13:41 24/05/2021

Lo thiếu nguồn cung bán dẫn, nhiều nước hợp tác và chạy đua sản xuất chip

Hồng Vinh

Cuộc chạy đua giành vị trí thống trị ngành công nghiệp bán dẫn càng trở nên khốc liệt khi Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc công bố kế hoạch chi hàng chục tỉ USD đầu tư quy mô lớn…

Con chip 2 nm của IBM có mật độ 333 triệu bóng bán dẫn trên một milimet vuông vừa được công bố đầu tháng 5.
Con chip 2 nm của IBM có mật độ 333 triệu bóng bán dẫn trên một milimet vuông vừa được công bố đầu tháng 5.

Công nghệ vi mạch bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên chuyển đổi số như ứng dụng IoT, thiết bị điện tử, smartphone… đã thúc đẩy nhiều nước chạy đua làm chủ công nghệ.

Chuyến thăm Hoa Kỳ tuần qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí rằng hai quốc gia sẽ hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định cho chất bán dẫn, pin xe điện và vật tư y tế.

Các công ty Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 39,4 tỷ USD vào các dự án sản xuất chip, xe điện và pin tại Mỹ trước sự lo ngại cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Trung Quốc. Ngoài ra, hai nước cũng đồng ý tăng cường hợp tác để cùng tham gia vào thị trường nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài.

Ngày 13/5, Chính phủ Hàn Quốc đã mở Hội nghị báo cáo chiến lược chíp bán dẫn Hàn Quốc tại nhà máy của hãng điện tử Samsung ở thành phố Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi), công bố kế hoạch phối hợp với khối tư nhân xây dựng “Vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc”, chuỗi cung ứng chíp bán dẫn lớn nhất thế giới cho tới năm 2030.

Theo đó, kế hoạch kêu gọi mở rộng năng lực sản xuất chíp bán dẫn với mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc bán dẫn hàng đầu thế giới. Chính phủ cam kết hỗ trợ đa dạng và các nhà sản xuất chíp đã hứa sẽ đầu tư 510.000 tỷ won (452,8 tỷ USD).

 

Cả Mỹ và Trung Quốc đều phụ thuộc chủ yếu vào công ty đúc bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan. Đây là công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn cho các công ty công nghệ Mỹ như Apple, Intel, AMD, Nvidia và Qualcomm...

Một yếu tố khác thu hút nhiều sự chú ý là “vành đai chíp bán dẫn” kết nối các khu vực lân cận thủ đô như Pangyo (thuộc thành phố Seongnam), thành phố Hwaseong, thành phố Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi), thành phố Cheonan (tỉnh Nam Chungcheong), thành phố Cheongju (tỉnh Bắc Chungcheong), thành một vành đai bán dẫn khổng lồ, nuôi dưỡng, phát triển tất cả các khâu như thiết kế, sản xuất, thiết bị, vật tư thành một hệ sinh thái thống nhất. Đây được đánh giá là một bước đi mạnh mẽ, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, đảm bảo vị trí dẫn đầu trong chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu.

Trước đó, Mỹ đã công bố đề xuất gói chi tiêu 52 tỷ USD cho ngành bán dẫn. Đề xuất trên bao gồm 49,5 tỷ USD bổ sung khẩn cấp cho hoạt động cung cấp chip, vốn đã được đưa vào Đạo luật Ủy quyền quốc phòng trong năm nay.

Theo Thượng nghị sĩ Schumer, khoản đầu tư này sẽ giúp Mỹ tiếp tục có lợi thế trong ngành sản xuất chip toàn cầu. Và hơn 1,5 tỷ USD còn lại nhằm khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn thiết bị của các đối tác phương Tây thay thế cho thiết bị của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE với mục tiêu đẩy nhanh sự phát triển của mô hình hệ thống mạng truy cập vô tuyến mở (OpenRAN).

Tình trạng thiếu hụt chip đã gây tổn hại đến ngành sản xuất ô tô của Mỹ và cản trở sự phát triển của một số ngành công nghiệp khác. Tháng trước, Ford Motor cảnh báo việc nguồn cung chip thu hẹp có thể làm giảm một nửa sản lượng quý 2/2021 của nhà sản xuất ô tô này, trong khi General Motors đã phải ngừng hoạt động sản xuất của một số nhà máy ở Bắc Mỹ.

Trung Quốc trong những năm gần đây cũng đã đưa ra vô số khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp chip trong nỗ lực độc lập công nghệ với phương Tây, bao gồm việc thành lập quỹ đầu tư 29 tỉ USD vào năm 2019.

Trong những năm gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều phụ thuộc chủ yếu vào công ty đúc bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan. Đây là công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn cho các công ty công nghệ Mỹ như Apple, Intel, AMD, Nvidia và Qualcomm.

Mặc dù các công ty công nghệ trên của Mỹ vẫn kiểm soát tài sản trí tuệ của chip bán dẫn và có quyền truy cập vào phần mềm EDA, nhưng họ phải thuê TSMC chế tạo các tấm silicon để tiết kiệm chi phí.

Nỗ lực tự cung tự cấp chip bán dẫn của Trung Quốc đã được đẩy mạnh sau khi Mỹ tận dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực bán dẫn để làm tê liệt gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Tại Nhật Bản, Canon, Tokyo Electron và Screen Semiconductor Electron sẽ tham gia một chương trình do chính phủ tài trợ 42 tỉ Yên (khoảng 385 triệu USD). Chương tình này sẽ hợp tác với các công ty bán dẫn như TSMC để phát triển chip 2 nanomet tiên tiến. Nhật Bản muốn đảm bảo rằng họ có thể tạo ra chất bán dẫn tiên tiến trong tương lai và đặt mục tiêu xây dựng một dây chuyền thử nghiệm gần Tokyo với sự giúp đỡ của TSMC.

Ngay cả Ấn Độ, vốn ít cơ sở hạ tầng sản xuất chip, cũng hy vọng sẽ xây dựng một trung tâm thiết kế cho các công ty chip toàn cầu và thu hút các nhà máy bằng các chương trình trợ cấp mới dựa trên sức mạnh của mình.

Những năm 1990, Mỹ từng có 37% thị phần sản xuất chất bán dẫn và vi điện tử nhưng ngày nay, chỉ có 12% chất bán dẫn trên toàn cầu được sản xuất tại nước này.