huy động vốn và lãi suất cho vay của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ giảm trong các tháng tiếp theo trong năm 2023. Theo đó, các ngân hàng nhỏ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do mức độ phụ thuộc cao vào nguồn vốn liên ngân hàng và dễ bị ảnh hưởng trước những biến động về lãi suất tiền gửi.
“Mặt bằng lãi suất đầu vào giảm dẫn tới lãi suất cho vay giảm. Các ngân hàng sẽ chuyển phần tiết kiệm được do chi phí vốn giảm sang cho người vay tín dụng, đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nền kinh tế nói chung. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ gia tăng nhu cầu tín dụng và tính thanh khoản của thị trường ngân hàng, từ đó làm tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Khi trần lãi suất huy động tiếp tục giảm, các ngân hàng sẽ có sự điều chỉnh lãi suất mạnh mẽ hơn”, VIS Rating phân tích.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2023 được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 đã hạ nhiệt khi giảm 0,23% so với tháng trước. Song so với tháng 12/2022, CPI tháng 3/2023 vẫn tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý 1/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 5,01%. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI giảm tốc là do bình quân giá xăng dầu trong nước quý 1/2023 giảm mạnh hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Và theo nhiều chuyên gia, đây có thể là cơ sở cho sự nới lỏng chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
Liên quan tới những bất ổn của các ngân hàng tại Hoa Kỳ và EU, VIS Rating nhận định sẽ chưa ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam bởi các ngân hàng gặp khó khăn này ít có mối liên hệ về tín dụng và đầu tư tại Việt Nam và hơn nữa là tình hình vĩ mô của Việt Nam đang ổn định.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng giữa việc kiềm chế lạm phát và kích thích tăng trưởng, duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và lạm phát trong nước đã giảm nhiệt, VIS Rating cho rằng vẫn còn nhiều dư địa chính sách để cải thiện nguồn cung tiền, tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và tăng cường dự trữ ngoại tệ.
“Nếu xảy ra trường hợp dòng tiền đầu tư tài chính rút khỏi thị trường Việt Nam khi môi trường lãi suất toàn cầu tăng, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và kiểm soát được tình hình”, VIS nhận định.