10:05 08/06/2016

​Làm sao để nóng mà KHÔNG ngứa?

PV

​Làm sao để nóng mà KHÔNG ngứa? - Ảnh 1

1.    Bệnh viêm da do tiếp xúc với ánh nắng 
Có nhiều người mỗi khi đi nắng liền cảm giác ngứa ngáy, càng gãi càng nổi đỏ, sần sùi và nhiều lúc còn lan rộng ra những vùng da xung quanh. Vị trí thường gặp nhất chính là vùng da ở hở ở cổ, tay và chân. Bệnh thường gặp ngày hè này được nhiều nhận định cho rằng chúng có liên quan đến gene. Đôi khi chỉ vài phút nhưng cũng có người lên đến vài giờ.
Nếu bạn không may mắc phải chứng bệnh này thì cách duy nhất là hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, bạn có thể dùng kem chống nắng để bảo vệ da và ngăn tình trạng khô da; nhớ kết hợp thêm phụ kiện để ngừa nắng nữa nhé! Điều trị tại chỗ tương tự như điều trị các viêm da cấp tính khác, gồm: dùng biện pháp đắp gạc lạnh với nước muối sinh lý, bicarbonat, hoặc aluminum subacetat; tiếp theo dùng hồ nước hoặc dung dịch bột. Chú ý tránh dùng thuốc dạng mỡ trong khi thương tổn vẫn còn mụn nước và còn ướt. Thận trọng khi dùng thuốc bôi corticoid. Trường hợp bệnh nhân nhạy cảm nhiều với ánh nắng có thể dùng thuốc ức chế miễn dịch như azathioprin. Trong trường hợp biểu hiện bệnh quá nặng, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng cách.2.    Rôm sảy
Rôm sảy gây bệnh chủ yếu ở trẻ em nhưng bệnh còn có thể xảy ra ở 1/3 người lớn sống trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở trẻ em, rôm sảy chủ yếu “mọc” đầu, cổ, vai, ngực, lưng hay ở kẽ nách, háng. Ở người lớn, rôm sảy lại “mọc” nhiều ở các nếp gấp của da và những vị trí cọ sát của quần áo.
Cách trừ rôm sảy nhanh nhất là làm lạnh da và chống tiết mồ hôi. Bạn có thể làm giảm tiết mồ hôi bằng cách: dùng máy lạnh, quạt thông khí, mặc áo quần thoáng mát và nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Nếu da của bạn được làm mát lạnh, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng. Dạng rôm sảy nhẹ thường bạn không cần phải điều trị. Nhưng ở các dạng nặng hơn thì bạn cần dùng các loại thuốc bôi để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng. Thuốc bôi thường dùng là dung dịch Calamine làm dịu ngứa, thuốc anhydrous lanolin giúp ngăn ngừa tình trạng bít các ống tuyến mồ hôi và ngưng “mọc” rôm sảy mới. Các bài thuốc nam chữa rôm sảy hữu ích bạn có thể dùng là: các loại rau, quả có tính mát như mướp đắng, bồ công anh, sài đất, chanh... để ăn và tắm. Lưu ý khi khi sử dụng các loại lá này cần phải rửa sạch kỹ trước khi nghiền, lọc hay đun nước tắm. Bạn cần chọn loại phấn rôm chất lượng tốt chấm lên những vùng da bị rôm sảy, sau khi tắm cho trẻ nhỏ. Các thức uống có tính mát như bột sắn dây, nước cam, chanh...cũng rất tốt để trừ rôm sảy. 3.    Viêm nang lông
Viêm nang lông là một căn bệnh phổ biến ngoài da. Biểu hiện bằng những nốt mụn mủ nhỏ, khu trú ở nang lông, căn nguyên thường gặp nhất là do tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, một số trực khuẩn Gram âm, một số loại nấm... Tùy từng tác nhân gây bệnh mà sẽ có các loại thuốc bôi ngoài da, thuốc uống khác nhau. Do vậy không phải cứ bị bệnh viêm nang lông là có thể dùng một loại thuốc để bôi.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông, trong đó phải kể đến: khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, nhiễm các chất phóng xạ... những yếu tố này có thể tác động trực tiếp lên da gây nên hiện tượng viêm nang lông. Cũng có thể là do việc cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, hay do bạn sử dụng quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da… Các trường hợp lạm dụng một số loại thuốc như bôi corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài cũng tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển. Người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn người bình thường; những người có rối loạn nội tiết cũng thường bị viêm nang lông do cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi. Trong việc điều trị bệnh viêm nang lông muốn có hiệu quả thì việc đầu tiên bạn nên tìm ra nguyên nhân vì sao gây bệnh viêm nang lông nhằm giúp phòng tái lại sau khi bệnh được chữa khỏi. Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh mà sử dụng các loại thuốc phù hợp vừa mang lại hiệu quả cao, bệnh không tiến triển nặng hơn và không để lại sẹo.

​Làm sao để nóng mà KHÔNG ngứa? - Ảnh 2
4.    Bệnh tuyến mồ hôi:
Mồ hôi tiết ra nhiều còn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm tuyến mồ hôi, đặc biệt ở trẻ nhỏ với các biểu hiện mụn nước, sẩn li ti, đỏ da ở vùng có nhiều tuyến mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ. Người bệnh thường ngứa nhiều, nhất là khi trời nóng, ra mồ hôi. Điều trị viêm tuyến mồ hôi có thể dùng hồ nước bôi ngày 2 - 3 lần, kem có chất kháng khuẩn và corticoid nhẹ như fucidin H bôi ngày 1 - 2 lần. Đối với trẻ em thì có thể tắm cho trẻ bằng các dung dịch tắm dành cho em bé như lactacid, cetaphil… mặc đồ mát, thoáng, dễ thấm mồ hôi bằng vải cotton giúp da khô thoáng.
5.    Đinh nhọt
Đây thực chất cũng là một trạng thái của chứng viêm nang lông. Vì độc tố cầu khuẩn cao nên viêm toàn bộ nang lông, lan ra cả tổ chức xung quanh, làm hoại tử cả một vùng biểu hiện thành “ngòi” gồm tế bào, xác bạch cầu. Nếu đinh nhọt to có thể kèm theo sốt, nổi hạch đau ở vùng tương xứng. Vị trí hay gặp ở gáy, lưng, mông, các chi.
Đinh nhọt ở vùng quanh miệng gọi là “đinh râu” rất nguy hiểm, có thể gây tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng huyết không nên chích nặn sớm. Vì thế, khi đinh nhọt mới nổi sưng đỏ, cứng, bạn có thể chấm cồn I ốt 3 - 5% hoặc bôi ichthyol tinh chất. Khi nhọt đã vỡ mủ nặn hết ngòi ra, chấm thuốc màu hoặc bôi mỡ kháng sinh, toàn thân cho uống hoặc tiêm một đợt kháng sinh. 6.    Lang ben
Yếu tố thuận lợi gây bệnh là độ ẩm ở bề mặt da tăng, tiết chất bã nhiều vào ngày nắng nóng. Tuổi mắc bệnh chủ yếu là ở người trẻ và trung niên. Tổn thương là dát trắng có thể nhỏ lấm tấm hoặc là mảng lớn có bờ quanh co như bản đồ bề mặt có vảy cám.Vị trí thường thấy nổi lang ben là cổ và cánh tay, ngực, lưng, chủ yếu nửa thân trên.
Bình thường thì lang ben ít ngứa nhưng khi ra nắng đổ mồ hôi nhiều thì ngứa râm ran như kim châm. Đây là bệnh điều trị hết thì dễ nhưng hết hẳn rất khó. Khi đã được điều trị lành rồi, nếu không bôi thuốc dự phòng, quần áo không được giặt luộc, ủi nóng thì khả năng tái phát rất cao.
Mặt nạ cho da khi cần
- Da bị tróc nắng: dùng mật ong massage trong 10 phút làm mềm và sạch da, sau đó thấm nước ép nho trong 10 phút tiếp theo để tăng cường sức sống cho da rồi rửa lại bằng nước sạch.
- Tẩy dầu cho da: Cà chua bỏ vỏ, hạt xay nhuyễn đắp trong 15 phút là hút sạch dầu mà không làm mất cân bằng độ ẩm của da.
- Sáng da sau nắng: hâm nóng nước cốt dừa với mật ong massage da trong 15 phút rồi rửa sạch bằng nước sạch.
 
Những món ăn lợi cho da ngày nắng
- Cháo lá sen: nấu cháo bằng gạo tẻ với lá sen tươi để ăn giúp thanh nhiệt, mát huyết, bổ âm, sinh tân, tiêu viêm, bớt ngứa.
- Trứng chim cút mật ong: đánh bông trứng chim cút với mật ong, hấp cách thủy ăn thay bữa sáng giúp tiêu viêm, chống dị ứng, nhuận da.
- Chè đậu xanh, ý dĩ: ý dĩ bằng 1/10 đậu xanh, thêm chút nước chè xanh nấu thành chè uống trong ngày hết viêm da, hết ngứa da.
- Chè hồng táo: nấu từ hồng táo, ngân nhĩ, trúc diệp, đường phèn, ngày ăn một lần làm mát huyết, sinh tân, hết ngứa ngáy.

Phương Anh