11:02 09/09/2014

Lần đầu tiên Nhật xuất khẩu vũ khí từ Thế chiến 2

Diệp Vũ

Việc Nhật cung cấp tàu ngầm cho Australia có thể sẽ đẩy căng thẳng trong khu vực lên một nấc thang mới

Ảnh một con tàu ngầm Soryu của Nhật do Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cung cấp - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Ảnh một con tàu ngầm Soryu của Nhật do Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cung cấp - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Australia đang chuẩn bị mua 10 tàu ngầm từ Nhật Bản với mức giá khoảng 18,7 tỷ USD. Thương vụ mua bán vũ khí này được xem là sẽ đánh dấu lần đầu tiên Nhật xuất khẩu vũ khí kể từ sau Thế chiến 2.

Tờ Wall Street Journal cho biết, thỏa thuận giữa Tokyo và Canberra đã được giới chức quốc phòng tiết lộ vào ngày hôm qua (8/9). Theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ hoàn tất và chính thức ký kết trong năm nay.

Giới phân tích đánh giá rằng, việc Nhật cung cấp tàu ngầm cho Australia có thể sẽ đẩy căng thẳng trong khu vực lên một nấc thang mới, bởi động thái này đưa Nhật trở thành người đảm bảo an ninh chính cho Australia trong bối quan hệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng, bao gồm Nhật Bản, vẫn đang trong tình trạng căng thẳng.

Việc Australia mua tàu ngầm từ Nhật cũng phá vỡ lời hứa của Thủ tướng Tony Abbott trước cuộc bầu cử hồi năm ngoái về việc sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm mới nhằm giúp hỗ trợ các công ty đóng tàu trong nước đang gặp khó khăn. Hôm qua, Thủ tướng Abbott nói, Chính phủ của ông muốn hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất trong nước, nhưng không thể vì thế mà hy sinh vấn đề anh ninh quốc gia.

“Điều quan trọng nhất là có được những con tàu ngầm tốt nhất với mức giá phải chăng. Chúng tôi sẽ ra quyết định dựa trên các yêu cầu về quốc phòng, không phải dựa trên cơ sở chính sách công nghiệp”, ông Abbott phát biểu trước báo giới.

Ông Toru Hotchi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thiết bị thuộc Bộ Quốc phòng Nhật, hôm qua nói rằng, “vì Nhật và Australia đã đạt một thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng vào tháng 7, chúng tôi đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực”. Tuy nhiên, ông Hotchi không nói rõ các lĩnh vực hợp tác này có bao gồm lĩnh vực tàu ngầm hay không.

Australia xem việc sở hữu một hạm đội tàu ngầm là cần thiết để bảo vệ biên giới biển rộng lớn, bảo vệ các tuyến đường biển huyết mạch cho hoạt động xuất khẩu nguyên vật liệu thô, cũng như để tuần tra các dự án dầu khí ngoài khơi vào hàng lớn nhất thế giới của mình.

Trước đây, Australia đã vài lần bày tỏ mong muốn mua tàu ngầm tàng hình lớp Soyru của Nhật để thay thế đội tàu ngầm lớp Collins gồm 6 chiếc đã cũ kỹ.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật nặng 4.200 tấn là loại tàu ngầm chạy diesel-điện lớn nhất thế giới, do hai hãng Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries đóng. Loại tàu ngầm này được lái bởi một hệ thống đẩy không khí độc lập siêu êm, cho phép con tàu có thể hoạt động dưới nước trong vòng liền hai tuần.

Trong khi đó, những con tàu ngầm Collins của Australia do nước này tự sản xuất là một trong những loại tàu ngầm diesel-điện lớn nhất thế giới và có tầm di chuyển xa hơn Soryu, nhưng có độ ồn lớn và mức độ tin cậy thấp hơn do đã được sử dụng 18 năm.

Các chuyên gia cho rằng, việc Australia quyết định mua tàu ngầm Nhật, thay vì mua của Pháp hay Đức là kết quả của chuyến thăm Canberra hồi tháng 7 của Thủ tướng Abe nhằm thắt chặt quan hệ an ninh giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng.

“Chi tiết cụ thể của thỏa thuận chưa được hoàn tất. Nhưng thỏa thuận đang đến rất gần, có thể là trước cuối năm nay”, một quan chức Australia tiết lộ.

Tàu ngầm Soryu có thể di chuyển 11.000 km trước khi phải quay về căn cứ. Tầm di chuyển này thấp hơn mức mà Australia kỳ vọng, bởi nước này muốn bảo vệ những tuyến hàng hải tại các vùng biển có tranh chấp trong khu vực, nơi Trung Quốc thời gian gần đây hay khoe sức mạnh cơ bắp.

Để khắc phục vấn đề này , Australia sẽ phải chuyển cơ sở cảng và bảo trì tàu ngầm lên thành phố Darwin ở phía Bắc, nơi gần hơn với các quốc gia châu Á khác, thay vì tiếp tục đặt ở Perth và Sydney như hiện nay. Việc chuyển căn cứ tàu ngầm cũng sẽ giúp Australia hỗ trợ tốt hơn cho các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sang thăm trong bối cảnh Canberra muốn tăng cường quan hệ an ninh với đồng minh thân cận nhất là Washington.

Các nhà thầu quốc phòng của Nhật Bản đang có những bước đi đầu tiên tiến tới xuất khẩu vũ khí sau khi Thủ tướng Abe nới lệnh cấm đối với hoạt động này. Việc Nhật nới lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được cho là một sự chuyển biến nhạy cảm về mặt chính trị trong chính sách quốc phòng hòa bình hậu chiến tranh của nước này, gây phản ứng mạnh từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hiện Nhật cũng đang đàm phán về việc bán thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ. Đây là loại máy bay cho Nhật sản xuất, vừa dùng được cho hoạt động cứu hộ dân sự trên biển, vừa dùng được cho mục đích quân sự. Theo chính sách mới của Nhật, các nhà thầu quốc phòng của nước này không được bán vũ khí cho các chính phủ đang tham gia vào xung đột quốc tế và các nước có ý định tái xuất khẩu thiết bị quân sự phần cứng.