Lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu - Ảnh 1
Lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu - Ảnh 2

“Hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo những tháng đầu năm 2023 sẽ đứng trước một số khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như đứt gãy nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao khiến cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU  sẽ gặp những thách thức và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Hơn nữa, việc lạm phát tăng cao ở các thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cũng khiến nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng giảm. Trong khi đó, công nghiệp tiêu dùng lại là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ,… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu và xu hướng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vừa là thị trường cung ứng nguyên liệu vừa là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Vì vậy, việc nước này tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch Covid-19 cũng tác động đến tiến độ xuất khẩu và ảnh hưởng đến nguồn cung cho vùng nguyên liệu của Việt Nam cũng như nguồn cung cho hàng hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, với những cơ hội tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và kinh nghiệm trong việc chủ động ứng phó, đa dạng hóa thị trường, nguồn hàng thì xuất khẩu Việt Nam có thể sẽ hạn chế được những rủi ro nhất định. Đặc biệt, những kết quả tích cực của 9 tháng qua sẽ là tiền đề và cơ sở để hoạt động xuất nhập khẩu cả năm 2022 có thể cán đích và phấn đấu vượt mức chỉ tiêu đề ra.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, nhất là thông qua hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và hệ thống cảnh báo sớm. Điều này nhằm cung cấp kịp thời những thông tin về diễn biến thị trường, giúp cho doanh nghiệp có thể cập nhật sớm và có những biện pháp để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu, hướng tới sự phát triển xuất nhập khẩu bền vững”.

Lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu - Ảnh 3

“Tác động từ các yếu tố lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, dịch bệnh… khiến sức mua ở nhiều thị trường trên thế giới bắt đầu suy giảm. Hoa Kỳ và EU là những thị trường tiêu thụ chính đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, nhưng lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng ở các thị trường này đang tiết kiệm chi tiêu, trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là một trong những mặt không thiết yếu, do đó nên nhu cầu giảm mạnh. Trong khi trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ giảm thì trị giá xuất khẩu các mặt hàng khác như dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn và cửa gỗ lại tăng trưởng rất tốt trong 8 tháng năm 2022.

Những tháng gần đây, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành gỗ đang sụt giảm rất mạnh, đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ, EU. Trong dịch Covid-19, các nhà mua hàng đặt nhiều để dự phòng khi đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn có hàng. Tuy nhiên, hậu Covid-19 thì lượng hàng tồn kho rất cao. Thời điểm này các nhà mua hàng đang phải tái cấu trúc lại hệ thống tồn kho, việc này mất từ 6 tháng đến 1 năm. Hiện, 80% doanh nghiệp cho biết doanh thu sụt giảm so với năm 2021. Mức sụt giảm đơn hàng trung bình tại các thị trường Hoa Kỳ, EU và Anh được dự báo là trên 40%. 

Với tình hình khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ cần đa dạng hóa thị trường. Hiện nay xuất khẩu vào Hoa Kỳ chiếm đến 60% và chủ yếu là nhóm đồ gỗ phổ thông có giá bán chưa cao. Nếu xuất khẩu thêm các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn sẽ giảm thiểu bớt rủi ro bị áp các loại thuế.

Chúng tôi cũng kiến nghị các ngân hàng nên có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp ngành gỗ, hỗ trợ doanh nghiệp được giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp hoặc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Về phía Bộ Tài chính, cần xem xét, có chính sách về thuế, phí như giảm, chậm thu thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất; hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp”.

Lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu - Ảnh 4

“Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022 sẽ chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2021.

Trong 9 tháng qua kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt 1 tỷ USD, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nước này siết kiểm soát nhập khẩu để chống dịch bệnh. Hơn nữa, thị trường này hiện trở nên khó tính hơn với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật gắt gao, điều này cũng khiến nhiều loại rau quả Việt Nam không tiêu thụ được như: thanh long, dưa hấu, bưởi, xoài, chuối, mít…

Chúng tôi đang hy vọng Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid trong thời gian từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, xuất khẩu rau quả nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn khó khăn.

Đối với các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… tuy xuất khẩu rau quả vẫn tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhưng chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Đơn cử, Nhật Bản có nhu cầu nhập 20 tỷ USD rau quả nhưng rau quả của Việt Nam xuất sang thị trường này chỉ chiếm 3%. Nguyên nhân chủ yếu là do rau quả Việt Nam xuất khẩu vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế, tỷ lệ chế biến quá thấp. Bên cạnh đó, công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của Việt Nam còn hạn chế khiến nhiều loại sản phẩm khi đến các thị trường xa như EU, Hoa Kỳ không còn tươi ngon, rất khó bán. 

Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam vẫn có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn của thế giới nhờ vào diện tích trồng cây ăn quả 1,2 triệu ha và tổng sản lượng sau thu hoạch lên 12 triệu tấn.

Mới đây, Trung Quốc đã cấp phép cho sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường của họ. Mỗi năm Trung Quốc chi tới 4 tỷ USD cho mặt hàng sầu riêng, trong đó Thái Lan chiếm 90%, 10% còn lại là Việt Nam và Malaysia. Khi sầu riêng Việt Nam được phía Trung Quốc chấp nhận, xuất khẩu mặt hàng này sẽ vượt qua cả trái thanh long để đạt 2 tỷ USD/năm.

Như vậy, trong thời gian tới, trái cây của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu”.

Lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu - Ảnh 5

“Thị trường xuất khẩu điều năm nay đang rất khó khăn, lạm phát ở Hoa Kỳ leo thang, EU cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế, căng thẳng địa chính trị khiến nhu cầu tiêu thụ điều giảm mạnh. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt điều đạt 382 nghìn tấn, trị giá 2,29 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân nhân điều của Việt Nam tính chung trong 9 tháng ước đạt 5.992 USD/tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Hạt điều của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Các nền kinh tế lớn suy thoái, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng có xu hướng tăng tiết kiệm. Đây chính là nguyên nhân khiến Hoa Kỳ và các nước EU giảm nhập khẩu hạt điều trong các tháng còn lại của năm 2022, mặc dù nhu cầu tiêu thụ có thể tăng trong dịp cuối năm. 

Dự báo trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu điều khó khởi sắc bởi tình hình kinh tế - chính trị ở EU ngày càng phức tạp. Điều này khiến các doanh nghiệp lớn đình trệ sản xuất, nhà máy vừa và nhỏ đã phải đóng cửa vì thiếu đơn hàng.

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chỉ tiêu xuất khẩu cho ngành điều khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm hết sức khó khăn. Vì vậy, vào tháng 7/2022, Hiệp hội Điều Việt Nam đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu điều cả năm xuống 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chạm vào được con số 3,2 tỷ USD cũng là rất khó”.

Lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu - Ảnh 6

“Tổng kim ngạch xuất khẩu da giày tháng 9/2022 đạt 2 tỷ USD, giảm 30% so với tháng 8/2022 (2,6 tỷ USD). Thông thường xuất khẩu da giày mỗi tháng đạt 3 tỷ USD. Điều này cũng đúng với dự báo của Hiệp hội 3 tháng trước đây.

Sang đến quý 4/2022 do tình hình lạm phát, sức mua các mặt hàng thời trang, trong đó có giày dép ở các thị trường giảm mạnh, gây chững lại hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với các đơn hàng của khách hàng truyền thống vẫn được duy trì dù không được như kỳ vọng.

Song tôi cho rằng tình hình khó khăn sẽ kéo dài từ nay đến hết quý 1/2023, bởi những biến động của những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, hai thị này chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày. Ngoài ra cộng với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là 5 thị trường đã chiếm 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam, vì vậy, những biến động của các thị trường này sẽ tác động rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Dự kiến kịch bản tốt đẹp nhất của xuất khẩu da giày năm 2022 là 23-25 tỷ USD. Trong khi 9 tháng năm 2022 đã đạt 21 tỷ USD, còn 3 tháng nữa mục tiêu đặt vẫn có thể đạt được, mặc dù có sự sụt giảm của quý 4/2022.

Điều đáng nói, nhờ tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP (tỷ lệ tận dụng trên 90%) nên ngành da giày có mức tăng trưởng rất tốt từ đầu năm đến nay.

Với CPTPP hầu như thị trường nào cũng tăng trưởng, đặc biệt Canada tăng rất mạnh, tới 65%, khối thị trường Bắc Mỹ chiếm tới 46% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Điều lo lắng với ngành da giày hiện nay là khan hiếm cũng như khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ. Khó nữa là chi phí đầu vào hiện tăng quá cao, như: chi phí logistics, chi phí nhân công, kéo theo sự khan hiếm lao động.

Để vượt qua những biến động hiện nay, doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu,  tìm kiếm thêm khách hàng để không lệ thuộc vào một vài khách hàng truyền thống nhằm tránh rủi ro họ có thể rời đi. Cùng với đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng quản lý để tiết kiệm giảm chi phí, tăng khả năng hội nhập”.

Lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu - Ảnh 7

VnEconomy 02/11/2022 14:00