08:47 01/11/2022

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở những thị trường ngách nhằm giảm đà chững lại của xuất khẩu

Vũ Khuê

Trong thời gian còn lại của năm 2022, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định…

Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn tăng cao khiến xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn tăng cao khiến xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Nhận định được đưa ra tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022” ngày 31/10/2022 do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức.

NHỮNG THÁNG CÒN LẠI ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU KHÓ KHĂN

Số liệu Bộ Công Thương đưa ra cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,1%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,7 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10/2022 ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỷ USD).

Tuy nhiên, trong thời gian còn lại của năm 2022, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại EU, Mỹ và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt.

Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, chúng ta cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.

MỞ RỘNG CƠ HỘI Ở NHỮNG THỊ TRƯỜNG MỚI, SẢN PHẨM THẾ MẠNH

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng những thách thức trong thời gian tới rất rõ ràng như xu hướng lạm phát trên thế giới tăng cao, dẫn tới việc các ngân hàng trung ương nước ngoài sẽ nâng lãi suất để thu tiền về.

Điều này gián tiếp làm giảm mức cầu, cũng như giảm khả năng thanh toán của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đứt gãy trong chuỗi cung ứng… Kết quả xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ chững lại.

Do đó, để duy trì mức xuất nhập khẩu trong thời gian tới, vượt lên trước những khó khăn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động theo chiều hướng ngược lại với nền kinh tế của chúng ta thì các hoạt động xúc tiến thương mại cần được tăng cường.

Đặc biệt ở những thị trường ngách, thị trường mới đối với các mặt hàng phù hợp với sở trường, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, như thị trường châu Phi, Trung Đông, viễn đông của Nga, Trung Á, Mỹ La tinh…

Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc đề xuất, trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, chúng ta cần xây dựng phương án có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một vài ngành hàng hoặc một vài nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại.

Như với thị trường Trung Quốc, cân nhắc tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt Việt Nam (là hai sản phẩm Trung Quốc không sản xuất được) thông qua tổ chức tuần hàng nông sản tại các khu vực tập trung đông người (như phố đi bộ), biên tập cẩm nang giới thiệu về lịch sử, văn hóa, ẩm thực về sầu riêng, măng cụt... nhằm tạo thương hiệu hàng Việt, từ đó góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các mặt hàng trái cây khác của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Với doanh nghiệp, cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các Thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương. Có sự phối hợp hiệu quả với các Thương vụ trong quá trình kết nối doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu tại địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York khuyến nghị, các doanh nghiệp cần khai thác thế mạnh đặc sản vùng miền, lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm khách hàng (cộng đồng gốc Á, Phi, Latinh).

Bên cạnh đó, hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, chuỗi phân phối, đầu mối nhập khẩu. Tuân thủ yêu cầu đăng ký, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc và giữ vững chất lượng. Quan tâm tới các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và xã hội.

Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vào Hoa Kỳ cần đăng ký tuân thủ các quy định và hồ sơ của FDA do các công ty tư vấn của Hoa kỳ cung cấp hoặc nếu các doanh nghiệp cần thông tin công ty tư vấn có thể liên hệ với Văn phòng để được cung cấp.