Cần xem xét lại quy định mức lương hưu để bình đẳng mức hưởng giữa nam và nữ
Xuất phát từ thực tiễn, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở phản ánh quy định về số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối đa hiện nay chưa đảm bảo bình đẳng giữa lao động nam và nữ. Do đó, kiến nghị có chính sách để bảo đảm mức hưởng giữa các đối tượng, nhất là trong bối cảnh tuổi nghỉ hưu tăng…
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu, từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng theo lộ trình, cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028, đủ 60 tuổi với nữ vào năm 2035.
CHÊNH LỆCH VỀ TUỔI NGHỈ HƯU VÀ SỐ NĂM ĐÓNG GIỮA LAO ĐỘNG NAM VÀ NỮ
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh (Hà Nội), cho biết theo nhận định của người lao động và doanh nghiệp thì độ tuổi này chỉ phù hợp với người lao động làm việc gián tiếp. Còn lao động trực tiếp đa phần phải nghỉ hưu trước tuổi và bị trừ % tỷ lệ hưởng lương hưu, do sức khỏe không đảm bảo để làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Vị cán bộ công đoàn cơ sở cho rằng như vậy sẽ rất thiệt thòi cho người lao động, và đề nghị Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hai đối tượng trực tiếp và gián tiếp cho phù hợp.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Công đoàn Bảo hiểm xã hội quận Long Biên (Hà Nội), cũng bổ sung thêm rằng về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng, theo quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì tuổi nghỉ hưu đối với nam cao hơn nữ 2 tuổi (nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi).
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 66 dự thảo quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng của nam lại cao hơn của nữ 5 năm (20 năm đối với lao động nam, 15 năm đối với lao động nữ) là chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng cho lao động nam.
Vì vậy, ông Lê Ánh Dương đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nam là 17 hoặc 18 năm để đảm bảo hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Công đoàn Công ty Toyota Bosuky, cũng cho rằng quy định của pháp luật hiện hành đang hướng tới nam nghỉ hưu ở 62 tuổi và nữ 60 tuổi.
Do đó, nên điều chỉnh mức hưởng theo hướng lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội đủ 17 năm, nữ đóng đủ 15 năm thì được hưởng lương hưu với tỷ lệ 45%.
Để được hưởng mức lương hưu tối đa 75%, nam chỉ cần đóng đủ 32 năm, thay vì 35 năm như quy định hiện hành. Việc này để hướng tới công bằng và bình đẳng giới giữa nam và nữ trong hưởng lương hưu.
Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Hòa đề nghị dự thảo luật lần này cũng cần có những chế độ khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội, giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Cụ thể, cần nghiên cứu xem xét nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động đi làm việc sớm, có thời gian đóng bảo hiểm cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% (35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ).
"Đồng thời, xem xét với những năm đóng thừa bảo hiểm xã hội của người lao động được trừ đi số năm công tác còn thiếu khi người lao động muốn được nghỉ hưu sớm. Còn hiện nay, luật quy định những năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị trừ 2%”, Chủ tịch Công đoàn Công ty Toyota Bosuky kiến nghị.
HƯỚNG TỚI RÚT NGẮN DẦN KHOẢNG CÁCH
Vấn đề về thời gian đóng và mức hưởng bảo hiểm xã hội cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý khi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội trên nghị trường Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho biết theo quy định của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động được hưởng tối đa tỷ lệ phần trăm lương hưu khi nam đóng đủ thời gian bảo hiểm xã hội là 35 năm, nữ 30 năm.
Người đóng hưởng mức lương hưu tối thiểu với nam là 20 năm và nữ tối thiểu là 15 năm. Theo quy định này, độ chênh thời gian đóng bảo hiểm của nam và nữ là 5 năm.
Trong khi đó, Bộ luật Lao động quy định độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi, nghĩa là chênh nhau 2 tuổi. Vì thế, đại biểu cho rằng khi thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội, nhất thiết cần tuân thủ quy định về độ tuổi nghỉ hưu tại Bộ luật Lao động, nghĩa là rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội của lao động nữ, đồng thời phù hợp, tương ứng với thời gian rút ngắn hơn về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ đối với lao động nam.
“Mức chênh lệch 2 tuổi mới là phù hợp, còn theo dự thảo hiện nay mức chênh là 5 tuổi. Vì vậy, tôi đề nghị chỉnh sửa lại là thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng mức lương hưu tối đa của lao động nam là 32 năm thay vì 35 năm, nữ là 30 năm. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu đối với nam là 17 năm thay vì 20 năm, nữ là 15 năm”, đại biểu Hoàng Đức Thắng góp ý.
Theo đại biểu, quy định như vậy là phù hợp và công bằng, đảm bảo thống nhất với quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tại Bộ luật Lao động đã quy định.
Góp ý thêm về vấn đề tỷ lệ hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi quy định, đại biểu Phạm Thị Kiều, đoàn Đắk Nông, cũng đề nghị nghiên cứu hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa sang cho số năm nghỉ hưu trước tuổi của người lao động.
Theo đó, những người thừa số năm đóng bảo hiểm xã hội, nhưng còn thiếu tuổi để được hưởng lương hưu, mà muốn được hưởng lương hưu sớm thì vẫn được hưởng lương hưu tối đa là 75% và không bị trừ 2% tỷ lệ hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Từ góc độ chuyên gia về bảo hiểm xã hội, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, cho biết về tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu đã quy định trong luật, song một số trường hợp cụ thể vẫn được nghỉ hưu sớm.
Đơn cử, người lao động khi bị suy giảm khả năng lao động thì có thể nghỉ hưu trước tuổi. Thời gian nghỉ hưu sớm có thể từ 5 - 10 tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu thông thường. Đối với người lao động muốn nghỉ hưu sớm trong điều kiện bình thường thì cần có điều kiện là suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%, và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên sẽ được nghỉ sớm 5 năm.
“Trường hợp người lao động bị trừ tỷ lệ lương hưu do về hưu trước tuổi thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Đối với các trường hợp về hưu theo diện tinh giản biên chế thì sẽ có các quy định về mức hưởng khác nhau tùy vào trường hợp cụ thể. Quyền lợi cao nhất của tinh giản biên chế là không bị trừ tuổi đời khi về hưu”, bà Dương Thị Minh Châu thông tin thêm.