16:39 26/03/2023

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Lãi suất tiền gửi có thể giảm thêm, nhưng khó trở lại mức như thời Covid-19

Vân Nguyễn

Năm 2023, nhiều kịch bản đã chỉ ra rằng, tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ thấp và gặp nhiều khó khăn. Chỉ số tăng trưởng trong quý 1 sắp được đưa ra sẽ khá ảm đạm, thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên vẫn có những tín hiệu tích cực về sự đảo chiều của nền kinh tế dần quay về ổn định và phục hồi, nhưng cần cẩn trọng…

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng thấp về xuất khẩu và công nghiệp chế tạo có thể được bù đắp bởi sự tiếp tục phục hồi của các ngành dịch vụ và đầu tư công.

Ngoài ra, việc Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành vào giữa tháng 3 vừa qua là một trong những quyết định quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

ĐẦU TƯ CÔNG GÓP PHẦN PHỤC HỒI KINH TẾ

Năm 2023 sẽ là năm đầu tư công trở nên tích cực, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách trong năm 2023 dự toán ở mức trên 1,6 triệu tỷ, tổng chi ở mức trên 2,76 triệu tỷ. Trong đó chi cho đầu tư ở mức 726,7 tỷ, thặng dư ở mức -4,4%.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp, Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright, Đại học Fullbright, chính sách tài khóa sẽ được nới lỏng với trọng tâm từ việc đẩy mạnh từ đầu tư công. Trong 2 tháng đầu năm nay, 90% vốn đã được giao cho các bộ ngành và các địa phương. Đây là một trong những lần đầu tư công tập trung lớn nhất trong vòng 15 năm qua. Mức đầu tư công cao sẽ kéo theo sự hồi phục của nền kinh tế.

Cũng theo ông Thành, vào ngày 22/3 vừa qua, Fed đã tiếp tục điều chỉnh lãi suất tăng lên 0,25 điểm phần trăm sau việc đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu, nhưng Ngân hàng Nhà nước (Việt Nam) chưa thể mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn sẽ là “cánh cửa hẹp” có thể được mở ra vào tháng 6 năm nay khi mà áp lực chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới thu hẹp.

Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% ngoài việc thực hiện chính sách tài khóa thông qua giải ngân mạnh đầu tư công cần có chính sách tiền tệ, giảm lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng từ giữa năm 2023. Song song với việc tăng trưởng cần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4,5 %.

Thực tế thời gian qua, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể từ 1 - 1,5 điểm phần trăm trong bối cảnh tín dụng tăng chậm và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ khoảng 0,77% so với mức tăng 2,65% của cùng kỳ năm ngoái.

NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC XEN LẪN THÁCH THỨC

Theo nhận định của các chuyên gia, lạm phát trên thế giới trên đà suy giảm, nhưng tốc độ tương đối chậm. So với cùng kỳ, lạm phát tổng thể tháng 2 ở mức 6% , giảm nhẹ so với mức 6,4% của tháng 1.

Tại Việt Nam, lạm phát cũng bắt đầu hạ nhiệt vào tháng 2. Nhiều dự báo cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục giảm vào tháng 3 và đi ngang hoặc tăng nhẹ vào tháng 4, tháng 5 tới. Đây là một tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam.

Nói về rủi ro và thách thức của thị trường, ông Thành cho rằng, mặc dù rủi ro về hệ thống không ở mức cao, nhưng một số ngân hàng vẫn sẽ gặp khó khăn thanh khoản trước điều kiện tiền tệ thắt chặt hiện nay. Rủi ro lớn nhất nằm ở thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nay, phương án khả thi để giải cứu thị trường này còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc sau khi mở cửa sẽ tạo tác động tích cực tới Việt Nam. Kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bù đắp cho sự suy giảm tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ và EU. Ngoài ra, việc mở cửa trở lại từ thị trường này sẽ kích cầu du lịch của Việt Nam.

“Mặc dù việc mở cửa trở lại của quốc gia đông dân nhất thế giới này mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng vẫn sẽ có những thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, việc phục hồi này còn mang tính tự động khi mở cửa hậu Covid-19 và mục tiêu tăng trưởng đề ra của Trung Quốc ở mức khiêm tốn trong năm 2023 với con số 5%. Không những thế, thị trường sản xuất và tiêu dùng nội địa cũng sẽ gặp khó khăn khi mà sức cạnh tranh gia tăng từ việc nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao”, ông Thành nói thêm.

Trong mục tiêu ngắn hạn, theo ông Thành, vẫn còn nhiều rủi ro có thể xảy ra cho nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng cải thiện và phục hồi nếu tìm được “la bàn” giữa vùng “biển động”.

“Trong nửa cuối năm 2022, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng nhà nước giảm từ mức 110 tỷ USD xuống còn 83 tỷ USD từ việc bán dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá, nguồn tiền bị hút khỏi lưu thông khiến cho thanh khoản trở nên khó khăn. Tuy nhiên, tín hiệu tốt là từ đầu năm 2023 ngân hàng nhà nước đang nỗ lực tăng lại dự trữ ngoại tệ, có thể đưa mức dự trữ lên 100 tỷ USD để giúp thanh khoản VNĐ ổn định trở lại. Nếu xu hướng sắp tới VNĐ tiếp tục ổn định, Ngân hàng Nhà nước tăng ngoại tệ dự trữ lên và bơm VNĐ ra sẽ là cơ hội đổi hướng chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang bớt thắt chặt, dù vẫn cần rất thận trọng”, ông Thành nhận xét.

Dự báo của chuyên gia này, từ giờ đến cuối năm 2023 lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhưng không quay về mặt bằng lãi suất như trong thời gian COVID. Lãi suất tiền gửi thời kỳ Covid-19 khoảng 7,5%, tăng vọt lên 10,5% thậm chí 11%; hiện giờ hạ được khoảng 1% xuống còn 9,5%.

“Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1%, nhưng chắc chắn khó có thể trở lại mức 7,5% kể cả trong những năm tới. Thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020 - 2021", ông Thành nhấn mạnh.