Lao động nam có thể hưởng lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm
Chính phủ cơ bản thống nhất về nguyên tắc việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu, đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm, đến dưới 20 năm...
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ban soạn thảo đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 xuống 15 năm, nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu của lao động nam khác nữ khi có cùng số năm đóng.
Theo đó, mức hưởng lương hưu của lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam, và 15 năm với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm 1 năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 2%.
Lao động nam đóng 15 năm bảo hiểm xã hội hưởng tỷ lệ tối thiểu 33,75%, và cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm. Lao động nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.
Như vậy, cùng lấy mốc 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, song tỷ lệ tích lũy lương hưu của lao động nam thấp hơn nữ 11,25%.
Để giải quyết vấn đề chênh lệch tỷ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ, trong báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây, nội dung này đã được bổ sung, chỉnh lý, tập trung bảo đảm quyền lợi của người lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Theo đó, về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, Chính phủ cơ bản thống nhất về nguyên tắc việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu, đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.
Quy định này nhằm cải thiện hơn tỷ lệ hưởng lương hưu, và góp phần giảm bớt chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu, so với lao động nữ có thời gian đóng tương ứng.
Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo, và các cơ quan có liên quan phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, thiết kế phương án chỉ áp dụng với các đối tượng đang được hưởng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nhiều chiều, với nguyên tắc đảm bảo sự ổn định, kế thừa thành quả Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tránh xáo động lớn trong xã hội.
Để đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã có lộ trình điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng bảo hiểm xã hội (tỷ lệ tích lũy) từ 3% còn 2,5% (giảm 0,5%) đối với nữ, và từ 2,5% còn 2,14% (giảm 0,36%) đối với nam.
Như vậy, lộ trình điều chỉnh giảm của nữ nhiều hơn nam là 0,14%/năm. Do đó, cơ quan soạn thảo đánh giá việc quy định mức tối thiểu 15 năm hưởng 33,75% đối với nam, 45% đối với nữ là phù hợp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng bình quân trong 30 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân cho một năm đóng bảo hiểm xã hội (tỷ lệ tích lũy) của nam là 2,14%/năm.
Tuy nhiên, để đảm bảo mối tương quan hài hòa, đồng thời đảm bảo lương hưu tương đương 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội không quá thấp, cơ quan soạn thảo đã dự thảo tỷ lệ tích lũy đối với nam là 2,25%, tương đương 15 năm đóng hưởng 33,75%, thay vì hưởng 32,1%.
Tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với một năm đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam hiện nay là 2,14% đối với nam, và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc, tỷ lệ này là 1%. Còn bình quân của thế giới là 1,7%.
Với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất thế giới.