18:54 10/05/2021

Khan hiếm chip bán dẫn cản đà tăng trưởng ngành ô tô

Phạm Vinh

Sự phát triển của công nghệ và dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn cho ô tô đang ngày càng trở nên trầm trọng…

Khan hiếm chip bán dẫn sẽ còn kéo dài.
Khan hiếm chip bán dẫn sẽ còn kéo dài.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng quý 1/2021 toàn thị trường tăng 32% so với cùng kỳ, đạt 70.952 chiếc. Trong đó, doanh số xe du lịch đã có sự phục hồi mạnh khi tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 49.428 chiếc.

NHIỀU YẾU TỐ THÚC ĐẨY DOANH SỐ

Theo VAMA, động lực tăng trưởng đến từ các hãng xe như Mitsubishi, VinFast, Mercedes-Benz, MG và Honda đã chủ động hỗ trợ phí trước bạ cho khách hàng sau khi chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ từ Chính phủ hết hiệu lực vào cuối năm 2020. 

Mặt khác, cứ mỗi 5 năm, một vài hãng xe sẽ có nhiều điều chỉnh đáng kể về thiết kế và năm nay (2021) là năm đầu của chu kỳ mới nên nhiều mẫu xe mới được chào bán, thu hút sự quan tâm của khách hàng. Ngoài ra, Việt Nam kiểm soát tốt Covid-19 tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi, qua đó góp phần thúc đẩy sức mua.

Doanh số VAMA theo nguồn gốc xe.
Doanh số VAMA theo nguồn gốc xe.

Thống kê cũng cho thấy, doanh số xe lắp ráp tăng mạnh với 21% so với cùng kỳ, đạt lên 40.262 chiếc; và xe nhập khẩu tăng 58%, lên 30.690 chiếc.

Anh Trần Đại Việt, chủ shop xe sang ở Quận 7, lý giải nguyên nhân giúp xe nhập khẩu tăng trưởng cao hơn xe lắp ráp nội địa nhờ chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ hết hạn khiến các mẫu xe lắp ráp nội địa trở nên đắt đỏ hơn trước, nên giảm sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Thêm vào đó, ngành sản xuất ô tô của Thái Lan phục hồi sau khi nhiều nhà máy phải giảm công suất do ảnh hưởng của dịch bệnh (GlobalData ước tính công suất sản xuất giảm 25-30% trong năm 2020), giúp cải thiện nguồn cung xe.

Theo thị phần, Thaco tiếp tục là công ty có thị phần lớn nhất với 37%, tăng thêm 1,5% so với năm 2020 nhờ doanh số bán xe Kia tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Tiếp sau là các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Toyota, Honda, Mitsubishi.

Thị phần các hãng xe thành viên VAMA quý 1/2021.
Thị phần các hãng xe thành viên VAMA quý 1/2021.

Trong khi thị phần Mitsubishi được duy trì nhờ sự ưa chuộng của người mua với mẫu xe Mitsubishi Xpander, thì Toyota đã đánh mất khoảng 4,7% thị phần do Toyota Vios dần đánh mất sự ưa thích của thị trường. Ford - đơn vị “thống lĩnh” phân khúc xe bán tải - đứng ở vị trí thứ 5 với 8,9%.

KHAN HIẾM CHIP BÁN DẪN SẼ CÒN KÉO DÀI?

Theo các chuyên gia trong ngành, mức tăng trưởng trên còn có thể cao hơn nếu các nhà máy bán dẫn cung cấp đủ chip cho các hãng xe. Tuy nhiên, số liệu tăng trưởng trên được thống kê tại thị trường Việt Nam. Còn tại nhiều nước trên thế giới, doanh số bán xe trong quý 1 giảm mạnh do dịch Covid-19 bùng phát đã tác động đến nền kinh tế, kéo theo nhu cầu tiêu thụ ô tô rơi vào tình trạng ảm đạm. 

 

"Quý 2/2021 sẽ tồi tệ hơn quý 1 và vấn đề thiếu chip bán dẫn có thể tồn tại trong thời gian dài, có khi tới sang năm sau.”

Ông Song Sun-jae. 

Trong khi đó, nhu cầu đối với các thiết bị điện tử như điện thoại và laptop lại tăng cao do nhu cần sử dụng làm việc tại nhà. Trước tình hình này, các nhà máy sản xuất chip bán dẫn đã chủ động chuyển đổi dây chuyền sản xuất về hướng chip dành cho thiết bị điện tử. Ước tính, doanh thu 2020 chip bán dẫn dành cho ô tô toàn cầu giảm 9% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu chip bán dẫn cho thiết bị điện tử tăng 11% so với cùng kỳ.

Sự chuyển hướng này khiến chip bán dẫn ô tô bị thiếu thiếu hụt chip bán dẫn ô tô. Nhiều hãng xe như Honda, BMW, Volkswagen, Jaguar Land Rover, Volvo và Mitsubishi… phải thu hẹp sản xuất. Ford cũng hạ dự báo doanh thu năm 2021 do thiếu chip bán dẫn.

Người đứng đầu Tesla - Tập đoàn sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, tỷ phú Elon Musk, cũng mô tả việc thiếu chip bán dẫn là một vấn đề lớn đối với ngành ô tô.

Tình hình này càng trở nên khó khăn hơn đối với các nhà sản xuất ô tô bởi họ không chắc chắn về thời điểm dự trữ chip bán dẫn sẽ cải thiện. Công ty tư vấn AlixPartners của Mỹ dự báo các nhà sản xuất ô tô trên thế giới có thể mất doanh thu 61 tỷ USD trong năm nay do tình trạng thiếu chip bán dẫn.

Việc triển khai tiêm phòng vaccine trên toàn cầu sẽ giúp triển vọng kinh tế tích cực hơn, kéo nhu cầu mua xe phục hồi nhanh và mạnh hơn dự kiến của các hãng xe. Đồng thời, cả ô tô và các thiết bị điện tử ngày càng phụ thuộc vào công nghệ - được điều khiển bởi các chip bán dẫn khiến số lượng chip bán dẫn trên mỗi đơn vị sản phẩm tăng lên. Các công ty chip bán dẫn dự kiến tình trạng khan hiếm sẽ chỉ được giải quyết sớm nhất vào quý 4/2021.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích của Ngân hàng Đầu tư Hana Daetoo (Seoul), ông Song Sun-jae, quý 2/2021 sẽ tồi tệ hơn quý 1 và vấn đề thiếu chip bán dẫn có thể tồn tại trong thời gian dài, có khi tới sang năm sau”.
Tương tự, nhà sản xuất linh kiện bán dẫn NXP Semiconductors của Hà Lan cũng dự báo sự thiếu hụt chip bán dẫn sẽ kéo dài trong suốt năm nay. Thậm chí, những hạn chế đối với ngành công nghiệp ô tô có thể kéo dài đến năm 2022.

GIÁ XE KHÓ GIẢM DO THIẾU NGUỒN CUNG

Do thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn nên dự kiến doanh số xe quý 2 và quý 3/2021 sẽ không tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ 2020, nhiều khả năng sẽ đi ngang. Vì thế, triển vọng tăng trưởng doanh số bán hàng chỉ thực sự tích cực từ quý 4/2021 trở đi khi nguồn cung dồi dào hơn. 

Không quá khó để dự đoán giá bán xe sẽ khó giảm trong thời gian tới, thậm chí dự đi ngang hoặc tăng nhẹ. Nguyên nhân, như đã nói ở trên do nguồn cung chip bán dẫn hạn chế có thể khiến giá chip tăng, đồng thời chi phí các nguyên vật liệu khác cũng đang tăng cao như thép có thể khiến chi phí sản xuất tăng. Hơn nữa, hàng tồn kho xe ô tô hiện tại không có nên áp lực thanh lý thấp. Bởi đa phần khách hàng muốn mua xe thời điểm này phải đặt hàng trước từ 1 tháng đến vài tháng.